• BĐS tuần qua: Lãi suất thấp vẫn chỉ là trên...giấy

    Doanh nghiệp và khách hàng vẫn khó tiếp cận với vốn vay lãi suất thấp từ ngân hàng, hàng trăm nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường Đà Nẵng,....là những tin tức bất động sản hấp dẫn tuần qua.
    Lãi suất thấp cho BĐS chỉ nằm trên giấy

    Nhiều ngân hàng (NH) đua nhau công bố các gói cho vay bất động sản với lãi suất hấp dẫn, chỉ 13-14%/năm. Tuy nhiên phần lớn gói tín dụng giá rẻ này chỉ nằm trên... giấy.

    Trái với tuyên bố “rùm beng” của các NH về những gói tín dụng bất động sản lãi suất thấp, nhiều khách hàng vẫn phải vay với lãi suất xấp xỉ 20%/năm, trong khi các doanh nghiệp (DN) bất động sản đều khẳng định chưa thể tiếp cận những nguồn vốn này...

    Một khách hàng cho biết, tại NH ANZ, chị được nhân viên NH cho biết lãi suất 13,65%/năm như công bố chỉ áp dụng trong tháng đầu tiên. Từ tháng thứ hai trở đi, lãi suất 15,8%/năm. Nếu chọn kỳ hạn thay đổi lãi suất dài là 3 hoặc 6 tháng, lãi suất tương ứng là 14,05%/năm và 14,52%/năm.

    Nhà đầu tư tháo chạy khỏi Đà Nẵng

    Tuy nhiên, NH đưa ra nhiều điều kiện ràng buộc khá khó khăn. Đó là khách hàng phải vay mức tối thiểu là 500 triệu đồng, tài sản thế chấp phải là nhà có sổ hồng, diện tích từ 30m2 trở lên và được NH định giá từ 820 triệu đồng trở lên, thu nhập mỗi tháng từ 16 triệu đồng trở lên... Trường hợp trả nợ trước hạn trong thời gian từ năm thứ nhất đến năm thứ ba sẽ bị phạt.

    Các doanh nghiệp cũng trong tình cảnh tương tự là phải vay với mức lãi suất cao. Ông Lê Hữu Nghĩa - tổng giám đốc Công ty Lê Thành - cho biết trong ngày 4/6, DN này vẫn thanh toán lãi vay cho một NH với lãi suất lên tới 20%/năm. Ngoài ra theo ông Nghĩa, trong ba tháng gần đầy, DN đã liên hệ nhiều NH để vay vốn nhưng đều nhận được cái lắc đầu từ nhân viên tín dụng.

    Hà Nội: 1.700 công trình vi phạm trật tự xây dựng

    Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, tính từ ngày 1/1/2010 đến nay, có 1.700 công trình vi phạm trật tự xây dựng, trong đó có hơn 1.000 trường hợp xây không phép trên đất nông nghiệp, đất công, hơn 900 công trình bị cưỡng chế, hoặc yêu cầu phá dỡ.

    Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nhiều chủ đầu tư cố tình vi phạm, thiếu ý thức chấp hành pháp luật. Các vụ vi phạm được đánh giá là nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận là công trình xây dựng khu nhà ở liền kề tại Khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông); công trình sai phép tại số 12 ngõ 168 Thụy Khuê (Tây Hồ); các công trình xây dựng không phép trên đường Trần Quốc Hoàn, phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy)...

    Đặc biệt nhất trong số này là công trình nhà ở kết hợp văn phòng và bảo tàng tại địa chỉ 55A-55B Bà Triệu xây dựng sai 3 tầng so với giấy phép và thiết kế được duyệt (từ 9 tầng + tum thang xây thành thành 13 tầng). Hiện nay, chủ đầu tư đang phải tự tháo dỡ phần xây dựng sai phép.

    Đối với khu vực ngoại thành, vi phạm nổi cộm là tình trạng xây dựng không phép (chiếm khoảng 93% tổng số công trình không phép trên địa bàn). Trong đó phần lớn là xây trái phép trên đất nông nghiệp, đất công hoặc đất lấn chiếm, đất chưa có quy hoạch xây dựng, chiếm khoảng 65%. Các huyện để xảy ra nhiều vụ vi phạm là Quốc Oai, Thạch Thất, Sóc Sơn...

    Chiêu "câu khách" chưa từng có tiền lệ

    Ngoài chiêu giảm giá, muốn bán được hàng, các dự án căn hộ trên địa bàn TP.HCM phải cam kết với khách hàng về tiến độ xây dựng.

    Chưa lúc nào thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM mở ra nhiều cơ hội cho người mua như hiện nay. Sản phẩm đa dạng, nhiều sự lựa chọn và giá khá hợp lý. Giới kinh doanh địa ốc đều có chung nhận định, đây là thời điểm thích hợp để mua nhà và người tiêu dùng cũng đã nhận thấy như vậy. Tuy nhiên, không như trước đây, cứ có sản phẩm là bán được, sắp tới, doanh nghiệp (DN) muốn bán được sản phẩm phải tạo dựng được thương hiệu, chứng minh được năng lực tài chính để triển khai dự án.

    Một số dự án căn hộ khác ở TP.HCM, thời gian qua, cũng đã bán hàng khá tốt nhờ chứng minh được năng lực tài chính. Dự án Căn hộ Tân Mai do Công ty Địa ốc Tân Bình làm chủ đầu tư là một ví dụ. Sau khi tung ra chính sách, khách hàng tại Dự án Tân Mai chỉ cần bỏ ra trước 300 triệu đồng là có thể nhận nhà ở ngay, số tiền còn lại được trả chậm trong thời hạn 5 năm với lãi suất 0%. Hay như Dự án Quang Thái Aparment (quận Tân Phú) cũng bán được hơn 70% sản phẩm nhờ đảm bảo tiến độ xây dựng.

    Theo ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đức Khải,nguyên nhân khiến thị trường BĐS ngưng trệ là do hàng tồn kho quá nhiều, nhưng thực tế không hẳn là như vậy. “Những dự án xây dựng xong phần móng, hoặc xây lên vài tầng rồi để đó, thì không thể gọi là hàng tồn kho. Người mua nhà hiện chỉ chọn những dự án có vị trí tốt, giá hợp lý, đặc biệt là chủ đầu tư phải có năng lực tài chính để hoàn thành dự án đúng tiến độ”, ông Lâm nhận định.

    Mới đây, Công ty TNHH Hùng Việt (Việt Nam) và KRDF03 (Hàn Quốc) thông báo sẽ chào bán Dự án The Eastern (quận 9, TP.HCM) vào đầu tháng 6/2012. Chính sách bán hàng của DN này đưa ra chưa có tiền lệ trên thị trường. Theo đó, khách hàng chỉ cần thanh toán 10% trên tổng giá trị sản phẩm, phần còn lại sẽ thanh toán sau khi chính thức nhận nhà.

    Nói về chính sách trên, ông Park Jong Woo, Phó tổng giám đốc Công ty Hùng Việt và KRDF03 cho biết, đây là một cách cam kết với khách hàng. Theo chủ đầu tư Dự án The Eastern, ngay sau khi đưa ra chính sách này, nhiều khách hàng quan tâm đã đặt mua.

    Chủ đầu tư tháo chạy khỏi thị trường Đà Nẵng

    Vào mọi năm, khi màn trình diễn của Festival pháo hoa đã khép lại, các quán cà phê sang trọng ven bờ sông Hàn đông nghẹt những người khách phía Bắc “ngồi đồng”, ngắm những cao ốc ngả bóng trên mặt sông êm đềm. Họ thường ngồi ở đây để ra quyết định đối với việc đầu tư lướt sóng đất ở thị trường đang lên này.

    Nhưng năm nay, mùa pháo hoa đã hết cả tháng, các quán cà phê này vẫn đông, nhưng nhìn chung tâm trạng các khách hàng có vẻ trầm tư, sốt ruột, bởi họ vào Đà Nẵng là để giao cho các sàn bất động sản (BĐS) quyết định bán đất để cắt lỗ.

    Một khách hàng từ Hà Nội cho biết, khi biết dự án chậm tiến độ, chị phải có quyết định “đau đớn” mất hàng tỷ đồng tiền đặt cọc đợt đầu của 12 căn hộ cao cấp, không đeo đuổi dự án này nữa. Làn sóng chạy khỏi BĐS Đà Nẵng còn mạnh hơn là số lượng các dự án mới.

    Cách đây một năm, thông tin chính thức đã đưa ra 12 ngàn lô đất nền còn trôi nổi trên thị trường, thì nay con số này dự đoán tăng lên gấp 4 lần do giới “lướt sóng” bung hàng mong chạy thoát khỏi cuộc khủng hoảng vì thị trường chạm đáy.

    Hàng loạt đất nền ở khu đô thị Tây Bắc, vị trí không cận biển, đã tự hạ giá 40-50% so với mức cách đây 1 năm vẫn còn hàng ngàn lô rao cả năm và nằm lì tại các sàn giao dịch BĐS chưa có người mua.

    Một số “cò đất” chân trong chân ngoài các sàn cho biết, số chủ đất ở các tỉnh phía Bắc đang gửi bán đất nền rất nhiều, và lý do “bán đất trả nợ ngân hàng” đang được đưa ra làm hình ảnh mới để “nhử mồi” khách hàng đến sau.

    Đà Nẵng vẫn bị coi là nơi khó kiếm việc làm tốt, lương thấp nên không thu hút được nhân sự cao cấp đến sống lâu dài. Các nhà đầu tư thứ cấp cũng nhận ra “con sóng” này đòi hỏi quá trình “lướt” từ 7-8 năm mới có lãi khi bộ mặt đô thị ở đây tạm hình thành.

    Ông Adam Bury, Giám đốc Công ty CBRE, đã đưa ra ý kiến: “Mặc dù đã có một số dấu hiệu khả quan nhưng vẫn cần phải thận trọng trong việc tiếp cận thị trường năm 2012. Lòng tin của người mua luôn luôn thấp nhưng chúng tôi đã thấy một số tín hiệu chứng minh rằng điều này đang bắt đầu thay đổi. Tuy nhiên, với việc lạm phát vẫn còn đứng ở mức hai con số và tăng trưởng chậm thì chúng tôi khuyến cáo nếu lòng tin người mua có quay trở lại thì sự phục hồi vẫn sẽ diễn ra chậm”.
    Theo VTC News
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê