• Vẫn còn nhiều bất cập chính sách đất đai ở Hà Nội

    Hà Nội vừa có Báo cáo số 73 tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 7 (khóa IX) về đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.
    Bên cạnh những mặt tích cực trong quản lý đất đai, báo cáo cũng chỉ rõ một số hạn chế chậm được khắc phục, như hiệu quả sử dụng đất chưa cao; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) còn nhiều bất cập, khiếu kiện kéo dài gây ảnh hưởng tới tiến độ các dự án…

    Phát huy hiệu quả từ đất đai

    Trong Báo cáo số 73 gửi Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết TƯ 7, lãnh đạo TP cho biết, những năm qua Hà Nội đã ban hành hơn 50 văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tuân thủ các chủ trương của Đảng và các chế định của Luật Đất đai, cụ thể hóa các điều khoản của luật, nghị định phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Các văn bản pháp quy của TP cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai và yêu cầu phát triển KT-XH của Thủ đô, góp phần sử dụng đất có hiệu quả, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách. Hằng năm, TP thu ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng từ các khoản thu phí, lệ phí, tư vấn về giá đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… Trong đó, TP và các quận, huyện, thị xã đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và thu về cho ngân sách khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng; từng bước công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng đất.

    Việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đã góp phần sử dụng đất có hiệu quả, tạo nguồn thu cho ngân sách.

    Một trong những điểm nổi bật trong việc thực hiện nghị quyết của Hà Nội là việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất cơ bản phù hợp với yêu cầu và thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn TP đã ban hành 3.533 quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 18.776ha. Từ đó đã tạo điều kiện hình thành và phát triển nhiều khu đô thị mới, khu công nghiệp và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ.

    Cũng trong công tác quản lý đất đai, việc thanh tra, kiểm tra chấp hành các quy định của pháp luật đất đai, xử lý vi phạm đất đai được TP xác định là nhiệm vụ trọng tâm và tập trung giải quyết dứt điểm. Từ năm 2003 đến nay, TP đã nhận 1.130 đơn đề nghị giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai. Trong đó khoảng 20% liên quan đến khiếu nại bồi thường, GPMB. Hằng năm, số đơn, thư được các cơ quan chức năng của TP giải quyết đạt hơn 92%...

    Chưa làm tốt vai trò điều tiết nguồn lợi từ đất

    Cùng với những kết quả đã đạt được, trong Báo cáo 73, lãnh đạo TP Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ rõ một số mặt tồn tại. Cụ thể, nguồn lực đất đai mặc dù đã từng bước được phát huy, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Đất đai chưa thực sự trở thành nguồn lực cho phát triển KT-XH. Việc giao đất qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án sử dụng đất còn hạn chế. Nhà nước chưa thực hiện tốt vai trò điều tiết nguồn lợi từ đất thông qua xét duyệt kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất và đầu tư kết cấu hạ tầng. Ở một số nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, tỷ lệ lấp đầy các khu - cụm công nghiệp thấp. Trên địa bàn TP vẫn còn hiện tượng manh mún trong sản xuất nông nghiệp, việc tích tụ đất nông nghiệp vẫn phổ biến ở quy mô nhỏ, diện tích chưa đủ lớn để phát triển sản xuất hàng hóa.

    Lĩnh vực xây dựng, quản lý thị trường bất động sản cũng là một trong những "điểm đen" bộc lộ sự hạn chế của Hà Nội. Tám năm qua, trên địa bàn có tổng số 209 dự án phát triển nhà ở với diện tích đất 32.404ha. Tuy nhiên, tình trạng đầu cơ, làm giá, đẩy giá lên cao không đúng với giá trị thực diễn ra ở nhiều nơi. Tình trạng nhà hoang, đất hoang tồn tại với khối lượng lớn, trong khi nhu cầu về nhà ở, đất ở của người dân lại không được giải quyết. Nhà nước chưa thực hiện được vai trò điều tiết để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

    Công tác bồi thường, GPMB còn nhiều bất cập cũng được Báo cáo 73 đề cập khá kỹ lưỡng. Một số chủ trương, chính sách về bồi thường hỗ trợ chưa hợp lý nên có trường hợp người dân chấp hành lại bị thiệt thòi, dẫn đến bức xúc trong dư luận xã hội, tạo tư tưởng sẵn sàng vi phạm quy định về quản lý đất đai dưới nhiều hình thức… Vai trò của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu về đất đai có lúc, có nơi còn chưa tương xứng. Vấn đề thu hồi đất còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ nhiều dự án bị đình trệ do thu hồi đất kéo dài gây lãng phí nguồn vốn đầu tư. Việc chi trả tiền một lần cho người bị thu hồi đất nông nghiệp cũng phát sinh nhiều vấn đề xã hội ở nông thôn.

    Các khu tái định cư chung cho các dự án tại địa bàn chưa được coi trọng hoặc khu tái định cư đã được lập nhưng không đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Một số địa phương thiếu sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu rõ quy định của pháp luật hoặc né tránh, thiếu cương quyết, không giải quyết dứt điểm, làm cho việc GPMB bị kéo dài nhiều năm… Đây chính là những điểm mấu chốt mà các cơ quan chức năng của Hà Nội phải tập trung khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới.

    Theo HNM
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê