• Mổ xẻ nạn biến đất công viên thành nhà ở, sân tennis

    Cử tri Hà Nội đang bức xúc chuyện quản lý sau quy hoạch biến đất công viên, cây xanh thành... nhà ở, sân tennis
    Phiên chất vất kỳ họp thứ 6, HĐND TP.Hà Nội khoá XIV diễn ra từ ngày 3-7.12.2012. Hiện nay, cử tri Hà Nội đang bức xúc việc quản lý sau quy hoạch để xảy ra tình trạng biến đất xây dựng công viên, cây xanh thành nhà ở, sân tennis, bãi đỗ xe. Ông Lê Văn Hoạt - Phó Chủ tịch HĐND TP thông tin tại buổi họp báo với các cơ quan thông tấn báo chí hôm 29.11.

    Công viên tuổi trẻ-điểm nóng về quản lý sau quy hoạch

    Ông Hoạt cho hay, tại kỳ họp lần này, sẽ chất vấn và trả lời chất vấn về quy hoạch bãi đỗ xe; xử lý các công trình sai phép, không phép; quản lý quỹ nhà chuyên dùng, đất công. Những vi phạm tại công viên Tuổi Trẻ được hứa sẽ giải quyết từ kỳ họp lần trước, đến nay vẫn chưa hoàn thành cũng sẽ được tái chất vấn tại kỳ họp lần này.

    Kỳ họp kéo dài 5 ngày sẽ xem xét, quyết định rất nhiều nội dung quan trọng theo thẩm quyền. Phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này sẽ được tổ chức trong thời gian 1 ngày, dự kiến diễn ra vào ngày 5.12, được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài PTTH Hà Nội.

    Tiếp xúc với cử tri, cho thấy Công viên Tuổi trẻ (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang là điểm nóng.

    Được biết, năm 1995, Hà Nội thành lập Công ty Thương mại Đầu tư và phát triển Hà Nội, thuộc Thành đoàn Hà Nội để quản lý và xây dựng công viên Tuổi trẻ, đáp ứng nhu cầu giải trí, thể dục thể thao, nghỉ ngơi của thanh niên và nhân dân.

    Tuy nhiên, do hoạt động không hiệu quả nên năm 2003, công ty này được chuyển về Tổng công ty Du lịch Hà Nội và đổi tên thành Công ty Đầu tư và dịch vụ Tuổi Trẻ để có thể huy động nguồn lực tài chính. Cùng với việc đổi chủ, công viên này cũng đã 2 lần được điều chỉnh quy hoạch.

    Tuy nhiên, việc thay đổi đơn vị quản lý không tạo diện mạo mới mà công ty này ngày càng thua lỗ, nợ ngân hàng 50 tỷ đồng, lỗ kinh doanh 30 tỷ đồng... vào thời điểm năm 2007. Sau khi thay đổi bộ máy lãnh đạo, doanh nghiệp này đã tạm hoạt động ổn định vào thời điểm này, song vẫn để phát sinh hàng chục hạng mục xây dựng sai phép, lấn chiếm trong công viên do các nhà đầu tư thực hiện.

    Mới đây, UBND Hà Nội đã đánh giá, việc giao cho Công ty Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ làm chủ đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác công viên là đơn vị không đủ năng lực tài chính thực hiện. Mặt khác, công viên Tuổi trẻ Thủ đô lại được giao cho đơn vị trực thuộc Tổng công ty du lịch thì không phải cơ quan chuyên ngành nên sự chỉ đạo không tập trung, thường xuyên.

    Do vậy, UBND Hà Nội đã dự kiến chuyển đổi đơn vị quản lý công viên Tuổi Trẻ là Công ty công viên cây xanh Hà Nội (thuộc Sở Xây dựng).

    Theo đề án của Sở Xây dựng Hà Nội, Sở sẽ chỉ đạo Công ty Công viên cây xanh tổ chức tiếp nhận công viên Tuổi Trẻ, thành lập Xí nghiệp quản lý vận hành công viên Tuổi Trẻ Thủ đô. Đơn vị này sẽ quản lý, khai thác toàn bộ công trình, tài sản, hệ thống cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ đảm bảo an toàn, hiệu quả.

    Ông Trần Trọng Hiếu, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường và công trình ngầm, Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, trên nguyên tắc bàn giao tổng thể, các công trình sai phép sẽ được thống kê và quận Hai Bà Trưng sẽ đảm nhiệm xử lý. Hiện công viên này có 6 công trình lớn đã được đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

    Liên quan đến giao thông đô thị, cử tri Hà Nội cũng đề nghị thành phố chỉ đạo kiểm tra, xử lý ô tô đỗ trên vỉa hè phố Bà Triệu (ngã tư Bà Triệu, Trần Hưng Đạo) gây hỏng vỉa hè, cản trở việc đi lại của người dân. Phố Vọng Đức thuộc quận Hoàn Kiếm là phố ngắn, rất chật hẹp nhưng lưu lượng giao thông khá lớn. Cử tri mong thành phố điều chỉnh việc xe ô tô lưu thông 2 chiều thành 1 chiều trên tuyến phố này để tránh tình trạng ách tắc giao thông.

    Hiện nay trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, nhiều tuyến phố văn minh đô thị có vỉa hè rộng, nhưng do quy định không được để xe trên vỉa hè nên nhiều hộ gia đình, hộ kinh doanh vẫn lén lút để xe lộn xộn gây mất mỹ quan đường phố. Cử tri cũng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo nghiên cứu phương án đối với những tuyến phố văn minh đô thị có vỉa hè rộng trên 3,5m cho phép được kẻ vạch, xác định ranh giới để người dân để xe cho gọn gàng, đảm bảo trật tự đô thị.

    Theo Đất Việt
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê