• 'Xí' đất, hơn chục dự án BĐS nguy cơ bị thu hồi

    Trong khi nhiều chủ đầu tư bất động sản (BĐS) đang phải chật vật, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng để triển khai dự án thì không ít doanh nghiệp (DN) đã có sẵn đất nhưng lại không khởi công, để cỏ mọc um tùm hoặc sử dụng sai mục đích, gây lãng phí lớn.
    TP Hà Nội đang gấp rút kiểm tra lại các dự án có dấu hiệu chậm triển khai và vi phạm luật đất đai trên địa bàn. 11 dự án sẽ nằm trong “tầm ngắm” thu hồi đợt tới đây.

    Đất dự án để… trồng cỏ

    Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, có đến 48 dự án được giao đất nhưng không triển khai trong vòng 12 tháng, chiếm 131 ha; chậm triển khai trong 24 tháng có tới 39 dự án với 425 ha; dự án sử dụng đất sai mục đích là 26 dự án với 700 ha.

    Nổi bật trong vấn đề dự án treo năm 2012 là các khu đất “vàng” của các đại gia BĐS, như Tổng công ty Cổ phần xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tập đoàn phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội... Hay tại các dự án có vốn nước ngoài “hoành tráng” như: Khu phức hợp Giảng Võ (Q.Ba Đình); Trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ, khu luyện tập thể thao tại huyện Mê Linh; Khu du lịch Bốn mùa tại thị xã Sơn Tây... được cấp phép từ tháng 9.2007 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Đặc biệt, tại Khu công nghiệp Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) có 2 dự án “treo” thuộc diện lâu năm: dự án của Công ty CP Xây lắp và thương mại COMA 25 và Công ty Thương mại và Phát triển công nghệ Ngân Giang.

    Nhiều dự án chủ đầu tư không triển khai mà để cỏ mọc um tùm.

    Ngay ở địa bàn Q.Tây Hồ, khu vực vốn được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong thời gian qua, nhưng vẫn đang tồn tại hàng loạt khu đất diện tích từ vài nghìn đến hàng chục nghìn m2 do các đại gia đấu giá quyền sử dụng đất rồi để hoang gần chục năm nay. Nằm cuối đường Trần Thái Tông (Q.Cầu Giấy) còn có mảnh đất bỏ hoang rộng tới hơn 5.000m2 của Vietcombank… Hay tại tuyến đường mới mở rộng Lê Văn Lương, hơn 8 năm nay, một số chủ đầu tư vẫn chưa làm thủ tục sử dụng đất để thực hiện dự án, bên trong để… trồng cỏ.

    Còn tại Q.Hoàng Mai, sau lễ khởi công hoành tráng hồi đầu năm 2011, đến nay trong khuôn viên dự án khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ (Golden Silk) có tổng vốn đầu tư dự kiến trên 3.000 tỷ đồng thuộc P.Đại Kim, vẫn không có một bóng công nhân cũng như máy móc thi công. Thay vào đó là cảnh hoang tàn, cỏ mọc um tùm. Được biết, dự án này do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 2 Vinaconex làm chủ đầu tư.

    Ngoài ra, tại Hà Nội, nhiều khách hàng đang như “ngồi trên đống lửa” vì đống tiền chủ đầu tư các dự án “mượn” đã nhiều năm mà dự án vẫn chưa thấy tăm hơi, như các dự án Chung cư 34 Cầu Diễn, Binh đoàn 12 Ngọc Hồi, Tricon Towers, Mekong Plaza...

    Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết, trong năm 2011, thành phố đã thu hồi 10 dự án chậm triển khai với tổng diện tích 5,3 ha.

    Cơ hội cho công trình công cộng

    Trước sức nóng của dự án “treo”, Giám đốc Sở TNMT Vũ Văn Hậu khẳng định, chủ trương của thành phố là kiên quyết thu hồi những công trình không phù hợp quy hoạch chung, không có chuyện hù dọa, nói suông. Theo đó, đợt thu hồi lần này sẽ có 11 dự án đã bị nhắm tới. Lý do việc thu hồi này là đối với dự án chậm triển khai 12 tháng theo quy định của Luật Đất đai và 24 tháng theo kế hoạch được phê duyệt; không hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đất sử dụng sai mục đích...

    Các dự án sau khi thu hồi sẽ được bàn giao cho Trung tâm phát triển Quỹ đất Hà Nội. Sau khi cơ quan này tính toán phương án bồi thường thiệt hại cho các chủ đầu tư, các dự án bị thu hồi sẽ được sử dụng phù hợp với mục đích công cộng, như xây dựng trường học, nhà trẻ, bãi đỗ xe theo đúng quy hoạch. Trong trường hợp, nếu giao cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh khai thác các khu đất bị thu hồi thì sẽ áp dụng phương án đấu thầu. Lãnh đạo Sở TN-MT cũng khẳng định không bao giờ có chuyện thu hồi đất dự án của chủ đầu tư này để giao cho chủ đầu tư khác thực hiện một cách tùy tiện.

    Theo Sở TN-MT Hà Nội, thành phố đang hoàn tất thủ tục thu hồi đất tại 11 dự án vi phạm Luật Đất đai và các quy định khác trên địa bàn. Đây là đợt thu hồi đất đai có vi phạm lớn nhất từ trước tới nay tại Hà Nội.

    Các DN bị thu hồi đất lần này là: CTCP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội có diện tích đất bị thu hồi nhiều nhất (8, 03ha tại 7 xã và 1 thị trấn tại huyện Thạch Thất); CTCP Thiết bị giáo dục 1 ( 22.340 m2 tại 62 Phan Đình Giót, P.Phương Liệt, Q.Thanh Xuân); Chi nhánh Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam – Nhà máy cơ khí công trình ( 23.742m2 tại 199 phố Minh Khai, Q.Hai Bà Trưng); Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam (10.000m2 tại Cụm công nghiệp Duyên Thái, H.Thường Tín); Công ty TNHH Vina Apollo Tech (13.020m2 tại Khu Công nghiệp Phú Nghĩa, H.Chương Mỹ); CTCP Lương thực Hà Sơn Bình (2840m2 tại tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên, H.Phú Xuyên); Công ty TNHH Hương Đạt ( 400 m2 tại số 46, ngõ 325 Kim Ngưu, P.Thanh Lương, Q.Hai Bà Trưng); Hợp tác xã vận tải Hòa Hưng (P.Phú La, Q.Hà Đông); CTCP Cầu 5 Thăng Long (bờ Bắc sông Hồng, Q.Long Biên); Nhà máy xe lửa Gia Lâm (583 Nguyễn Văn Cừ); Công ty TNHH xây dựng Thuận Đạt (H.Phúc Thọ)
    Theo Báo Đất Việt
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê