• Tận thu phí trước bạ nhà đất

    Cục Thuế TP.HCM vừa đề xuất thu lệ phí trước bạ (LPTB) nhà đất theo giá thị trường khiến người dân gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với mức phí tăng cao.
    Lệ phí có thể tăng gấp đôi

    Theo Cục Thuế TP.HCM, hiện nay LPTB (thuế trước bạ) nhà đất thu dựa trên bảng giá đất do TP quy định hằng năm (với mức 0,5%), cách tính này đã gây thất thu rất lớn cho ngân sách, bởi có nhiều trường hợp đấu giá đất, chuyển nhượng nhà, đất có giá cao hơn rất nhiều so bảng giá đất do UBND TP quy định.

    Chính vì vậy, Cục Thuế đề xuất, đối với trường hợp nhà nước giao đất thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc đất được các cơ quan chức năng thẩm định giá, thì tính LPTB theo giá trúng đấu giá hoặc giá thị trường. Trường hợp các bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất, LPTB được tính căn cứ vào giá nhà, đất ghi trong hợp đồng mua bán, chuyển nhượng hoặc hóa đơn nhưng không thấp hơn giá do UBND TP ban hành. Đối với trường hợp người dân được cấp chủ quyền nhà, đất (kể cả đất ngoài hạn mức) thì đóng LPTB theo giá UBND TP ban hành hằng năm.

    Ông Trần Đình Cử, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết hiện đang lấy ý kiến của các sở ban ngành, trong đó vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, theo quan điểm của ngành thuế, thực tế bảng giá đất hiện nay thấp hơn so với giá giao dịch thực tế trên thị trường đến 4 - 5 lần, dẫn đến thất thu thuế, mà theo ước tính của ngành thuế là thất thu đến 2/3 so với trước đây. Do đó, nếu thu theo giá giao dịch thị trường như đề xuất của Cục Thuế TP.HCM, LPTB nhà đất tại TP.HCM có thể sẽ tăng lên hơn gấp đôi so với quy định hiện nay.

    Theo một lãnh đạo Chi cục Thuế Q.3, trước đây vẫn thu LPTB theo giá hợp đồng giữa 2 bên thỏa thuận mua bán, trường hợp giá này thấp hơn bảng giá đất của UBND TP thì nâng lên cho bằng, còn nếu hợp đồng mua bán cao hơn sẽ thu cao. Từ khi Nghị định 45 về LPTB (có hiệu lực từ tháng 9.2011) ra đời có quy định rõ LPTB thu căn cứ vào bảng giá đất, tức chỉ thu một khoản nhất định, để tạo điều kiện cho người dân hợp thức hóa nhà đất.


    Nếu tăng lệ phí trước bạ quá cao sẽ không khuyến khích người dân hợp thức hóa nhà đất.

    Trái quy định, khó quản lý

    Luật sư Trần Công Ly Tao - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, không đồng tình với đề xuất của Cục Thuế TP.HCM. Bởi, nếu đòi thu LPTB nhà đất theo giá thị trường là trái với hàng loạt văn bản pháp luật hiện hành. Trong đó, luật Đất đai năm 2003 quy định giá đất do UBND tỉnh, thành trực thuộc T.Ư ban hành hằng năm được dùng làm căn cứ tính LPTB. Nghị định 45 của Chính phủ cũng quy định “giá tính LPTB là giá do UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư ban hành”. Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính cũng khẳng định nguyên tắc “giá tính LPTB là giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành”. Mới đây nhất, Quyết định 82 của UBND TP.HCM ban hành bảng giá đất năm 2012 cũng quy định bảng giá này áp dụng cho 7 mục đích, trong đó dùng làm căn cứ để thu LPTB.

    Theo luật sư Tao, việc quy định bảng giá đất làm căn cứ tính LPTB là hoàn toàn hợp lý, tạo sự thống nhất và đơn giản khi thực hiện. Còn giá giao dịch mua bán trên thị trường không thể được xem là căn cứ tính thuế vì không cơ quan chức năng nào đảm bảo được tính chính xác của hợp đồng mua bán. Bởi thực tế hiện nay có rất nhiều trường hợp mua bán miếng đất đến vài tỉ đồng nhưng chỉ ghi trong hợp đồng là vài trăm triệu đồng thì liệu cơ quan nào xác minh được? Nếu quy định mức lệ phí dựa trên hợp đồng giao dịch thì tình trạng người mua và người bán thỏa thuận hạ giá nhà đất trong hợp đồng xuống thấp để “lách” thuế sẽ xảy ra phổ biến. Với các giao dịch nhà đất thông qua “cò”, người dân sẽ được tư vấn làm hợp đồng mua bán với giá trị bằng hoặc chỉ cao hơn bảng giá đất một chút xíu để “né” thuế. Như vậy, ngành thuế kỳ vọng thu được nhiều thuế hơn nhưng lại có nguy cơ thất thu cao hơn. Chưa kể, tình trạng gian dối bằng cách ghi sai giá trị nhà đất trong hợp đồng giao dịch sẽ dễ phát sinh tranh chấp, khiếu kiện giữa bên mua và bên bán. “Tôi cho rằng mọi quy định về thu thuế, phí, lệ phí đều phải căn cứ trên cơ sở tôn trọng pháp luật chứ không nên chăm chăm vào mục đích tăng thu, tận thu bằng mọi giá. Việc áp dụng các chính sách thuế cũng phải được thống nhất cả nước, chứ không thể có tình trạng một địa phương “sáng tạo” ra cách thu riêng khác với các nơi khác như đề xuất của Cục Thuế TP.HCM. Cũng cần nhìn nhận rằng bản chất của LPTB chỉ là một loại chi phí người dân phải nộp để đăng ký quyền sở hữu tài sản đối với nhà nước. Do đó, vấn đề quan trọng là mức thu phải hợp lý, khoan sức dân để khuyến khích người dân đăng ký, mua bán nhà đất hợp pháp, chứ không cứ ngồi tính cách thu thật cao” - luật sư Tao nói.

    Không phù hợp

    Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM cũng cho rằng, đề xuất tăng thu của Cục Thuế TP.HCM hoàn toàn không phù hợp trong bối cảnh thị trường BĐS đang khó khăn như hiện nay. Trong khi Chính phủ đang thực hiện hàng loạt biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cho thị trường BĐS bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn nộp thuế VAT, tiền sử dụng đất… thì đòi hỏi tăng thu LPTB lúc này là một đề xuất lạc lõng.
    Thao Thanh niên
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê