• BĐS tuần qua: Đất vàng bị bỏ hoang, bùng nổ nhà giá rẻ

    Bùng nổ các căn hộ giá rẻ, nhiều khu đất vàng đang bị bỏ hoang hay bất động sản TP HCM được cứu… là những thông tin nhà đất đáng chú ý tuần qua.
    Nhiều khu đất vàng bỏ hoang

    Phong trào các đại gia ngân hàng thâu tóm đất vàng đang lên cao. Tuy nhiên, nhiều đại gia sau khi thâu tóm xong không biết làm gì ngoài việc quây tôn lại rồi… bỏ hoang.

    Lý giải cho việc gần đây người ta hay nói đến trào lưu thu gom đất vàng của các ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh thắt chặt tín dụng cho vay đối với nghiệp bất động sản, nhiều doanh nghiệp trong tình trạng nợ nần chồng chất đã buộc phải gán cả những mảnh đất dự án đang sở hữu để trả nợ ngân hàng.

    Tại thị trường Hà Nội, việc gom các dự án đất vàng đang diễn ra âm thầm và kín đáo.

    Tập đoàn B hiện đang nắm giữ rất nhiều mảnh đất vàng tại Hà Nội, nhưng phần lớn số đó đang nằm trong tình trạng bỏ hoang. Tiêu biểu là mảnh đất tại 16 Láng Hạ nằm ở vị trí đắc địa cạnh hồ Thành Công. Mảnh đất rộng hơn 8000m2 hiện vẫn đang quây tôn chưa triển khai. Hay lô đất 4.1 tại ngã tư Lê Văn Lương cắt Hoàng Đạo Thúy cũng hơn 8000 m2, lô đất 269 Kim Mã rộng 3644m2 tại ngã tư Kim Mã - Núi Trúc.

    Hay như, dự án StarCity Center tọa lạc ngã tư Trần Duy Hưng, Khuất Duy Tiến thuộc sở hữu của tập đoàn Ocean Group. StarCity Center là dự án trọng điểm của khu vực với tổng diện tích là 5ha và 400.000m2 sàn xây dựng. Starcity Center sẽ là tổ hợp khu văn phòng, căn hộ cao cấp và trung tâm thương mại khép kín. Dự án có tổng mức đầu tư 12 ngàn tỷ đồng. Theo dự kiến của Tập đoàn này thì thời gian khởi công dự án vào cuối năm 2011, tuy nhiên cho đến thời điểm này dự án vẫn đang nằm bất động.

    Tháng 6, bùng nổ căn hộ giá rẻ

    Theo một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, thực ra kinh doanh bất động sản không phải là nghề của ngân hàng. Họ chỉ mạnh về vốn, sau khi thâu tóm đất vàng họ cũng chưa có kế hoạch gì cụ thể. Vì nếu để lập kế hoạch cho một dự án bất động sản sẽ tốn rất nhiều thời gian, nguồn lực và phải thành lập một công ty phát triển bất động sản chuyên nghiệp.

    Ở thời điểm hiện nay, bài toán đầu ra sản phẩm không rõ, nên bản thân ngân hàng cũng không dám mạo hiểm đầu tư xây dựng trên đất vàng đó. Vì vậy họ vẫn tiếp tục chọn phương án bỏ hoang các mảnh đất nếu thuận lợi sẽ chuyển nhượng tiếp để kiếm lời.

    Giá nhà nghỉ mùa thi tăng vọt

    Hầu hết nhà nghỉ có “vị trí đẹp” liền kề các trường đại học đã được đặt kín chỗ, giá thuê tăng lên gấp 3, 4 lần ngày thường.

    Nhà nghỉ Mạnh Huyền 2, ngõ 30 phố Tạ Quang Bửu có tất cả 6 phòng thì chỉ còn một phòng duy nhất ở tầng 2 chưa có người tới đặt cọc tiền nhưng đã gọi điện sẽ tới. Theo quan sát, phòng nghỉ tại đây khá bình dân, đơn giản. Căn phòng còn lại ở tầng 2 chỉ rộng khoảng 10 m2, đủ kê một chiếc giường đôi, một tủ nhỏ đựng quần áo nhưng có giá thuê phòng lên tới 1,2 triệu/ngày, nếu sĩ tử cùng phụ huynh tới ở từ chiều mùng 3/7 đến trưa 5/7 trả phòng sẽ có giá 2,4 triệu đồng.

    Cũng tại khu vực quanh ĐH Bách Khoa, Hà Nội, nhà nghỉ Bách khoa ở số 22, ngõ 132 phố Lê Thanh Nghị chỉ còn duy nhất một phòng trống ở tầng 1, gầm cầu thang lên xuống. Căn phòng nhìn từ phía ngoài có vẻ cũ kỹ nhưng cũng có giá 1,1 triệu đồng/ngày. Bà chủ tại đây cũng khẳng định mức giá “cắt cổ” này không thể bớt. Trong khi đó, một người dân sống cùng ngõ cho biết, ngày thường, giá phòng chỉ hơn 200.000 đồng.

    Tại khu vực Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, gần trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội Nhân văn, giá nhà nghỉ bình dân cũng cao ngang ngửa với giá phòng của một khách sạn năm sao.

    Nhà nghỉ Hoa Mai, ngay mặt đường Nguyễn Trãi, gần như đối diện với trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn “hét” giá 1,8 triệu đồng/ngày. Giá cao ngất ngưởng nhưng nhà nghỉ có 8 phòng hiện cũng chỉ còn 2 phòng trống.

    Một số nhà nghỉ khác vị trí xa “trung tâm” hơn một chút, giá phòng có mềm hơn nhưng vẫn ở mức cao như nhà nghỉ Bình Anh trên đường Láng (cách trường ĐH Ngoại thương khoảng 1 km) có giá 800.000 đồng/ngày.

    Mặc dù giá thuê nhà nghỉ đều rất cao nhưng nhiều phụ huynh dù không phải gia đình đại gia vẫn sẵn sàng rút hầu bao cho con em mình được ăn, ở thoải mái trong kỳ thi đại học.

    Nhà giá rẻ “bùng nổ” trong tháng 6

    Có thể thấy trong quý 2, thị trường bất động sản đã có những tín hiệu khởi sắc ở phân khúc trung bình. Hiện nhiều dự án khác cũng đang tiếp tục được mở bán.

    Tổng hợp thị trường bất động sản trong tuần vừa qua và trong quý 2 này cho thấy, đất liền kề , biệt thự vẫn tiếp tục giảm giá từ 10-30%. Trong khi đó, hàng loạt chung cư giá trung bình, dưới 15 triệu đồng/m2, diện tích nhỏ lại rất đắt khách.

    Ở tuần cuối cùng của tháng 6, nhiều dự án mới được chào bán trên thị trường với giá hấp dẫn và bán ra khá đắt khách, trong đó phải kể đến các chung cư diện tích nhỏ từ 42-66 m2 tại Khu đô thị mới Đại Thanh, với giá bán từ 14 - 14,3 triệu đồng/m2; Dự án Tân Việt Tower cũng có giá tương đương 14-15 triệu đồng/m2, Dự án An Bình Tower có giá khoảng 14,2 triệu đồng/m2, dự án The Sun Garden chào bán ở mức 14-16 triệu đồng/m2.

    Hiện, nhiều dự án chung cư vẫn đang tiếp tục được mở bán. Chung cư BMM-Xa La do Công ty Sản xuất Thương mại BMM làm chủ đầu tư hiện đang chào bán với giá từ 16,5 triệu đồng/m2. Dự án hiện đang xây đến tầng 29 và dự kiến toàn bộ công trình sẽ hoàn thành vào tháng 12/2012.

    Hay dự án Căn hộ Lê Thành Twin Towers đang được chào bán với giá 11,9 triệu đồng/m2 ( chưa tính VAT), tại giao lộ đường Mã Lò và Hương Lộ 2 thuộc quận Bình Tân, Tp.HCM .

    Bất động sản TP.HCM được cứu

    UBND TP HCM vừa giao Sở Xây dựng thành lập các đoàn kiểm tra rà soát tình hình thực hiện các dự án bất động sản tại từng quận, huyện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.

    Theo đó, Sở Xây dựng cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để đề xuất các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp; trong đó xác định trách nhiệm của chủ đầu tư và các cơ quan nhà nước nhằm giải quyết tình hình khó khăn chung hiện nay; báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố trước 31/7/2012.

    Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (Horea) cho biết, khó khăn chủ yếu của các doanh nghiệp đầu tư phát triển bất động sản hiện nay là thiếu vốn đầu tư và phải trả lãi vay rất cao (tại thời điểm hiện nay vẫn phải trả lãi vay khoảng trên dưới 18%/năm) và không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng lãi suất giảm.

    Thị trường bất động sản sụt giảm mạnh nhất là sức mua và khả năng thanh toán của khách hàng. Hàng hóa bất động sản tồn kho rất lớn không bán được hoặc không cho thuê được dẫn đến nguy cơ mất thanh khoản của doanh nghiệp và thị trường bất động sản gây tác động xấu đến hệ thống ngân hàng.

    Theo nhiều doanh nghiệp bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khó khăn, kéo dài mặc dù doanh nghiệp phải thỏa thuận mua theo giá thị trường. Có dự án đã giải phóng mặt bằng trên 80% nhưng vẫn không thỏa thuận được để giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại và doanh nghiệp lâm vào nguy cơ tiến thoái lưỡng nan.

    Tiền sử dụng đất phải nộp theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ đang là một ẩn số và là gánh nặng cho doanh nghiệp vì gần như phải mua lại hai lần theo giá thị trường để có quỹ đất đầu tư. Đây cũng là một nguyên nhân làm cho mặt bằng giá bất động sản ở nước ta cao hơn các nước trong khu vực.

    Trước tình hình trên, Horea đã kiến nghị các giải pháp nhằm đưa thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, Horea kiến nghị Kiến nghị chính phủ điều chỉnh sửa đổi Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 theo hướng gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của quý 2 và mở rộng cả quý 3 và quý 4 năm 2012 đối với các doanh nghiệp đã được đề cập tại điểm 1 Nghị quyết 13 NQ-CP và áp dụng luôn cho tất cả các doanh nghiệp bất động sản chứ không chỉ hạn chế trong doanh nghiệp nhỏ và vừa.

    Theo VTC News
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê