• Tiết kiệm 84 nghìn tỷ đồng vốn Nhà nước nhờ đầu thấu

    Theo thống kê của Chính phủ, qua 5 năm thực hiện Luật Đấu thầu, nguồn vốn của Nhà nước đã tiết kiệm được 84 nghìn tỷ đồng, giá trị tiết kiệm đều tăng qua các năm. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng trong chi tiêu sử dụng nguồn vốn Nhà nước.
    Đây là những mặt tích cực từ hoạt động đấu thầu đã được các đại biểu Quốc hội nhận xét tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 6/6/2013. Tuy vậy, theo đánh giá của đại đa số các đại biểu Quốc hội, bên cạnh những mặt tích cực đã nêu trên thì trong quá trình thực hiện, Luật Đấu thầu vẫn đang bộc lộ nhiều hạn chế, như các quy định tản mạn, không thống nhất, chồng chéo các Luật khác...

    Cụ thể: phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu hiện hành chỉ điều chỉnh các hoạt động mua sắm thuộc dự án sử dụng vốn Nhà nước, trong khi trên thực tế có rất nhiều hoạt động mua sắm khác sử dụng nguồn lực Nhà nước mà chưa được điều chỉnh. Đơn cử, các hoạt động mua sắm vì mục đích công nhưng không hình thành dự án, các hoạt động đầu tư ra nước ngoài sử dụng vốn nhà nước...

    Đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) cho biết, trong dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, điều này là phù hợp với đòi hỏi thực tế nhằm quản lý nguồn lực nhà nước một cách hiệu quả nhất. Đáng chú ý, trong dự thảo cũng quy định “dự án cho mục tiêu đầu tư phát triển sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên trong tổng mức đầu tư, hoặc sử dụng dưới 30% vốn Nhà nước nhưng từ 500 tỷ vốn nhà nước trở lên trong tổng mức đầu tư của dự án” sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo.

    Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Minh Quang, Chính phủ không giải thích lý do tại sao lại chọn con số 500 tỷ đồng này. Con số 500 tỷ đồng là quá cao so với mặt bằng đầu tư phát triển chung ở các tỉnh. Ngoài ra việc xây dựng luật bằng con số tuyệt đối sẽ dễ bị lạc hậu, chỉ nên quy định nguyên tắc.


    Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) kiến nghị, dự thảo Luật nên giữ lại quy định về chịu trách nhiệm và hậu chịu trách nhiệm của người ra quyết định. Như vậy, mới chọn được các nhà đầu tư tốt, người phê duyệt thầu phải chịu trách nhiệm trước hết, nếu giải quyết chuyện này thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề.

    Đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) góp ý, Luật Đấu thầu có những nội dung về mua sắm, chi tiêu nên tách ra và đưa vào luật mua sắm công. Ở Việt Nam, hoạt động mua sắm công thì đấu thầu chỉ là một trong những hình thức được lựa chọn. Quy định như vậy cũng phù hợp thông lệ quốc tế.

    Cũng theo đại biểu Phạm Huy Hùng, Luật có nhiều quy định rất chung chung, cần được cụ thể hóa để thống nhất thực hiện trong thực tiễn. Trong đó, cần thiết xem lại quy định về vốn Nhà nước, làm rõ trong trường hợp nào thì được coi là vốn Nhà nước. Về áp dụng ưu đãi nhà thầu, ban soạn thảo cũng cần làm rõ hơn cơ chế ưu đãi khi nhà thầu Việt Nam liên doanh với nhà thầu nước ngoài. Việc chỉ định thầu cũng cần xem xét cho phù hợp với thực tiễn, tiết kiệm chi phí nhưng phải có tiêu chí rõ ràng, minh bạch để khẳng định nhà thầu đủ năng lực đáp ứng gói thầu.

    Đại biểu Nguyễn Bắc Son (đoàn Hà Nội) cho rằng, Luật Đấu thầu có phạm vi điều chỉnh tương đối lớn, không nên quy định quy mô vốn của Nhà nước trong các dự án có sử dụng vốn Nhà nước theo mức bằng tiền, mà chỉ nên quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định cụ thể từng thời kỳ cho phù hợp. Về đánh giá hồ sơ mời thầu, cần đưa nhiều phương pháp đánh giá, kết hợp giữa kỹ thuật và giá thành thì sẽ thuận lợi cho những gói thầu mang tính kỹ thuật cao.

    Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình) cho rằng, hoạt động đấu thấu rất cần phải có Luật riêng để điều chỉnh. Trong dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi lần này có một số vấn đề nếu làm tốt sẽ tạo được bước đột phá mới. Đó là, giải quyết vấn đề đối tác công tư; hoạt động đấu thầu theo hình thức công tư (PPP) đã có nhiều thay đổi (đấu thầu, chọn lựa, công bố kết quả) sát với thực tế hơn. Trước đây, thường xảy ra tình trạng doanh nghiệp nào bỏ thầu giá thấp thì sẽ thắng thầu, điều này khiến rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thắng nhưng khi thực hiện giá thực tế lại rất cao. Do vậy, cần phải tính toán kỹ vấn đề này.

    Đại biểu Cao Sỹ Kiêm đánh giá, trong dự thảo lần này cũng có nhiều điểm ưu tiên ưu đãi cho nhà thầu trong nước, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ và các đơn vị có sử dụng hàng hóa Việt Nam. Nếu triển khai tốt, hướng dẫn đầy đủ và không trái với thông lệ quốc tế, công khai minh bạch thông tin thì hoạt động đấu thầu sẽ phát huy tốt khả năng thế mạnh và sẽ hạn chế tình trạng quân xanh, quân đỏ trong đấu thầu.
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê