Sau 2 năm thị trường bất động sản (BĐS) suy thoái, hàng loạt các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh về lĩnh vực này ở trong tình trạng hoạt động cầm chừng hoặc “án binh bất động”, có công ty lừa đảo chiếm đoạt hay chiếm dụng vốn của khách hàng...
Những thông tin gây “sốc”
Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, hàng trăm khách hàng cho rằng mình đã bị thiệt hại nặng nề khi tham gia góp vốn mua căn hộ tại dự án chung cư 30 tầng ở 34 Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội). Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư và sản xuất dịch vụ thương mại quốc tế Quân Thư (Công ty Quân Thư) ký với khách hàng, mỗi người phải nộp 1,4 tỷ đồng với danh nghĩa hợp đồng góp vốn công ty vay để xây dựng tòa nhà chung cư 30 tầng tại tổ 34 thị trấn Cầu Diễn. Tiến độ nộp tiền chia làm nhiều đợt, trong đó đợt 1 khách hàng nộp 10% tương đương 140 triệu đồng, các đợt còn lại đóng theo cam kết. Đổi lại, khách hàng cho vay vốn sẽ được hưởng quyền ưu tiên mua căn hộ thuộc dự án. Giá mua bán tương ứng với tổng khoản vay dự kiến và lãi suất được hưởng bằng 0 hoặc hưởng lãi suất theo quy định hợp đồng 8% nếu khách hàng không thực hiện quyền ưu tiên mua dự án.
Trong hợp đồng, Công ty Quân Thư cam kết khách hàng sẽ được mua căn hộ diện tích 80m2 với giá 17,5 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT). Thời điểm dự kiến khởi công dự án quý II-2011 và hoàn thành quý II-2012. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, những dự án “trong mơ” chỉ là miếng đất xen kẹt nằm trong khu dân cư mới chỉ san lấp mặt bằng. Nhiều khách hàng đi tìm ông Nguyễn Hữu Quân, Giám đốc Công ty Quân Thư, nhưng ông Quân đã “lặn” mất tăm.
Những dự án “đắp chiếu” vô thời hạn
Cũng vì BĐS có thời siêu lợi nhuận, bởi thế Công ty Hanic (mã chứng khoán SHN) có nguy cơ mất số tiền lên tới nhiều tỷ đồng. Chuyện là, do tin tưởng vào đối tác hợp tác đầu tư là Công ty CP BETA nên Hanic đã chuyển cho công ty này khoản tiền hơn 300 tỷ đồng trong một thương vụ làm ăn liên quan đến dự án BĐS Thanh Hà Cienco 5 (Hà Đông, Hà Nội). Hiện nay, Giám đốc Công ty CP BETA là Nguyễn Anh Quân đã bỏ trốn sang nước ngoài. Công ty Hanic lâm vào tình trạng hết sức khó khăn, mất tính thanh khoản trầm trọng, khó khăn trong việc trả tiền vay ngân hàng, tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội cho CBNV và phải nợ tiền thuế của Nhà nước. Có thể nói, công ty đang đứng trước nguy cơ bị phá sản.
Ngoài 2 vụ việc kể trên, theo khảo sát của phóng viên, hàng loạt dự án nhà ở, chung cư, văn phòng... chậm tiến độ đã làm khách hàng thiệt hại nặng nề. Đơn cử như Dự án khu nhà ở cao cấp Skylight số 125D Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội do Tổng Công ty Cơ khí xây dựng Coma làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ tháng 6-2009, dự kiến hoàn thành tháng 6-2011 trên diện tích rộng 15.534m2 với 2 tòa nhà chung cư cao cấp 22 tầng và 14 nhà liền kề có vườn, cao 3 tầng. Tuy nhiên cho đến nay, dự án mới đang thi công 2 tòa nhà đến tầng 13, còn phần xây dựng nhà liền kề thì vẫn là khu đất trống, chưa được triển khai.
Dự án nhà ở cao tầng và văn phòng làm việc tại số 187 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội do Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 9-2009 và dự kiến hoàn thành quý II-2012, nhưng gần hết quý I, công trình này mới chỉ xây dựng xong phần thô của tòa nhà 17-18.
Dự án xây dựng Trung tâm thương mại chợ Mơ đã khởi công tháng 12-2008 trên diện tích đất là 11.154m2, tại số 459C Bạch Mai, Hai Bà Trưng do Công ty Cổ phần Phát triển thương mại Vinaconex làm chủ đầu tư. Dự án dự kiến xây dựng 3 khối nhà cao từ 5-25 tầng, hoàn thành vào quý II-2012 nhưng đến nay công trình mới chỉ xây dựng đến tầng 17.
Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ Hapro, 11B Cát Linh, Đống Đa, do Tổng công ty Thương mại Hà Nội làm chủ đầu tư đã khởi công tháng 1-2010, dự kiến hoàn thành cuối năm 2011 nhưng đến nay, công trình mới hoàn thiện xong phần thô và đang tiếp tục thi công.
9 tòa nhà dự án chung cư cao cấp Usilk city (Văn Khê, Hà Đông) bị chậm tiến độ so với cam kết ban đầu. Nhiều khách hàng đã nộp 100% tiền mua nhà để được nhận khuyến mãi một phần diện tích sàn trung tâm thương mại, tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn 9 tháng mà phần lớn toà nhà vẫn đang trong tình trạng “bất động”.
Bên cạnh đó, còn nhiều công trình, dự án khác cũng đang thi công một cách cầm chừng như: Dự án Tricon Tower (Hoài Đức), dự án SMS Hoàng Gia (Hà Đông), dự án Trung Yên Plaza (UDIC), chung cư G3AB Yên Hòa (Cầu Giấy), chung cư L3,L4,L5 (Ciputra)…
“Chọn mặt gửi vàng”
Theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế, tại thời điểm hậu BĐS “đóng băng”, những doanh nghiệp “yếu”, làm ăn chụp giựt, có trường hợp lừa đảo sẽ bị bộc lộ. Lời khuyên của các chuyên gia là khách hàng nên “chọn mặt gửi vàng”, mua hàng của những chủ đầu tư có uy tín và tiềm lực kinh tế mạnh. Đơn cử như Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu (chủ đầu tư đô thị dự án Xa La, Hà Đông, Hà Nội). Tại một dự án đô thị ở Hà Đông, Hà Nội, chủ đầu tư này đã bán 100% số căn hộ khách hàng từ cuối năm 2010, đầu năm 2011, nhưng trước diễn biến bất lợi của thị trường đối với khách hàng, vừa qua chủ đầu tư đã giảm từ 4-5 triệu đồng/m2 sàn chung cư cho khách hàng, trong khi đó chất lượng và tiến độ công trình vẫn đảm bảo như cam kết trong hợp đồng.
Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, hàng trăm khách hàng cho rằng mình đã bị thiệt hại nặng nề khi tham gia góp vốn mua căn hộ tại dự án chung cư 30 tầng ở 34 Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội). Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư và sản xuất dịch vụ thương mại quốc tế Quân Thư (Công ty Quân Thư) ký với khách hàng, mỗi người phải nộp 1,4 tỷ đồng với danh nghĩa hợp đồng góp vốn công ty vay để xây dựng tòa nhà chung cư 30 tầng tại tổ 34 thị trấn Cầu Diễn. Tiến độ nộp tiền chia làm nhiều đợt, trong đó đợt 1 khách hàng nộp 10% tương đương 140 triệu đồng, các đợt còn lại đóng theo cam kết. Đổi lại, khách hàng cho vay vốn sẽ được hưởng quyền ưu tiên mua căn hộ thuộc dự án. Giá mua bán tương ứng với tổng khoản vay dự kiến và lãi suất được hưởng bằng 0 hoặc hưởng lãi suất theo quy định hợp đồng 8% nếu khách hàng không thực hiện quyền ưu tiên mua dự án.
Trong hợp đồng, Công ty Quân Thư cam kết khách hàng sẽ được mua căn hộ diện tích 80m2 với giá 17,5 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT). Thời điểm dự kiến khởi công dự án quý II-2011 và hoàn thành quý II-2012. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, những dự án “trong mơ” chỉ là miếng đất xen kẹt nằm trong khu dân cư mới chỉ san lấp mặt bằng. Nhiều khách hàng đi tìm ông Nguyễn Hữu Quân, Giám đốc Công ty Quân Thư, nhưng ông Quân đã “lặn” mất tăm.
Những dự án “đắp chiếu” vô thời hạn
Cũng vì BĐS có thời siêu lợi nhuận, bởi thế Công ty Hanic (mã chứng khoán SHN) có nguy cơ mất số tiền lên tới nhiều tỷ đồng. Chuyện là, do tin tưởng vào đối tác hợp tác đầu tư là Công ty CP BETA nên Hanic đã chuyển cho công ty này khoản tiền hơn 300 tỷ đồng trong một thương vụ làm ăn liên quan đến dự án BĐS Thanh Hà Cienco 5 (Hà Đông, Hà Nội). Hiện nay, Giám đốc Công ty CP BETA là Nguyễn Anh Quân đã bỏ trốn sang nước ngoài. Công ty Hanic lâm vào tình trạng hết sức khó khăn, mất tính thanh khoản trầm trọng, khó khăn trong việc trả tiền vay ngân hàng, tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội cho CBNV và phải nợ tiền thuế của Nhà nước. Có thể nói, công ty đang đứng trước nguy cơ bị phá sản.
Ngoài 2 vụ việc kể trên, theo khảo sát của phóng viên, hàng loạt dự án nhà ở, chung cư, văn phòng... chậm tiến độ đã làm khách hàng thiệt hại nặng nề. Đơn cử như Dự án khu nhà ở cao cấp Skylight số 125D Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội do Tổng Công ty Cơ khí xây dựng Coma làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ tháng 6-2009, dự kiến hoàn thành tháng 6-2011 trên diện tích rộng 15.534m2 với 2 tòa nhà chung cư cao cấp 22 tầng và 14 nhà liền kề có vườn, cao 3 tầng. Tuy nhiên cho đến nay, dự án mới đang thi công 2 tòa nhà đến tầng 13, còn phần xây dựng nhà liền kề thì vẫn là khu đất trống, chưa được triển khai.
Dự án nhà ở cao tầng và văn phòng làm việc tại số 187 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội do Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 9-2009 và dự kiến hoàn thành quý II-2012, nhưng gần hết quý I, công trình này mới chỉ xây dựng xong phần thô của tòa nhà 17-18.
Dự án xây dựng Trung tâm thương mại chợ Mơ đã khởi công tháng 12-2008 trên diện tích đất là 11.154m2, tại số 459C Bạch Mai, Hai Bà Trưng do Công ty Cổ phần Phát triển thương mại Vinaconex làm chủ đầu tư. Dự án dự kiến xây dựng 3 khối nhà cao từ 5-25 tầng, hoàn thành vào quý II-2012 nhưng đến nay công trình mới chỉ xây dựng đến tầng 17.
Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ Hapro, 11B Cát Linh, Đống Đa, do Tổng công ty Thương mại Hà Nội làm chủ đầu tư đã khởi công tháng 1-2010, dự kiến hoàn thành cuối năm 2011 nhưng đến nay, công trình mới hoàn thiện xong phần thô và đang tiếp tục thi công.
9 tòa nhà dự án chung cư cao cấp Usilk city (Văn Khê, Hà Đông) bị chậm tiến độ so với cam kết ban đầu. Nhiều khách hàng đã nộp 100% tiền mua nhà để được nhận khuyến mãi một phần diện tích sàn trung tâm thương mại, tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn 9 tháng mà phần lớn toà nhà vẫn đang trong tình trạng “bất động”.
Bên cạnh đó, còn nhiều công trình, dự án khác cũng đang thi công một cách cầm chừng như: Dự án Tricon Tower (Hoài Đức), dự án SMS Hoàng Gia (Hà Đông), dự án Trung Yên Plaza (UDIC), chung cư G3AB Yên Hòa (Cầu Giấy), chung cư L3,L4,L5 (Ciputra)…
“Chọn mặt gửi vàng”
Theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế, tại thời điểm hậu BĐS “đóng băng”, những doanh nghiệp “yếu”, làm ăn chụp giựt, có trường hợp lừa đảo sẽ bị bộc lộ. Lời khuyên của các chuyên gia là khách hàng nên “chọn mặt gửi vàng”, mua hàng của những chủ đầu tư có uy tín và tiềm lực kinh tế mạnh. Đơn cử như Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu (chủ đầu tư đô thị dự án Xa La, Hà Đông, Hà Nội). Tại một dự án đô thị ở Hà Đông, Hà Nội, chủ đầu tư này đã bán 100% số căn hộ khách hàng từ cuối năm 2010, đầu năm 2011, nhưng trước diễn biến bất lợi của thị trường đối với khách hàng, vừa qua chủ đầu tư đã giảm từ 4-5 triệu đồng/m2 sàn chung cư cho khách hàng, trong khi đó chất lượng và tiến độ công trình vẫn đảm bảo như cam kết trong hợp đồng.
Theo Công lý