• Tp.HCM: Dân không giao mặt bằng, dự án “đắp chiếu”

    Dự án khu căn hộ và trung tâm thương mại tại phường Cô Giang quận 1 (Tp.HCM) hứa hẹn sẽ giúp người dân bị ảnh hưởng có chỗ ở tốt hơn với chính sách đền bù, giải tỏa, tái định cư thỏa đáng nhưng vì sao dự án vẫn chưa thể triển khai?
    Dự án khu căn hộ và trung tâm thương mại tại phường Cô Giang được thực hiện trên diện tích hơn 14.000m2, trong đó bốn lô chung cư (xây dựng từ năm 1968) với 750 hộ dân trong tổng số 884 hộ dân bị ảnh hưởng của dự án.


    Chung cư xây dựng từ năm 1968 đã xuống cấp trầm trọng - hình minh họa
    Từ tháng 8 - 2007, dự án đã được UBND TP chấp thuận chủ trương cho Công ty CP phát triển Đất Việt (liên doanh giữa Công ty TNHH thủ đô Đất Việt và VinaCapital) triển khai. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa thể thực hiện được do còn 261 hộ dân, gồm 213 hộ trong chung cư và 48 hộ ngoài chung cư, chưa chịu bàn giao mặt bằng, nhà cửa.

    Phải trực tiếp thỏa thuận với dân?

    Theo phương án đền bù, giải tỏa, tái định cư đã được phê duyệt, những hộ dân bị ảnh hưởng của dự án có thể lựa chọn một trong hai cách: hoặc đồng ý nhận một gói các khoản tiền đền bù, hỗ trợ... và tự lo nơi ở mới, hoặc nhận tiền tạm cư để chờ tái định cư theo nguyên tắc diện tích nhà cũ đổi diện tích nhà mới (được chi trả tiền tạm cư theo quy định). Đã có 135 hộ chọn hình thức tái định cư tại chỗ, trong số 623 hộ chấp thuận việc di dời và bàn giao nhà (trong chung cư 537 hộ, còn lại là ngoài chung cư).


    Dự án thương mại nên dân muốn theo cơ chế thỏa thuận trực tiếp - hình minh họa
    Theo tìm hiểu, các hộ chưa chịu giao nhà cho rằng đây là dự án thương mại nên phải thực hiện theo cơ chế thỏa thuận, thương lượng đền bù, giải tỏa, tái định cư được quy định tại nghị quyết 34 của Chính phủ (năm 2007) về “một số giải pháp để thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp”.

    Trong khi đó, ông Trần Du Lịch - phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM - cho biết trong những lần tiếp xúc và trình bày với đại biểu Quốc hội, nhiều hộ yêu cầu phải nhận được căn hộ tái định cư ngay tại nơi thực hiện dự án sau khi giải tỏa chung cư cũ. “Yêu cầu của người dân là chính đáng, cũng nằm trong chủ trương của quận 1” - ông Lịch nói.

    Nên nhận nhà tái định cư tại chỗ

    Theo ông Lịch, các chính sách đền bù giải tỏa, tái định cư ở dự án này tương đối tốt. Cụ thể, dự án này thực hiện chính sách tái định cư theo kiểu đổi căn hộ cũ lấy căn hộ mới có cùng diện tích. Với những căn hộ nhỏ (diện tích 24m2 và 12m2), chưa đủ diện tích căn hộ tối thiểu theo quy định là 30m2 vẫn được đổi ngang một căn hộ mới 30m2. “Khi chấp nhận phương án này, người dân ở đây sẽ có được nhà cửa tốt hơn nhiều so với những căn hộ hiện tại, nhỏ hẹp và đã xuống cấp” - ông Lịch nói.

    Ông Lịch cũng khuyến cáo các hộ dân nên chọn phương án nhận nhà tái định cư tại chỗ thay vì nhận một cục tiền đền bù để tự lo nơi ở mới. “Vấn đề là chính quyền và chủ đầu tư phải có trách nhiệm, cùng cam kết giao nhà tái định cư đúng thời hạn, đúng chất lượng...” - ông Lịch nói. Ngoài việc cải tạo chung cư cũ, dự án còn mở rộng diện tích ra xung quanh với mục tiêu kết hợp chỉnh trang đô thị nên theo ông Lịch, chính quyền và chủ đầu tư công khai các thông tin đến các hộ dân.

    “Người dân muốn công khai chuyện này chứ họ không nói là dự án thực hiện đúng hay sai. Quan điểm của tôi là nếu chính quyền khẳng định việc thực hiện dự án là minh bạch, vì quyền lợi và lo cho dân thì không có việc gì phải ngần ngại đáp ứng yêu cầu này của dân. Nếu giải quyết được rốt ráo những vấn đề trên, tôi cho rằng việc di dời dân cư, đền bù giải tỏa ở dự án sẽ ổn” - ông Lịch khẳng định.

    Ông Lưu Trung Hòa (phó chủ tịch UBND quận 1, Tp.HCM):
    Càng chậm giao mặt bằng, người dân càng thiệt hại
    Được xây dựng từ năm 1968, đến nay chung cư Cô Giang (gồm bốn lô A, B, C, D) đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể sụp đổ, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của các hộ dân tại đây. Việc tháo dỡ và xây dựng lại chung cư Cô Giang trước hết là vì lợi ích của các hộ dân tại đây. Tính đến nay, trong số 261 hộ chưa giao nhà, có nhiều trường hợp đã chấp thuận phương án của dự án nhưng chưa sắp xếp được để bàn giao nhà, có những trường hợp còn chờ đợi (muốn bàn giao nhà sau cùng) và có những trường hợp chưa thông.

    Theo tôi, với những trường hợp chưa đồng thuận thì cần áp dụng theo chính sách nhà mới đổi nhà cũ, phải tháo dỡ chung cư cũ, xây dựng mới để bố trí cho các hộ dân đã đăng ký tái định cư, không thể để số đông hộ dân đã đồng thuận bàn giao nhà phải chờ đợi. Cần hiểu rằng nghị quyết số 34/2007/NQ-CP của Chính phủ khuyến khích, tạo điều kiện cho chủ đầu tư và người dân thỏa thuận để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, chứ không phải buộc chủ đầu tư phải thỏa thuận được với 100% hộ dân trong dự án mới tháo dỡ xây dựng lại chung cư.

    Về thời hạn giao nhà, chủ đầu tư đã có văn bản cam kết giao nhà tái định cư sau 42 tháng (để làm thủ tục và thi công công trình) kể từ khi nhận được mặt bằng trống. Như vậy, thời điểm bàn giao nhà tái định cư cũng tùy thuộc thời điểm hoàn thành công tác di dời giải phóng mặt bằng. Do đó, chúng tôi mong các hộ dân còn lại sắp xếp bàn giao mặt bằng trong thời gian sớm nhất để dự án được triển khai nhanh.

    Theo TTO
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê