• Tín dụng vẫn chưa mở với bất động sản

    Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố mở van tín dụng cho đầu tư bất động sản (BĐS) cả tháng nay, nhưng thị trường vẫn đóng băng. Cả dân đầu tư cá nhân lẫn DN kinh doanh BĐS trong tình trạng “chết lâm sàng”, tiếp tục bán tháo...
    Dự án Hesco (Văn Quán, Hà Đông) bị dân đầu cơ bán tháo vì tiến độ dự án

    Không dám vay, chỉ bán tháo

    Trên các trang mạng rao vặt nhà đất, chỉ cần gõ từ: “bán phá giá căn hộ” hiện ra hàng nghìn kết quả. Anh D (Hà Đông) ôm 2 căn hộ tầng 16 và 23 tòa nhà Mulberry Lane (Mỗ Lao, Hà Đông) với giá 38 triệu đồng/m2 cách đây gần một năm, nay anh D rao bán chỉ với giá 30,7 triệu đồng/m2.

    Anh D cho biết: “Tôi mới chỉ đóng 30% giá trị hợp đồng và không có tiền đóng tiếp từ đầu năm đến nay. Muốn vay vốn ngân hàng cũng không được.

    Tôi rao bán nhiều lần trên mạng, nhờ sàn giao dịch với giá 35 triệu/m2 với diện tích cả 2 căn: 90m2 thì cũng lỗ gần 500 triệu đồng nhưng không bán được, nay quyết định bán lỗ gần 1,5 tỷ, nhưng chưa biết có bán được không”.

    Chị M. H cũng đang rao bán 3 căn hộ tại dự án Hesco (Văn Quán) với giá 16,5 triệu/m2, thấp hơn phía chủ đầu tư 3 triệu đồng/m2.

    Chị H cho biết: “Tôi bán một phần do kẹt tiền, lãi suất cao không chịu nổi, phần nữa do tiến độ triển khai dự án mới trong giai đoạn khoan cọc nhồi. Nếu cố gắng theo tiếp dự án thì khoản lỗ của tôi sẽ càng lớn”.

    Trong khi đó, các dự án mới chào bán dùng đủ mọi cách khuyến mãi như: dự án Golden Palace (Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) của Cty CP Đầu tư Mai Linh hỗ trợ giảm trừ gói nội thất trung bình từ 180-320 triệu đồng/căn hộ.

    Việc giảm trừ này sẽ kéo giá bán căn hộ giảm 2-3 triệu đồng/m2 xuống 27-29 triệu đồng/m2 nhưng số lượng căn hộ giao dịch thành công vẫn rất ít.

    Tại một dự án chung cư cao cấp trên trục đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), chủ đầu tư đã chào bán rầm rộ đến lần thứ 3, khuyến mãi tặng ô tô, nhẫn kim cương... đồng thời giảm giá còn 32 - 33 triệu đồng/m2 nhưng mới chỉ bán được 100 căn, trên tổng số gần 800 căn hộ.

    Ông Nguyễn Bá Dũng - Trưởng văn phòng công chứng Hồ Gươm ghi nhận: “Chưa thời kỳ nào công chứng nhà đất lại kém như năm nay.

    Từ đầu năm, lượng hồ sơ giao dịch công chứng giảm từ 50 -70% so với năm 2011, chỉ 200 - 300 hồ sơ. Còn nhà dự án đóng theo tiến độ chỉ chiếm 5% hồ sơ đến công chứng”.

    Ông Dũng cho biết thêm, nhà dự án công chứng chuyển nhượng đều dưới mức giá mà chủ đầu tư đưa ra, do các nhà đầu tư thứ phát bán tháo, trả nợ ngân hàng.

    “Tại văn phòng công chứng chúng tôi có những dự án ở Hà Đông, chủ đầu tư bán 25 triệu đồng/m2 thì dân đầu cơ sẵn sàng chuyển nhượng 18 triệu/m2”, ông Dũng nói.

    Ngân hàng chỉ cứu DN quen

    Theo một giám đốc Cty địa ốc ở Hà Nội, động thái hạ lãi suất của ngân hàng chỉ cứu những DN bất động sản có quan hệ tốt với ngân hàng đang phải vay với lãi suất trên 25%, nay được đáo hạn lãi suất dưới 20%, nhưng chủ đầu tư chưa thể tiếp cận được vốn vay mới của ngân hàng.

    “Còn với những DN muốn vay mới thì DN và ngân hàng phải là sân sau của nhau. Dù được thế chấp bằng tài sản trong tương lai, nhưng DN phải chuẩn bị hàng loạt các hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và khách hàng mới đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Mà tìm được khách hàng đủ số lượng mà phía ngân hàng yêu cầu trong thời buổi thanh khoản kém thế này cũng là thách thức với chủ đầu tư”, vị này nói.

    Ông Vũ Cương Quyết - Tổng Giám đốc Cty Địa ốc Đất Xanh miền Bắc phân tích: “Thị trường BĐS đang loại các DN yếu thế ra khỏi cuộc chơi. Có nhiều DN có tiềm lực mong DN địa ốc khác "chết" để mua lại dự án với giá rẻ.

    Ngân hàng dù có chính sách với chủ đầu tư hay khách hàng nhưng độ trễ của chính sách cũng từ 3 - 6 tháng, nên thị trường vẫn đang trong tình trạng thanh khoản kém”.

    Không mấy lạc quan về thị trường, dù ngân hàng đã tuyên bố mở van tín dụng, ông Đỗ Quốc Thái - Tổng Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng và thương mại An Thái cho rằng:

    “Ngay như ngân hàng BIDV tung ra gói 4.000 tỷ đồng với lãi suất 16%/năm cho BĐS vay, nhưng bản thân khách hàng hiện nay chỉ đáp ứng được 30% tài chính.

    Mức lãi suất như vậy khách hàng nào dám vay mua nhà? Với địa ốc thì chỉ có DN đang vay ngân hàng, có dự án sắp hoàn thành mới đủ điều kiện vay tiếp, còn DN mới không có cửa, bởi ngân hàng hiểu hơn ai hết tình trạng của thị trường BĐS khó khăn hiện nay”.

    Theo Tiền phong
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê