• Doanh nghiệp bất động sản kìm giá chờ cứu trợ?

    Trong phiên điều trần của Bộ Xây dựng sáng 24.1 trước Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH Bùi Văn Phương cảnh báo tình trạng “Doanh nghiệp BĐS đang ỷ lại vào chính sách nhà nước, đang nằm chờ giải cứu”. Theo ông, việc giải cứu BĐS, vì vậy “sẽ không công bằng, sẽ chỉ giải quyết lợi ích nhóm”.
    Khu đô thị Dương Nội.

    Cấp cứu không biết bệnh

    Hàng loạt các con số về tồn kho BĐS đã được nêu ra, trong đó tổng dư nợ BĐS lên tới 207.595 tỉ đồng với nợ xấu chiếm 6,5%... Có tới 2 ý kiến gặng hỏi, và câu trả lời cuối cùng là những con số này, “chưa phản ánh hết thực tế”- Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận.

    TS Trần Xuân Hòa, Uỷ viên Uỷ ban KT dẫn hai số liệu. Một của Thống đốc, khẳng định “nợ xấu BĐS toàn ngành chiếm 8,6%”. Một của Chủ tịch QH nói “nợ xấu khoảng 2 triệu tỉ đồng, trong đó, nợ xấu BĐS vào khoảng 1 triệu tỉ”. Cùng là 2 con số chính thức nhưng đã khác xa nhau. “Thực trạng còn là điều bí ẩn, chúng ta chữa bệnh mà không biết bệnh nhân có bệnh gì”. Ông Hòa khẳng định “có một phần không nhỏ vốn nước ngoài, vốn tự có của cá nhân (đổ vào BĐS). Chúng ta có nên cứu không? hay nên coi đó là một sự phân phối lại của cải XH”.

    Hơn 100 trang tài liệu đã được phát ra và Bộ trưởng Bộ Xây dựng được dành hơn một nửa thời gian để thuyết trình về kế hoạch giải cứu. Tuy nhiên, chính Bộ Xây dựng cũng chưa đánh giá hết được thứ mà nguyên Thống đốc Cao Sĩ Kiêm gọi là “cục máu đông” tồn kho. Không ngẫu nhiên, một “hiện tượng lạ” đã được phản ánh trong phiên điều trần. Đó là việc dù cung vượt cầu rất nhiều, dù lượng tồn kho đủ đáp ứng đến năm 2050, nhưng giá BĐS vẫn không giảm theo quy luật.

    ĐBQH Trần Xuân Hòa thẳng thắn: Có thế lực đang kìm giữ giá để trông chờ sự cứu trợ của NN. Còn ĐBQH Lê Nam cũng cho rằng: Nếu chúng ta không phân định được tham nhũng và giá trị ảo, nếu không thể và không đủ sức giải cứu thì hãy để thị trường tự điều tiết. Theo ông, điều đó mới “có lợi cho dân”.

    Vì dân hay vì nhóm lợi ích?

    ĐBQH Trần Du Lịch đề cập tới một điểm cốt tử: Thị trường BĐS giống y như một chiếc máy bay với toàn “ghế thương gia”, trong khi “ghế phổ thông” thì không có. Ông cảnh báo “coi chừng càng can thiệp càng rối”, khi điều quan trọng nhất là vấn đề cơ chế luật pháp không được gỡ. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu ra tới 3 dự án luật mà việc hướng dẫn và thực thi là “quá chậm”. Bà nêu đích danh “Luật Quy hoạch đô thị đã được ban hành từ năm 2009, nhưng sau ba năm rưỡi, tới 14.1 vừa rồi mới có hướng dẫn. Nếu được ban hành kịp thời chưa chắc đã gặp khó khăn và hậu quả không nặng nề như hiện nay. Chậm hướng dẫn là một nguyên nhân rất rõ ràng”.

    Theo nguyên Thống đốc Cao Sĩ Kiêm kế hoạch giải cứu của Bộ Xây dựng “mới giải quyết cái tồn kho, chỉ được một thời gian thôi. Cái hướng để thoát chưa có giải pháp”. Tiếp lời ông Kiêm, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói với Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: “Anh Dũng nói nghị định về nhà ở XH sắp ban hành. Nhưng chủ trương đã có cách đây 5 năm. Thị trường vì thế không đi theo định hướng và giờ chúng ta phải phân khúc, phải chuyển đổi công năng”.

    Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp của QH Đỗ Văn Đương nhìn nhận nhóm giải pháp của Bộ Xây dựng là “mang tính chất đông y”, trong khi “cơ thể nền kinh tế đang như thế này”. Ông nói trong toàn bộ giải pháp, chỉ “hé ra một giải pháp tây y” là chia nhỏ căn hộ và hướng tới nhà ở xã hội. Tuy nhiên, “biện pháp tây y này chưa gắn với cục máu đông là chung cư chất chồng như núi ở thành phố”. Ông Đương băn khoăn liệu việc giải cứu BĐS có phải là “cứu cánh cho DN, cứu cánh cho nhà đầu cơ” khi suốt trong những năm bong bóng BĐS, khi “lãi khủng”, họ có biết đến lợi ích của người dân?

    ĐB Ngô Văn Minh nhắc lại câu chuyện 2007-2008, khi “mọi người đổ xô vào BĐS” và giờ đóng băng lại cần giải cứu, để hỏi Bộ trưởng Dũng: Ai làm thị trường đóng băng, thua lỗ và giờ chúng ta phải giải cứu? Bộ trưởng Dũng vừa nói tới đây người dân sẽ mua được nhà ở xã hội, vậy xin hỏi Bộ Xây dựng có công khai được giá thành không? Có cơ chế để chủ đầu tư công khai không? trong khi hàng loạt chi phí (không chính thức) để chạy dự án, đền bù đất đai? Huống chi, ngay cả được vay với lãi suất ưu đãi, theo tính toán của ông Ngô Văn Minh “Người thu nhập thấp, với lãi suất 10%, nếu muốn mua một căn hộ 1 tỉ đồng, họ phải trả 100 triệu đồng lãi vay mỗi năm. Họ lấy đâu ra tiền để trả?”.

    ĐBQH Bùi Văn Phương cảnh báo trước tình trạng “doanh nghiệp BĐS đang ỷ lại vào chính sách nhà nước, đang nằm chờ giải cứu”. Theo ông, việc giải cứu, vì vậy “sẽ không công bằng, sẽ chỉ giải quyết lợi ích nhóm”. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng sau đó giải thích: “Chính sách này vì nền kinh tế chứ không phải vì lợi ích nhóm”. Theo ông: “Chúng ta đang giải quyết một trong những điểm nghẽn là tồn kho BĐS. Bảo vệ lợi ích DN tức là bảo vệ lợi ích người dân vì họ làm ra của cải xã hội, họ tạo việc làm, họ đóng thuế, và qua đó ngân hàng cũng được lợi, người dân và xã hội cũng được lợi”.

    Chốt phiên điều trần, PCT QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Xây dựng “cần đánh giá đúng thực trạng và quan hệ cung cầu, chú trọng đến phần nhà ở xã hội”. Bà cũng lưu ý tháo khó khăn trước mắt nhưng phải đề ra những giải pháp lâu dài.

    Ở TPHCM là 42.230 căn hộ; Hơn 98.000m2 văn phòng cho thuê, 1,9 triệu mét vuông sàn. Dư nợ cho vay BĐS hơn 85 ngàn tỉ, trong đó hơn 66 ngàn tỉ cho vay BĐS và hậu quả là hơn 4.100 tỉ dư nợ. Tại Hà Nội, 556.610m2 sàn chung cư đang tồn kho. 3.483 căn biệt thự đang bỏ hoang. 175.000m2 sàn cho thuê đang ế khách. Trên toàn quốc, tổng dư nợ BĐS lên tới 207.595 tỉ đồng với nợ xấu chiếm 6,5%.
    Theo Lao động
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê