• Chính sách với NTNT: Bổ sung đối tượng để chống ế?

    Một số dự án nhà cho người thu nhập thấp có tình trạng người đã được xét duyệt quyền mua không đến ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư do dự án ở xa trung tâm, giá bán chưa hợp lý, hoặc người mua không thu xếp được tài chính.
    Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có quyết định bổ sung, sửa đổi một số điều của quy định bán, cho thuê, thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, trong đó việc mở thêm đối tượng được mua có thể coi là giải pháp chống ế nhà thu nhập thấp.

    Khu nhà cho người thu nhập thấp ở phường Sài Đồng, quận Long Biên.

    Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 6 dự án nhà thu nhập thấp mở bán, trong đó dự án CT1 Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) do Công ty CP Bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư đã đưa vào sử dụng. Các dự án còn lại đều đang trong giai đoạn xây dựng và đã đủ điều kiện ký hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ xin mua, mới có dự án nhà cho người thu nhập thấp tại khu tái định cư Kiến Hưng (Hà Đông) đã ký hợp đồng mua bán hết 864 căn hộ cho khách hàng. Dự án tại lô đất NO11A và 12-2 khu đô thị Sài Đồng (Long Biên) đã ký hợp đồng mua bán cho hơn 300 khách hàng trên tổng số 420 căn hộ. Dự án nhà thu nhập thấp tại lô đất NO10A và NO12-3 khu đô thị Sài Đồng (Long Biên) ký hợp đồng với 280 khách hàng, còn lại 140 căn hộ chưa ký hợp đồng. Riêng dự án nhà thu nhập thấp tại lô đất NO5B và NO10B khu đô thị mới Đặng Xá (Gia Lâm) do Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư đã gia hạn tiếp nhận đơn mua nhà 7-8 đợt, chủ đầu tư tiếp nhận hơn 1.000 hồ sơ xin mua hợp lệ nhưng chỉ ký hợp đồng mua bán 650 căn hộ trên tổng số 946 căn hộ. Nguyên do, dự án bị chê nằm xa trung tâm, trong khi người tại địa phương có dự án lại không đủ tiêu chuẩn mua vì không phải là người thu nhập thấp khu vực đô thị.

    Tuy nhiên, vướng mắc này có thể được tháo gỡ khi UBND thành phố quyết định sửa đổi quy định bán, cho thuê, thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở thu nhập thấp tại khu vực đô thị theo hướng mở rộng đối tượng được mua. Cụ thể, ngoài người có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại các quận có thêm đối tượng là người hưởng lương ngân sách có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại các huyện. Trường hợp thuộc lực lượng vũ trang, nếu chưa có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú chỉ cần có xác nhận của đơn vị công tác về chức vụ, thời gian công tác, thực trạng nhà ở. Như vậy không chỉ bó hẹp trong phạm vi nội thành, quy định mới tạo điều kiện tiếp cận nhà thu nhập thấp cho cán bộ, công nhân, viên chức làm việc ở khu vực ngoại thành, là nơi nhiều dự án nhà thu nhập thấp đang được triển khai hoặc sẽ triển khai trong tương lai gần. Điều này cũng xóa bất hợp lý là người địa phương chịu mất đất cho dự án, là nơi có dự án nhưng không được thụ hưởng dự án.

    Ngoài việc mở đối tượng mua nhà, quy định mới còn ràng buộc trách nhiệm của người mua và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách hỗ trợ nhà cho người thu nhập thấp để trục lợi. Cụ thể, quy định yêu cầu người mua nhà phải có cam kết và gửi kèm ảnh thành viên trong gia đình để quản lý đúng đối tượng thụ hưởng dự án, tránh việc lợi dụng mua bán, cho thuê dưới danh nghĩa người nhà. Đồng thời, sau 3 tháng nếu người mua nhà thu nhập thấp không đến ở thì coi như không có nhu cầu sử dụng và chủ đầu tư sẽ chấm dứt hợp đồng, thu hồi căn hộ. Chính quyền phường, xã nơi có dự án chịu trách nhiệm cưỡng chế thu hồi trong trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, địa phương mở sổ theo dõi xác nhận đăng ký mua nhà thu nhập thấp và mỗi hộ chỉ được làm một hồ sơ xin mua. Công an thành phố có trách nhiệm kiểm tra, nắm bắt thay đổi nhân khẩu, hộ khẩu, phát hiện việc mua bán nhà sai quy định. Trước đây đã từng có trường hợp mua bán nhà thu nhập thấp sai quy định nhằm trục lợi cá nhân bị phát hiện. Chủ đầu tư, cơ quan chức năng đã điều tra, nhưng quá trình thu hồi căn hộ gặp không ít lúng túng do chủ trương chính sách mới, chưa lường hết mọi khía cạnh.

    Theo Hà Nội Mới
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê