• Quy hoạch thủ đô thực hiện 70% cũng là thành công

    PGS. TS Đỗ Tú Lan, Phó Cục trưởng Cục phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) nhận định, người làm quy hoạch không bao giờ vẽ xấu đô thị. Đôi khi quy hoạch đẹp nhưng không thực hiện được vì "lực bất tòng tâm".
    Trao đổi với báo giới bên lề buổi hội thảo Việt Nhật về phát triển đô thị ngày 1/3, bà Lan nhận định.

    - Là người quản lý về đô thị, bà nghĩ gì khi nghe được lời nhận xét đô thị Việt Nam đã có sự phình nở nhất định nhưng vẫn phát triển lem nhem, thiếu đồng bộ?

    PGS. TS Đỗ Tú Lan.

    - Tôi cho rằng, các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình lớn đã phát triển theo quy hoạch. Tuy nhiên, thực tế không tránh khỏi còn tồn tại một số hạn chế do chúng ta có thời gian dài để cho người dân tự xây dựng. Còn nhiều các đô thị phải cải tạo do xây dựng yếu, chưa đồng bộ. Các công trình ô nhiễm hay xây dựng lộn xộn phải điều chỉnh lại, ví dụ như chung cư, nhà lụp xụp, khu ổ chuột ở các đô thị. Phát triển đô thị phải đồng bộ nhưng chúng ta mới chỉ quan tâm đến vấn đề bên trên, là đường sá, hệ thống sử dụng đất... mà quên mất hệ thống ngầm.

    - Mỗi khi quy hoạch vẽ ra, thị trường bất động sản lại lên cơn sốt cục bộ, người dân đổ xô "cầm đèn chạy trước ôtô". Theo bà, phải giải quyết vấn đề này thế nào?

    - Nhiều trường hợp kinh doanh địa ốc những không hiểu biết về thị trường. Đấy là cái rất dở của việc đầu tư theo phong trào, a dua của người Việt Nam mình. Thực ra, trước đây, khi quy hoạch mở ra, thông tin chưa đầy đủ nên người dân không biết. Dần dần, thông tin về quy hoạch sẽ thường xuyên được phổ biến đến tất cả người dân vì chúng tôi thực hiện truyền thông rộng rãi thông qua việc trưng cầu ý kiến.

    Tôi tin nếu thông tin liên tục được truyền tải như thế sẽ không xảy ra tình trạng đón đầu quy hoạch làm xáo động thị trường bất động sản. Khi người dân bình tĩnh theo dõi thì sẽ nắm bắt được đâu là quy hoạch thực, đâu là ảo. Khi các phương án được liên tục cập nhật thì người ta cũng sẽ thận trọng hơn. Bộ Xây dựng đã xây Cung quy hoạch quốc gia để cởi mở thông tin. Người dân nếu muốn tìm hiểu thì có thể biết được thông tin tại cung quy hoạch đó.

    - Khi trả lời chất vấn, một quan chức Hà Nội đổ lỗi quỹ đất dành cho giao thông ít, đường nhỏ trong khi chung cư cao tầng mọc lên quá nhiều là tại quy hoạch. Còn theo bà, lỗi này là do đâu?

    - Không thể nói rằng, chúng ta không xây nhiều đường giao thông. Trước đây, các tuyến đường nội đô được mở rộng nhưng lại khó trong khâu giải tỏa. Chúng ta thực hiện giãn dân, bằng cách mở rộng tuyến đường khu vực hoặc đường vành đai. Nhưng thực tế càng mở rộng giao thông đô thị thì người dân nhập cư càng lớn. Nếu ai đã từng đến Nhật Bản thì sẽ thấy họ rất mạnh về giao thông công cộng đặc biệt là tuyến tàu điện nhanh. Chúng ta phải học kinh nghiệm đó, kết hợp với tuyến xe bus... chứ không chỉ là mở đường.

    Tôi cho rằng, vấn đề là xác định rõ giao thông mang tính chất quốc lộ, chứ không thể lấy quốc lộ làm đường đô thị. Thiếu về đầu tư nên giao thông đô thị chưa tốt. Trước chúng ta chưa đủ điều kiện để đầu tư thì chúng ta thiếu đường đô thị nên người dân sử dụng đường quốc lộ để đi như đường đô thị. Tôi cho rằng, không thể nói ngày một ngày hai làm được ngay nhưng chúng ta cần phải nỗ lực.

    Người làm quy hoạch không vẽ xấu đô thị.

    - Bấy lâu nay, Bộ Giao thông Vận tải đã bị chỉ trích đến "rát tai" vì để xảy ra ách tắc. Bà cảm nhận thế nào khi có quan điểm cho rằng, Bộ Giao thông đã gánh búa rìu dư luận thay cho ngành xây dựng?


    - Tôi cho rằng, chúng ta đừng nói bộ này gánh bộ kia vì như thế là không chính xác. Trách nhiệm bộ nào cũng phân định rõ ràng rồi. Lỗi đổ tại quy hoạch, nhưng nói công bằng thì những người quy hoạch không bao giờ vẽ xấu và cũng không muốn vẽ xấu. Với hơn 30 năm làm công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, tôi nhìn các đồ án quy hoạch người ta vẽ không gian rất đẹp, đường phố khang trang. Vấn đề ở chỗ chúng ta không đầu tư cũng như thực hiện quản lý đúng như thế. Đấy là cái mà chúng ta không đạt được như quy hoạch chứ không phải tại quy hoạch.

    Tất nhiên, tôi thừa nhận có những quy hoạch vẽ không sát thực tế nhưng không phải cái gì cũng bảo tại quy hoạch. Quy hoạch là cơ sở ban đầu nên người dân hiểu tại ông quy hoạch nên nó mới thành ra thế này, có ai biết trong quá trình thực hiện nhiều khi lực bất tòng tâm. Ví dụ vẽ con đường thế này nhưng trên thực tế không giải tỏa được, tiêu biểu như Kim Liên, mất 10 năm mới giải tỏa, mở rộng được.

    - Vậy bà nghĩ sao trước lo ngại, Quy hoạch chung của thủ đô, mặc dù vẽ rất đẹp, nhưng vì một vài lý do thực tiễn nào có vẫn có thể không thực hiện được?

    - Đó là dự báo, mà đã là dự báo thì nó có thể thế này có thể thế khác. Quy hoạch chung của Hà Nội là một nỗ lực rất lớn, xác định được phần mở rộng của đô thị trung tâm. Đây là quan điểm rõ ràng để tạo ra hàng lang xanh và các thành phố sinh thái. Mô hình như vậy thích hợp với thực tiễn.

    Chúng ta cần chuẩn bị hạ tầng của các thành phố vệ tinh để tạo sức hút. Các tuyến đường nhanh như tuyến đường sắt của Nhật nối Láng Hòa Lạc cũng như tuyến Hà Đông- Nhổn khi đã xây dựng xong thì thành phố vệ tinh sẽ có sức hút. Việc định hướng của quy hoạch như thế thì tính khả thi rất cao. Không có gì không thể thực hiện ở thời điểm này. Đương nhiên, tôi cũng không thể nghĩ rằng 100% với mong muốn như thế là có thể thực hiện được. Vì ở đâu đó, một vài điểm nào đó, chỗ nào đó cũng còn khó khăn và có thể không thể thực hiện 100% ý tưởng. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta thực hiện được 60-70% cũng đã là thành công rất lớn rồi


    Theo vnExpress
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê