• Xuất khẩu bất động sản, ý kiến người trong cuộc

    Đề xuất nới lỏng đối tượng và điều kiện mua, sở hữu nhà tại Việt Nam cho người nước ngoài và Việt kiều của Bộ Xây dựng đã nhận được sự đồng tình của nhiều thành viên thị trường.

    “Đất đai không có chân”

    TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng, Việt kiều Mỹ

    Tôi rất hy vọng những chính sách cởi mở hơn sẽ sớm được thông qua để những người như tôi có thể yên tâm và dễ dàng mua, sở hữu một ngôi nhà tại Việt Nam. Đất đai không có chân, không phải là sản phẩm có thể mang từ nơi này sang nơi khác được, nên việc thâu tóm là không dễ. Tại Singapore, người nước ngoài chỉ không được mua nhà xã hội. Không những không có hạn chế nào đối với việc người nước ngoài sở hữu căn hộ, mà trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang khủng hoảng, Singapore lại mở rộng luật về sở hữu bất động sản cho người nước ngoài và cho phép người nước ngoài được mua cả biệt thự gắn liền với đất ở những khu vực được quy hoạch. Nhờ đó, thị trường bất động sản Singapore vẫn rất phát triển, bất chấp khủng hoảng.

    Hiện người Việt Nam với thu nhập trung bình còn thấp, nhu cầu mua nhà để ở đa số chỉ là những căn hộ có giá từ 700 triệu đồng đến dưới 2 tỷ đồng. Còn những dự án siêu sang, biệt thự liền kề có giá cao hơn chỉ có một số ít người thu nhập cao, người nước ngoài hoặc Việt kiều mới có khả năng tài chính để mua.

    “Đồng tình với đề xuất của Bộ Xây dựng”

    Ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

    Tôi đồng tình với đề xuất của Bộ Xây dựng về việc mở rộng đối tượng và điều kiện để người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Thực ra theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, Việt Nam đã cho phép người nước ngoài mua nhà và đến Luật Nhà ở năm 2005 lại tiếp tục khẳng định vấn đề này trên diện rộng. Tuy nhiên, các địa phương lại không thực thi theo Luật nên kết quả thực hiện chưa cao.

    Tôi cho rằng, những đề xuất của Bộ Xây dựng đưa ra trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng như hiện nay sẽ tạo ra độ tin cậy và sự hấp dẫn cho các đối tượng người nước ngoài, tạo tính thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, để thực hiện tốt được chính sách này thì vấn đề phải xuất phát từ cấp cơ sở thực thi, tránh tình trạng cho phép người nước ngoài mua, nhưng lại đưa ra nhiều thủ tục khắt khe.

    “Quá tốt cho thị trường”

    Ông Lê Chí Hiếu, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM

    Người nước ngoài và Việt kiều có nhu cầu về nhà ở là rất lớn. Trong những năm qua, Việt Nam thu hút dòng vốn FDI lớn, kéo theo nhiều người đến sinh sống và làm việc. Bên cạnh người nước ngoài, Việt kiều cũng có nhu cầu lớn về nhà ở, sau nhiều năm sinh sống ở nước ngoài, họ mong muốn trở về quê hương để sinh sống.

    Trên thực tế, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM đã có những đề xuất mở rộng chính sách cho người nước ngoài, Việt kiều được mua nhà. Nay với đề xuất của Bộ Xây dựng về các chính sách mở rộng cho người nước ngoài mua nhà nếu được thông qua, tôi cho là rất tốt với thị trường bất động sản.

    “Sẽ là kênh thu hút nguồn tiền lớn từ người nước ngoài”

    Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE

    Việc mở rộng chính sách cho người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam nếu được thông qua là một bệ đỡ tốt cho thị trường bất động sản. Nó sẽ là kênh thu hút một nguồn tiền lớn từ người nước ngoài vào thị trường bất động sản. Người nước ngoài nên được xem là nhóm đối tượng mở rộng hợp lý của một thị trường đã phát triển, chứ không hẳn là một biện pháp “chữa cháy”. Rất nhiều người nước ngoài đã, đang và sẽ theo dõi sát sao thị trường để quyết định mua nhà tại Việt Nam.

    “Nên tập trung vào đối tượng Việt kiều”

    Ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Reenco Sông Hồng

    Tôi cho rằng, việc mở rộng cơ chế cho phép đối tượng người nước ngoài mua nhà là rất cần thiết, chúng ta lẽ ra phải làm từ lâu.

    Việc Bộ Xây dựng kiến nghị mở rộng đối tượng người nươc ngoài được mua nhà hiện nay như một hướng gỡ khó khả thi cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng chính sách này sẽ đẩy thanh khoản trong ngắn hạn. Mặc dù về lý thuyết, mở rộng đối tượng người nước ngoài mua nhà, phân khúc căn hộ cao cấp (chiếm tỷ lệ lớn hàng tồn kho bất động sản hiện nay) sẽ tăng thanh khoản hơn.

    Theo tôi, để có thể thút hút lượng vốn lớn từ nước ngoài vào thị trường bất động sản, Nhà nước nên tập trung chính sách ưu tiên cho các Việt kiều đã sinh sống lâu năm ở nước ngoài nay muốn hồi hương. Như vậy, xét cả về tình và về lý đều rất thuận. Trong khi đó, các đối tượng người nước ngoài cũng đã được cho phép mua nhà nhiều năm qua, nhưng theo tôi được biết, mới có khoảng hơn 100 người chính thức mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Từ thực tế này, có thể thấy các đối tượng là người nước ngoài đến Việt Nam làm việc và sinh sống thường có xu hướng thuê nhà để ở cho đỡ phức tạp.

    “Phân khúc bất động sản trung và cao cấp sẽ được hưởng lợi”

    Ông Trần Kiên Cường, Tổng giám đốc Golden Gain Việt Nam

    Theo tôi, việc mở rộng đối tượng người nước ngoài được mua nhà là một xu hướng tất yếu, vì hiện các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam rất nhiều. Trong khi các nước trong khu vực cũng đã rất cởi mở trong việc cho người nước ngoài mua nhà.

    Tôi cho rằng, quyết định mở rộng cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam mang lại nhiều yếu tố tích cực nhiều hơn là tiêu cực. Bởi điều đó việc này giúp thu hút thêm kiều hối, ngoại tệ, mà bất động sản là một tài sản đặc biệt, chả ai có thể mang ra ngoài lãnh thổ Việt Nam được.

    Nếu việc mở rộng cơ chế được thông qua, tôi cho rằng, phân khúc bất động sản trung và cao cấp sẽ được hưởng lợi, bởi đa số các đối tượng này là người có tiền nên sẽ tập trung vào phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, không nên kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc ngay với chính sách này. Bởi để thị trường hồi phục bền vững cần nhiều chính sách đồng bộ. Trong khi đó, người nước ngoài họ chỉ mua nhà đất vì nhu cầu thực sự, chứ không có xu hướng đầu cơ.

    Nhìn ở một góc độ khác, tôi cho rằng, việc Bộ Xây dựng kiến nghị rộng cửa cho người nước ngoài mua nhà giống như việc hợp thức hóa để để thu thuế tốt hơn và quản lý xã hội tốt hơn. Bởi trên thực tế, tình trạng người nước ngoài “lách luật” để mua nhà không phải chuyện hiếm.

    Tôi lấy ví dụ tại dự án Mandarin Garden, nhiều người nước ngoài vẫn mua nhà, nhưng họ lại đứng tên người Việt.

    Theo ĐTCK
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê