• Vì sao nhà thu nhập thấp không hạ giá?

    Thị trường bất động sản Hà Nội chứng kiến liên tiếp các đợt hạ giá của nhiều dự án. Thậm chí chủ đầu tư dự án nhà thương mại Đại Thanh còn bán giá 10 triệu đồng/m2, thấp hơn cả nhà thu nhập thấp (TNT). Trong khi đó, các dự án nhà TNT nhận được nhiều ưu đãi nhưng vẫn không hạ giá.
    Nhà thu nhập thấp Đặng Xá (Gia Lâm) dù bị ế vẫn không giảm giá.

    Ế cũng không hạ giá

    Anh N.P mua căn hộ tầng 7 nhà D1 thuộc dự án nhà TNT Đặng Xá (Gia Lâm) cách đây một năm với giá 10,3 triệu đồng/m2.

    Sau khi đóng tiền đợt 2 thì anh quyết định lên gặp chủ đầu tư xin thanh lý hợp đồng. Anh N.P chia sẻ: “Thời điểm xin thanh lý khi thị trường bất động sản đã giảm giá mạnh. Gia đình tôi rất cân nhắc bởi mua nhà TNT chúng tôi không được chuyển nhượng, mua bán trong vòng 10 năm và rất nhiều ràng buộc khác nữa. Với số tiền 700 triệu gia đình tôi quyết định vay thêm mua dự án thương mại với giá 14 triệu/m2 tại Hà Đông. Lúc này tôi mới thực sự yên tâm với căn hộ của mình”.

    Còn với chị K.H ở nhà D2 TNT Đặng Xá đã dọn về ở từ tháng 8 bày tỏ: “Từ lúc trên thị trường có nhà thương mại 10 triệu/m2 thì tôi thấy tiếc nhưng lỡ mua rồi thì đành chấp nhận.

    Nhà TNT ở đây không có tầng hầm, chiều cao không bằng nhà thương mại nên sinh hoạt cũng có nhiều điểm bất ổn. Nếu biết thị trường xuống giá thế này tôi đã đợi đến bây giờ để mua nhà”.

    Dự án nhà TNT Đặng Xá do Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư với 946 căn hộ. Sau 2 năm chào bán, hiện vẫn còn 120 căn. Hiện chủ đầu tư tiếp tục chào bán lần thứ 11 số căn hộ còn lại tại 4 khối nhà D1, D2, D3, D4. Các tòa nhà đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ tháng 7-2012.

    Dù ế nhưng ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Cty Đầu tư Phát triển hạ tầng Viglacera thuộc Tổng Cty Viglacera, chủ đầu tư dự án nhà TNT Đặng Xá không tính đến bài toán giảm giá.

    Ông Tùng cho biết: “Trong số căn hộ còn lại của chúng tôi có cả những căn hộ khách mua nhưng đòi thanh lý. Khách hàng trả lại vì cảm thấy không được ưu ái về giá so với nhà thương mại bây giờ. Chúng tôi làm nhà TNT ngay từ đầu phải trình duyệt qua các cấp ban ngành nhiều, thiết kế qua Sở Xây dựng, dự toán công trình qua Sở Tài chính kiểm soát. Khi họ phê duyệt giá cũng kiểm soát chặt. Giá này là giá tạm tính. Khi xây dựng có phát sinh về thời điểm, cái này tăng, cái kia giảm... sau này khi quyết toán xong gửi lên các sở kiểm tra lại. Có thể tăng thì phụ thu khách hàng nếu giảm thì sẽ trả lại cho khách hàng. Chúng tôi không hạ giá vì nếu hạ giá thì những khách hàng mua trước không biết tính thế nào”.

    Cũng rơi vào tình cảnh tương tự như nhà TNT Đặng Xá, nhà TNT Sài Đồng của Cty Cổ phần Xây dựng số 3 (Hanco 3) sau khi chào bán đến lần thứ 7 vẫn còn tồn 120/400 căn. Cty cổ phần đầu tư và phát triển nhà số 5 (Handico 5) hiện còn 60/420 căn.

    Lãnh đạo 2 doanh nghiệp khẳng định vẫn giữ nguyên giá bán và không có kế hoạch giảm giá. Hanco 3 có giá: 13,27 triệu đồng/m2; Hadico 5: 13,24 triệu đồng/m2. Giá nhà TNT 2 dự án này được coi là cao nhất trong các dự án nhà TNT trên địa bàn Hà Nội.

    Ưu đãi đi đâu?

    Chính sách nhà TNT dành cho chủ đầu tư được nhiều ưu đãi như: chọn vị trí dự án, miễn thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vay lãi suất ưu đãi.

    Một doanh nghiệp kinh doanh BĐS phân tích, với dự án BĐS thì vị trí dự án vô cùng quan trọng, tiền thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng chiếm chi phí không nhỏ trong cơ cấu thành giá. Dù lãi bị khống chế 10% nhưng doanh nghiệp vẫn đua nhau xin làm nhà TNT.

    “Chi phí bôi trơn cho dự án nhà TNT lớn hơn nhà thương mại nên hiện dù bán ế chủ đầu tư nhà TNT không dám giảm giá vì giảm giá là lỗ. Vẫn chính sách ưu đãi giữ nguyên, thêm nhiều kiến nghị mở rộng đối tượng mua nhà TNT thì tương lai sẽ còn nhiều doanh nghiệp xin làm nhà TNT dù giá ngoài thị trường có hạ thêm nữa”, vị này nói.

    Hiện, trong số 11 dự án nhà TNT đang triển khai trên địa bàn Hà Nội, Tổng Cty Viglacera được vay ưu đãi 100 tỷ với lãi suất 9.9%/năm. Ông Nguyễn Thanh Tùng cũng cho biết thêm, thời gian tới Viglacera tiếp tục triển khai giai đoạn 2 nhà TNT Đặng Xá với 1.500 căn với vốn vay ưu đãi của ngân hàng BIDV.

    Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Với những ưu đãi từ chính sách của nhà nước với nhà TNT, nhằm kéo giá thấp hơn nhà ở thương mại từ 3-6 triệu đồng/m2.

    Nay thị trường đã xuống giá mạnh, không hiểu những ưu đãi của Nhà nước với dự án đi đâu, vì thị trường đã có căn hộ thương mại 10 triệu/m2. Cần kiểm soát lại giá thành xây dựng của nhà TNT, để buộc các chủ đầu tư hạ giá”.

    Đề xuất nhà xã hội có diện tích nhỏ nhất 25m2

    Theo dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề xuất cho phép chủ đầu tư áp dụng thí điểm việc thiết kế diện tích sàn mỗi căn hộ chung cư tối thiểu là 25 m2, tối đa đến 90 m2.

    Dự án phát triển nhà ở xã hội không thiết kế tầng hầm; trường hợp chủ đầu tư dự án có nhu cầu xây dựng tầng hầm thì phải có ý kiến chấp thuận của Bộ Xây dựng. Đồng thời, Bộ Xây dựng giảm thời gian chuyển nhượng nhà xã hội từ 10 năm xuống còn 5 năm.

    Theo Tiền phong
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê