• Doanh nghiệp địa ốc tự cứu mình

    Tái khởi động dự án đình trệ, cơ cấu nợ, thanh lý dự án nhỏ lẻ, xin ý kiến cổ đông mua bán sáp nhập công ty, thậm chí làm nghề tay trái... là cách doanh nghiệp địa ốc nỗ lực vượt qua năm 2012 đầy khó khăn.
    Bên cạnh việc trông đợi vào chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, nhiều doanh nghiệp bất động sản bắt đầu nỗ lực vực dậy sau một thời gian dài lui binh "tránh bão". Năm 2011 Công ty Lilama SHB chọn giải pháp án binh bất động 4 dự án hơn một năm để chờ cơn khủng hoảng qua đi. Tuy nhiên, sang quý II năm nay, khi lãi suất hạ dần, ngân hàng xem xét cơ cấu nợ, Tổng giám đốc Công ty Lilama SHB, Lê Tấn Hòa cho hay, ông sẽ tái khởi động các dự án đang xây dựng dở dang lấy lại niềm tin từ khách hàng.

    Ông Hòa chia sẻ, năm 2011 hàng loạt dự án phải giãn tiến độ rồi dừng hẳn do thiếu vốn. Trong 300 khách hàng mua bất động sản của doanh nghiệp chỉ có 4 người đóng tiền đúng tiến độ. Số còn lại đều ngưng nộp tiền khi dự án đình trệ. "Tuy nhiên, trong năm 2012 chúng tôi sẽ trở lại, tái khởi động các dự án để bàn giao nhà. Hy vọng khách hàng sẽ cùng chia sẻ và đồng hành với doanh nghiệp", ông nói.

    Một số dự án bị đình trệ tại TP HCM đang nỗ lực cải thiện tiến độ để kêu gọi khách hàng tiếp tục góp vốn.

    Trong khi đó, để vượt khó năm 2012, Công ty Vạn Phát Hưng cũng cơ cấu 80% nợ ngắn hạn (tổng số 550 tỷ đồng) thành trung và dài hạn. Doanh nghiệp này còn lên kế hoạch thanh lý đất dự án quận 2, 9 và bán đất làm văn phòng công ty tại quận 7 để tái cấu trúc dòng vốn. Không chỉ thanh lý các dự án nhỏ lẻ, trong năm nay Vạn Phát Hưng còn lên kế hoạch rút hơn 35 tỷ đồng đã đầu tư vào các công ty thành viên sử dụng nguồn vốn chưa thực sự hiệu quả.

    Với Công ty địa ốc Sài Gòn thương tín (Sacomreal), giải pháp vượt khó năm 2012 là phát hành cổ phiếu tăng 40% vốn điều lệ (hơn 570 tỷ đồng) và lên phương án mua bán sáp nhập công ty. Tại đại hội cổ đông ngày 25/4, HĐQT Sacomreal xin ý kiến cổ đông về việc này và được thông qua. Chủ tịch HĐQT Công ty Sacomreal, Đặng Hồng Anh cho biết: "Chúng tôi sẽ chủ động lựa chọn thời điểm thích hợp để tiến hành các vụ mua bán sáp nhập trong thời gian tới. Mục tiêu là tái cấu trúc lại danh mục đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh".

    Chiêu giảm giá để tăng thanh khoản là nỗ lực vượt khó thành công, điển hình là năm 2011, dự án An Tiến (huyện Nhà Bè, TP HCM) được bán tháo với tỷ lệ giảm giá 20% đã hết hàng trong vòng một tháng.

    Nhiều doanh nghiệp tự cứu mình bằng cách đầu tư dòng sản phẩm thuộc phân khúc căn hộ giá dưới trung bình hoặc điều chỉnh giá bán cạnh tranh để cải thiện tính thanh khoản.

    Cụ thể, Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thủ Đức House) nghiên cứu xây dựng căn hộ nhãn hiệu S-Home (giá rẻ) phục vụ nhu cầu nhà ở của công nhân viên chức và người lao động. Giai đoạn đầu, doanh nghiệp này dự kiến triển khai các dự án lô I, lô H phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức; dự án Phúc Thịnh Đức, phường Phước Long B, quận 9. Trong khi đó, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai công bố sắp chào bán dự án căn hộ tại quận 7 (TP HCM) vào tháng 6 với giá bằng 50% sản phẩm cùng vị trí.

    Thậm chí, để vượt bão, không ít doanh nghiệp địa ốc đã phải làm nghề tay trái lấy ngắn nuôi dài. Giám đốc Công ty địa ốc Bình Dân, Lê Ngọc Tú chia sẻ: "Tôi phải quay sang mở quán ăn để có tiền nuôi quân trong giai đoạn khủng hoảng".

    Nặng nề hơn, có doanh nghiệp bất động sản còn xua "quân" chuyển nghề tìm cơ hội mới. Lãnh đạo một công ty địa ốc tại quận 3 cho biết, từ cuối năm ngoái đầu năm 2012, doanh nghiệp đã 'lật bài ngửa" với nhân viên về tình hình kinh doanh khó khăn. Theo đó, những ai có khả năng tìm công việc mới được khuyến khích ra đi. "Tự cứu mình là thông điệp chúng tôi truyền cho nhau và ai cũng thông cảm. Hiện đơn vị chỉ còn khoảng 10 nhân viên phụ trách xuất nhập khẩu, tư vấn đầu tư. Nếu không thể tháo chạy thì hãy ẩn mình chờ giông bão đi qua", ông nói.

    Theo VnExpress
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê