• Hướng đến những mục tiêu dài hạn

    Thị trường bất động sản trầm lắng cũng có mặt tích cực là giúp các bên tham gia thị trường có khoảng thời gian đánh giá lại tình hình. Các cơ quan quản lý tìm cách tháo gỡ, tìm hướng ra cho thị trường, còn các doanh nghiệp cũng lên những kế hoạch mới nếu không muốn bị đào thải…
    Từ kế hoạch dài hơi của ngành xây dựng
    Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết mục tiêu của ngành xây dựng là những kế hoạch dài hơi và năm nay là một cột mốc quan trọng trong kế hoạch đó.

    Trong vòng năm năm tới, mục tiêu tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành xây dựng là từ 12 - 15%, diện tích bình quân nhà ở đạt 22m2/người, xây dựng tối thiểu khoảng 10 triệu mét vuông nhà ở xã hội, tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt 38% với 870 đô thị...

    Nhìn chung, những mục tiêu dài hạn của ngành xây dựng lâu nay vẫn có tiếng là… không thực hiện được, điển hình là việc thực hiện kế hoạch nhà ở xã hội trên cả nước của Bộ Xây dựng chỉ đạt tỷ lệ 1%!

    Với mục tiêu trước mắt, theo Bộ Xây dựng, vẫn là tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, bằng những chương trình hành động quyết liệt để phát triển thị trường theo hướng lành mạnh.

    Theo đó, các ban ngành liên quan sẽ hành động sớm và kiên quyết tạo thể chế, chính sách pháp luật hợp lý, nhằm tăng cường quản lý kiểm soát thị trường bất động sản cũng như tháo gỡ các khó khăn về xác định giá đất, thuế thu nhập cá nhân trong chuyển nhượng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và tài sản trên đất, đẩy nhanh việc thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ đầu tư bất động sản để hỗ trợ vốn cho thị trường...

    Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục kiến nghị giảm tăng trưởng và tỷ trọng tín dụng bất động sản với lộ trình hợp lý, tránh gây sốc, đồng thời áp dụng các biện pháp tăng tính thanh khoản, tránh đóng băng thị trường.

    Theo Bộ Xây dựng, các tổ chức tín dụng cần ưu tiên bố trí nguồn vốn để cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà ở phục vụ đối tượng thu nhập thấp và các dự án sẽ hoàn thành và có khả năng thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012.

    Có nên chờ đợi sự tham gia của ngân hàng?

    Thống đốc Nguyễn Văn Bình trong một phát biểu trước Tết Nguyên đán cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước đang xem xét giải quyết vấn đề tín dụng cho ngành bất động sản, nhằm đưa thị trường thoát khỏi tình trạng đóng băng hiện nay.
    Việc áp dụng một cơ chế cởi mở hơn cho lĩnh vực bất động sản bắt nguồn từ việc các nhà quản lý đánh giá rằng tín dụng cho lĩnh vực này đã được điều chỉnh ở mức độ an toàn cho phép trong năm vừa qua.

    Theo số liệu mới được công bố, tổng dư nợ cho vay bất động sản năm 2011 chỉ chiếm 9,25% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng, giảm 13,46% so với cuối năm 2010, trong khi tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống là khoảng 12%.

    Điều này có nghĩa là dư nợ của tín dụng bất động sản đã được khống chế và vì vậy Chính phủ có thể có những bước điều chỉnh. Nhiều người lạc quan cho rằng việc điều chỉnh sẽ theo hướng mở rộng “room” của tín dụng bất động sản, trước mắt là cho một số dự án, phân khúc có khả năng tiêu thụ và thu hồi vốn ngay.

    Giải pháp được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là ưu tiên cho việc giảm tăng trưởng và tỷ trọng tín dụng bất động sản một cách hợp lý, song song với khuyến khích các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp áp dụng các biện pháp tăng tính thanh khoản cho thị trường.

    Các chuyên gia kinh tế nhận định, để khơi thông nguồn vốn cho bất động sản, rất cần có sự tham gia của cả doanh nghiệp, Nhà nước và người dân, chứ không chỉ chờ vào nguồn tín dụng từ các ngân hàng. Trong đó, vai trò của Nhà nước là đưa ra những cơ chế, chính sách hợp lý, đồng thời tăng cường quản lý rủi ro và kiểm soát hiệu quả dòng tín dụng vào bất động sản.

    Doanh nghiệp chuyển hướng vào những dự án dài hạn
    Về phía các doanh nghiệp, họ cũng đang nỗ lực tự cứu mình. Một xu thế có từ cuối năm 2011 tiếp tục được nhiều doanh nghiệp quan tâm trong thời gian tới, đó là sự chuyển hướng chiến lược trong đầu tư kinh doanh.

    Đầu tư vào lĩnh vực bất động sản trong thời điểm trầm lắng như hiện nay là khá mạo hiểm, tuy nhiên chính sự đóng băng của thị trường lại là cơ hội khẳng định vị thế đối với những doanh nghiệp nội lực mạnh, ít bị lệ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng.

    Điều này càng đúng hơn nếu họ không chỉ có vốn mà còn có cả những kế hoạch, chiến lược dài hạn. Thật vậy, trong khi hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản lao đao và chán nản khi thị trường trầm lắng, suy giảm thì một số doanh nghiệp đã tìm được hướng đi riêng.

    Giá nhà đất giảm, người mua không mặn mà lại đem đến một cơ hội không dễ gặp là giá nguyên vật liệu đầu vào trong ngành xây dựng và chi phí nhân công giảm theo. Vậy nên, nếu đầu tư đúng hướng, chọn đúng phân khúc thị trường và có chiến lược dài hạn thì vẫn có thể thu được lợi nhuận, đặc biệt trong trung và dài hạn.
    Theo DNSG
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê