• Người Trung Quốc mua cả trăm hecta đất Bình Thuận

    TT - UBND tỉnh Bình Thuận vừa kiểm tra và phát hiện việc đầu tư cả trăm hecta đất trồng thanh long không đúng quy định pháp luật của một nhà đầu tư Trung Quốc.
    Mặt bằng đã chuyển từ đất lúa sang đất kinh doanh của Công ty Nguyên Long Sơn - Ảnh: Trần Lệ Hoa

    Theo hồ sơ, cuối năm 2011, ông Zhong Heng Shan (quốc tịch Trung Quốc, chủ tịch hội đồng thành viên kiêm giám đốc Công ty TNHH Nguyên Long Sơn thuộc Tập đoàn Nguyên Hinh, Thâm Quyến, Trung Quốc) ký hợp đồng sang nhượng 100ha đất nông nghiệp tại xã Hàm Chính (huyện Hàm Thuận Bắc) và gần 10.000m2 cạnh quốc lộ 1A thuộc xã Hàm Đức (huyện Hàm Thuận Bắc) của ông Phạm Phú Thạnh. Trong khi việc sang nhượng đất chưa hoàn tất và đang có tranh chấp thì ông Zhong có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận xin phép nhập máy móc, thiết bị sản xuất trên diện tích đất này.

    Từ tranh chấp hợp đồng với người Việt Nam

    Theo văn bản gửi UBND tỉnh nhờ “can thiệp”, ông Zhong cho biết cuối năm 2011 khi ký hợp đồng với ông Phạm Phú Thạnh, nguyên giám đốc và hiện là thành viên góp vốn trong Công ty Nguyên Long Sơn, ông Zhong đã chuyển 13,5 tỉ đồng cho ông Thạnh. Tuy nhiên đến nay ông Thạnh chưa giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng như đã ký kết.

    Vì vậy, Công ty Nguyên Long Sơn đề nghị tỉnh Bình Thuận can thiệp và cho phép họ trồng thanh long trên diện tích 100ha ở Hàm Chính và được xây văn phòng, nhà xưởng trên diện tích đất đã mua tại Hàm Đức. Đồng thời cho phép được nhập máy móc, thiết bị về để sản xuất, chế biến thanh long.

    Tuy nhiên theo ông Thạnh, tính đến tháng 7-2012 ông chỉ mới nhận từ ông Zhong 10,5 tỉ đồng và đã giao toàn bộ giấy tờ đất đai mà ông đã ký kết đứng ra mua giúp cho ông Zhong. Chưa hết, để “nắm đằng cán”, ngày 27-2 ông Zhong và luật sư của mình đã yêu cầu ông Thạnh ký một hợp đồng vay vốn khống 4,5 tỉ đồng (lãi suất 0%) trong số tiền 10,5 tỉ đồng đã chuyển, tương đương với 5% vốn góp trong công ty. Đổi lại, ông Thạnh phải thế chấp 11 sổ đỏ có diện tích hơn 75.000m2 và giấy tờ nhà đất văn phòng công ty tại Hàm Thuận Bắc.

    Lòi ra chuyện đầu tư “chui”

    Việc lập hợp đồng vay vốn khống này nhằm buộc ông Thạnh sau khi lo được giấy chứng nhận đầu tư phải chuyển cổ phần mới lấy lại được giấy tờ đã thế chấp mà ông đứng tên góp vốn trong công ty trên danh nghĩa, nhằm che mắt việc giúp ông Zhong đầu tư “chui” vào Việt Nam.

    Theo hồ sơ, ngày 30-12-2011, ông Phạm Phú Thạnh thành lập Công ty TNHH Nguyên Long Sơn với vốn điều lệ 90 tỉ đồng. Trong đó, ông Thạnh làm giám đốc với số vốn góp 20% (18 tỉ đồng) và ông Vũ Duy Tám (quê Bắc Giang) góp 72 tỉ đồng còn lại. Hai tháng sau (ngày 28-2), công ty này đã đăng ký thay đổi lần đầu vẫn giữ nguyên tên công ty, vốn điều lệ nhưng thêm hai thành viên là ông Huang Bi Qiu (ngụ Quảng Tây, Trung Quốc) góp 30% vốn (27 tỉ đồng) và ông Zhong Heng Shan góp 60% vốn (54 tỉ đồng). Lúc này công ty chuyển sang cho ông Zhong làm giám đốc. Riêng ông Thạnh và ông Tám mỗi người chỉ còn 5% vốn (4,5 tỉ đồng).

    Sau khi đưa hai người nước ngoài vào công ty để nắm giữ toàn bộ số vốn, cá nhân ông Thạnh và ông Tám chỉ còn lại một số vốn “tượng trưng” ít ỏi. Lúc này, Công ty TNHH Nguyên Long Sơn hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của ông Zhong. Từ đây, ông Thạnh lại ký hợp đồng chuyển nhượng số đất nông nghiệp trên 100ha mà mình đã gom trước đó cho ông Zhong để ông này đầu tư trồng thanh long, xây dựng nhà xưởng chế biến.

    Tuy nhiên theo hồ sơ, với diện tích hơn 10.000m2 nằm sát quốc lộ 1A ngay ngã ba Tà Zôn (xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc) là đất lúa hai vụ, không được chuyển đổi mục đích khác (theo nghị định 42 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và pháp luật đất đai hiện hành). Vì vậy theo hợp đồng, ông Thạnh phải có trách nhiệm “chạy” chuyển đổi sang đất kinh doanh để ông Zhong làm nhà xưởng chế biến thanh long. Ngày 26-12-2011, UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã cho chuyển đổi số diện tích ruộng lúa này sang đất kinh doanh, công ty đã ào ạt san lấp mặt bằng ngay sau đó.

    Sau khi dùng thủ thuật đưa tên hai người Trung Quốc vào để chuyển nhượng công ty, ông Thạnh đã giao hồ sơ và con dấu cho ông Zhong. Chính sự thay đổi và đưa thêm hai người nước ngoài vào công ty nên UBND tỉnh không đồng ý cấp giấy chứng nhận đầu tư bởi công ty lúc này có yếu tố người nước ngoài. Chưa hết, theo quy định của UBND tỉnh Bình Thuận, việc nhà đầu tư muốn xây dựng nhà xưởng thì sau khi được cấp giấy phép đầu tư phải tập trung vào các khu công nghiệp để sản xuất, chế biến. Từ việc đầu tư “chui” đến việc bán đất nông nghiệp cho người nước ngoài bị phát hiện nên phi vụ này đang có nguy cơ bị đổ vỡ. Cơ quan an ninh kinh tế Công an tỉnh Bình Thuận đã vào cuộc điều tra làm rõ.

    Ông Zhong mời 9 cán bộ Bình Thuận đi Trung Quốc

    Khó hiểu hơn là trong thời gian phi vụ này đang lùm xùm thì có đến chín cán bộ, trong đó có phó giám đốc Sở NN&PTNT cùng phó chánh văn phòng, giám đốc trung tâm trực thuộc sở này cùng bí thư, phó chủ tịch, trưởng phòng nội vụ, giám đốc Ban quản lý dự án huyện Hàm Thuận Bắc nhận lời mời của Tập đoàn Nguyên Hinh sang Thâm Quyến, Trung Quốc để “học tập kinh nghiệm”. Theo báo cáo của Công ty Long Nguyên Sơn do ông Zhong ký thì sau chuyến “học tập kinh nghiệm” này, các thành viên trong đoàn công tác đã hướng dẫn ông làm đơn đề đạt những nguyện vọng được đầu tư ở Bình Thuận vì công ty đã lỡ “cầm đèn chạy trước ôtô”.
    Theo tuổi trẻ
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê