• Tại sao chỉ quyết liệt thu hồi đất của dân?

    Khi thu hồi đất của dân để giao cho dự án thì quyết liệt, nhưng có dự án bỏ hoang đến 10 năm vẫn chưa thu hồi. Có vấn đề gì ở đây ?" - một trong những câu hỏi mà đại biểu HĐND đặt ra cho lãnh đạo TP Hà Nội…
    Chuyện đất đai là nội dung nóng nhất trong phiên họp HĐND sáng nay 5/12, trong đó đặc biệt là chuyện dự án bỏ hoang.

    Giải trình tại hội trường, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh thừa nhận, việc giao đất cho các dự án nhưng không thực hiện được là thực trạng bức xúc, dự kiến năm 2013 TP sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa. Một trong những giải pháp được ông Khanh nêu ra là giúp đỡ doanh nghiệp để đưa đất vào sử dụng có hiệu quả.

    Phó Chủ tịch TP cũng cho biết, đã thanh tra, kiểm tra 882 tổ chức sử dụng đất, phát hiện 779 trường hợp, giúp cho hơn 500 trường hợp tự khắc phục, giúp cho 132 tổ chức tháo gỡ khó khăn và xử phạt hành chính hơn 100 tổ chức.

    Theo ông Khanh, một trong những nguyên nhân cơ bản là có nhiều dự án chờ quy hoạch, vì vậy cần tập trung rà soát, kiểm tra đối với những dự án được gia hạn. Sau gia hạn mà không khắc phục được thì buộc phải thu hồi. Còn đối với các doanh nghiệp nhà nước, sẽ tập trung thúc đẩy nhanh việc sắp xếp, nâng mức xử phạt để có tính răn đe. “Vì mức phạt hiện thấp, nên có phạt thì doanh nghiệp cũng sẵn sàng chấp nhận” - ông Khanh chia sẻ.

    Ngay sau khi Phó Chủ tịch TP phát biểu, đại biểu quận Hà Đông Phạm Thị Thanh Mai cho biết, dự án nhà máy xử lý rác thải Thanh Trì, được giao từ năm 2001 theo quyết định giao đất của Thủ tướng, tháng 10/2003 đã giải phóng mặt bằng xong hơn 12 ha.

    “Toàn bộ hiện trạng khu đất đã rào để đó suốt từ năm 2003 đến nay. Nhà đầu tư, huyện Thanh Trì đề nghị điều chỉnh quy mô, mục đích sử dụng đất, nhưng vướng quy hoạch phân khu. Vậy, theo luật thì đã kéo dài quá lâu, hướng giải quyết của TP như thế nào?” - Bà Mai đặt câu hỏi và kiến nghị thu hồi đưa vào đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư…

    Bà Mai cũng nêu lên một số tồn tại của các xã thuộc địa phận Hoà Bình sát nhập vào Hà Nội nhưng đến nay chưa được bàn giao hồ sơ… Trả lời các vấn đề này, Phó Chủ tịch TP Vũ Hồng Khanh chỉ nói chung chung về việc đã giao trách nhiệm cho các sở ngành cũng như những khó khăn do chờ quy hoạch hoặc do quá trình mở rộng Hà Nội… và hứa sẽ rút kinh nghiệm…

    Phần trả lời của Phó Chủ tịch đã không làm đại biểu quận Hà Đông thoả mãn. Bà Mai tiếp tục chất vấn đề nghị ông Khanh trả lời thẳng vào vấn đề.

    “Liên quan đến quy hoạch, dân rất sốt ruột. Năm 2012 là năm quy hoạch, nhưng hiện nay mới chỉ phê duyệt được 5 đồ án quy hoạch, 34 quy hoạch phân khu thì có đến 31 quy hoạch phân khu giao cho Viện, vậy đến bao giờ phê duyệt được để biết được có thể triển khai tiếp, để dân yên tâm với quy hoạch mới?”.

    Đại biểu Mai thẳng thắn đặt câu hỏi và nói thêm rằng: “Rõ ràng giải phóng mặt bằng xong lại để đấy, có dự án để từ rất lâu rồi, trong đó không phải chỉ những dự án khó khăn về kinh tế. Tôi cho rằng phải kiên quyết với dự án chây ì để đáp ứng mong mỏi của người dân, nếu không sẽ khó giải phóng mặt bằng” - đại biểu quận Hà Đông kiến nghị.


    Đại biểu Nguyễn Hoài Nam - ảnh: VNE

    Vì sao thu của dân thì nhanh, lấy lại của doanh nghiệp thì chậm?

    Là một đại biểu “có tiếng” trong việc thường đưa ra những câu hỏi chất vấn thẳng thắn, hóc búa, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế cho biết ông ghi nhận TP đã làm quyết liệt, tuy nhiên, ông Nam đặt câu hỏi về công tác quản lý sử dụng đất và lựa chọn chủ đầu tư: “Hầu hết các dự án chỉ định thầu, phải chăng trách nhiệm của các sở đã tham mưu cho TP? Quan điểm và giải pháp của TP tới đây như thế nào? Trách nhiệm của cơ quan nào khi chủ đầu tư thay đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch được phê duyệt? Tới đây TP có giải pháp gì khắc phục ?”

    Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Hoài Nam đưa ra một vấn đề mà lâu nay dư luận đã rất bức xúc, đó là: việc thu hồi đất của các hộ dân phục vụ cho các doanh nghiệp phát triển kinh tế thì làm quyết liệt, thậm chí tổ chức cưỡng chế, nhưng khi dự án doanh nghiệp vi phạm pháp luật, có dự án 10 năm không triển khai, lại ở những vị trí đắc địa, thì việc thu hồi lại rất khó khăn.

    “Tôi khẳng định các dự án này có vi phạm pháp luật, có dự án 10 năm không triển khai, chủ đầu tư quây rào cho gửi ôtô, bán bia, đất toàn ở vị trí đắc địa phía Tây, trong khu Ba Đình, Hoàn Kiếm. Phải chăng có vấn đề gì ở đây, nếu chủ đầu tư đó năng lực kém hay tranh thủ bán dự án thì chúng ta có quyết liệt không?", ông Nam gay gắt hỏi.

    Đại biểu này cũng nêu ví dụ về một dự án ở Hà Đông. Theo đó, đầu năm TP giao cho các ngành kiểm tra, xử lý vì có bốn nội dung tố cáo, đó là Khu liền kề tại Mỗ Lao của công ty Sơn Tùng. “Hai nội dung đã khẳng định là đúng, đó là chủ đầu tư không có năng lực, huy động vốn trái phép, tháng 9 thì các sở ngành tham mưu và đồng chí lại cho triển khai tiếp” - đại biểu Nguyễn Hoài Nam hỏi thẳng.

    Không có chuyện cương quyết với dân, nhẹ tay với doanh nghiêp

    Trả lời phần chất vấn của ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án để hoang hoá, trong đó trước hết là lỗi do chủ đầu tư.

    Tuy nhiên, ông Khanh khẳng định, không phải là Thành phố không dám làm hay không quyết liệt làm. “Từ chủ tịch TP đến các Phó Chủ tịch luôn chỉ đạo là vi phạm là phải xử lý. Tuy nhiên, có dự án phức tạp lắm, mà phức tạp là báo cáo cho đại biểu biết chứ không phải là sợ phức tạp mà không làm. Các hồ sơ đưa lên chưa trả lại hồ sơ nào” - Phó Chủ tịch phân trần.

    Ông Khanh cũng cho biết, khi ký thu hồi, TP làm quyết liệt, nhưng còn có lúc, có nơi, có địa phương quản lý chưa tốt chứ “không phải TP có quan điểm nhẹ doanh nghiệp, nặng dân, mà vi phạm đến mức nào thì xử lý mức đó”

    Phó Chủ tịch TP cũng thẳng thắn “xin hứa”: “Cơ quan nhà nước nào mà bao che, bảo kê, dung túng sẽ sẵn sàng cho thanh tra xử lý theo quy định pháp luât. Không có chuyện dân thì làm quyết liệt, doanh nghiệp thì làm nhẹ nhàng.” - ông Khanh khẳng định.
    Theo VnMedia
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê