• Thu nhập thấp, tiền chưa đủ ăn lấy đâu ra tiền mua nhà?

    Sau khi chuyên trang bất động sản Vland mở diễn đàn Thu nhập thấp sao cứ phải mua nhà? chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc trong đó phần lớn bạn đọc khuyên người thu nhập thấp nên ở nhà thuê chứ không nên cố sống cố chết để mua được một căn nhà.
    Người Việt nên thay đổi tư duy phải mua nhà

    Nhiều bạn đọc gửi ý kiến khuyên những người có thu nhập thấp nên thay đổi tư duy, chả việc gì mình phải bán sống bán chết để cố gắng mua cho được cái nhà rồi è cổ trả lãi ngân hàng đến hàng chục năm trời.

    Bạn đọc Hoàng Gia linh cho biết: “Đã là thu nhập thấp thì có biết bao hệ lụy trong cuộc sống gia đình nảy sinh, tiền ăn còn chưa đủ lấy đâu ra để mua nhà, đã thu nhập thấp ăn chưa đủ lại lo trả ngân hàng hàng tháng, đương nhiên phải gánh thêm một gánh nặng nữa, vì nghĩ cho cùng để mua một căn nhà bằng tiền lương thực tế người dân tích cóp thì nhiều năm sau không thể mua được, vì mức lương quá thấp và nghèo nàn của đại đa số người dân”.

    Giấc mơ mua nhà của người thu nhập thấp (Ảnh minh họa: Nguồn Dân trí)

    Bạn đọc tên Bốn, là một người ngoại tỉnh lên thành phố lập nghiệp cũng đưa ra ý kiến nếu có vay tiền thì nên đầu tư làm ăn chứ không nên vay tiền để mua nhà rồi phải chịu gánh nặng lãi suất: “Tôi đã lập gia đình và thu nhập hai vợ chồng khoảng được 20.000.000/tháng. Nhiều người khuyên tôi là hãy vay mà mua nhà chứ đợi đến khi có đủ tiền thì không biết bao giờ mới được. Nhưng tôi nghĩ thế chả việc gì mình phải bán sống bán chết để cố gắng mua cho đươc cái nhà. Vì sau khi mình mua được cái nhà thì số tiền tích góp của mình hết sạch với cả hàng tháng phải trả một số tiền lớn cho Ngân hàng nữa. Như vậy, trong khoảng 10 năm liên tiếp về sau tôi phải còng lưng ra đi cày để trả ngân hàng chứ chả tích góp được đồng nào thêm. Thử hỏi nếu trong 10 năm đó nếu có việc gì xảy ra mà cần đến tiền thì các bạn bảo vay đâu ra nữa? Tôi nghĩ là mình chỉ nên đi thuê nhà là hợp lý vì tiền còn phải để chi tiêu nhiều việc, con cái học hành và nhỡ ốm đau thì còn có tiền mà nằm viện. Thà tôi vay tiền để đầu tư làm ăn cái gì đó chứ vay để mua nhà rồi mà mang gánh nặng lãi suất thì vay làm gì?”

    Độc giả Nguyễn Đức Vinh cũng đồng tình với quan điểm thu nhập thấp nên ở nhà thuê vì có nhiều ưu điểm: “Nhiều người phản đối cho rằng cuộc sống thuê nhà không ổn định, bấp bênh do giá cả thuê thường xuyên bị chủ nhà ép, bị phụ thuộc về điện nước (do không ký được hợp đồng điện nước),...Nhưng đến giờ tôi vẫn thấy phương án thuê nhà có những ưu điểm sau: phù hợp với hoàn cảnh công tác luôn phải thay đổi địa bàn, dễ lựa chọn địa bàn cư trú phù hợp với nơi công tác và học hành của trẻ, chi phí thuê nhà thường chỉ chiếm tỷ trọng từ 15-20% thu nhập gia đình là khoản chi chấp nhận được (cũng cần có 5-10% dành cho du lịch), việc tích lũy cần dành cho nhiều nhu cầu khác (nếu mua nhà sẽ phải cắt giảm hết: học nâng cao, du học, trang bị thêm tiện ích khác) khi điều kiện thu nhập cho phép có thể nâng mức sống bằng cách chuyển sang căn hộ tiện ích hơn một cách dễ dàng... Tuy nhiên thị trường xây nhà cho thuê dạng chung cư hiện nay còn đang bỏ ngỏ, người thuê nhà không có các hợp đồng điện nước là rào cản lớn cho mô hình này”.

    Anh Vinh cũng cho biết thêm: “Đã là thu nhập thấp thì đành phải chấp nhận vậy thôi (cho dù không muốn), có muốn chăng là muốn Nhà nước có chính sách ưu đãi giúp cho người nghèo đi thuê nhà đỡ vất vả và đỡ đắt đỏ để dành phần thu nhập ít ỏi lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn là may lắm rồi. Nếu liều để có nhà thì tôi chẳng dám vì một sự mạo hiểm có thể đem lại thành công mỹ mãn hoặc ngược lại có thể đẩy cả gia đình vào cảnh tiến thoái lưỡng nan hay ít nhất cũng cướp đi những cơ hội học tập của con cái (thậm chí tính mạng cũng khó giữ nếu gặp bệnh hiểm nghèo).

    Chị Dung, một bạn đọc của Vland cũng nêu ý kiến người Việt nên thay đổi tư duy, hãy hưởng thụ cho hiện tại chứ đừng quá lo nghĩ về tương lai: “Tư duy của người Việt thật lạ lùng, cả đời tích góp mua nhà, ở xong được mấy năm rồi chết. Tại sao phải khổ sở như vậy, hãy thuê nhà mà ở, vay tiền mua xe ô tô mà đi, hãy hưởng thụ hết hoặc gần hết những gì mình kiếm được hôm nay và cả những gì mình sẽ có thể kiếm được trong tương lai”.

    Nhiều bạn đọc cũng cùng quan điểm tại sao lại cứ phải mua nhà, như bạn Nguyễn Việt Chung cho rằng cứ phát triển mạnh nhà ở xã hội thì khoảng 5-7 năm sau lại thừa bởi số người có khả năng mua nhà rất thấp: “Tại sao lại cứ phải mua nhà nhỉ? Từ xưa tới nay nhà nước cho CBCNV thuê là chính. Từ khi đổi mới bắt đầu rộ lên phong trào mua nhà. Nhưng ai mua? Cũng chẳng ai biết chắc chắn tỉ lệ % đó. Và một số quan chức cứ gào lên là dân nghèo muốn mua nhà? Ai muốn đi vay để mua nhà nào? Cụ thể chiếm % bao nhiêu trong 5,7 triệu dân HN, TP. HCM? Tôi thì biết chắc chắn rằng trong tình hình khó khăn hiện nay thì ngoại dăm trăm ngàn dân lướt sóng còn chẳng ai dám đi vay để mà ôm mối lo hàng ngày hết. Rồi thì chúng ta sẽ thấy: 5-7 năm nữa sẽ lại ế thừa nhà ở xã hội hay nhà cho người thu nhập thấp! Vì sao? Nhà làm ở những nơi vừa xa, vừa thiếu đủ mọi thứ thì ai dám về đấy mà ở? An cư lập nghiệp. Nhưng nhà mà cách quá xa chỗ làm 10-20km hàng ngày đi về thì ai dám ở?”

    Nhà nước cần phát triển mô hình nhà cho thuê

    Người thu nhập thấp để tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp để mua nhà cũng rất khó khăn bởi khả năng trả nợ, lãi suất ngân hàng và những biến động của đời sống, do đó nhiều người mong muốn nhà nước nên mở rộng mô hình nhà cho thuê để những người thu nhập thấp có thể tạm sống yên ổn trong ngôi nhà thuê mà không phải nơm nớp mai chủ nhà tăng giá hay đòi lại nhà.

    Bạn đọc ở địa chỉ hovanhong129@... cũng nêu ra mong muốn nhà nước nên phát triển nhà cho thuê lâu dài: “Nếu là nhà của Nhà nước cho thuê ổn định lâu dài với giá cả phù hợp thì quá tốt, còn gì bằng. Nếu Nhà nước xây nhà và cho mọi đối tượng có nhu cầu thuê thì đúng là nhà nước của dân, do dân và vì dân, biết chăm lo cho vấn đề an sinh xã hội ai chẳng muốn. Mong lắm thay!”

    Bạn Nguyễn Đức Vinh cũng cùng quan điểm trên bởi vay tiền mua nhà nguy cơ rủi ro rất cao: “Dù có không muốn thì cũng phải cứ muốn là được, rủi mất khả năng thanh toán, rủi có cơ hội đầu tư cho tương lai phải bỏ (tương lai mới là tất cả), rủi có bệnh hiểm nghèo chắc đổi mạng lấy nhà quá. Vấn đề ở đây là nếu có nhà cho thuê dưới dạng chính sách của Nhà nước thì phương án thuê nhà mới là tối ưu, còn thuê nhà tự do như hiện nay thì người nghèo như chúng ta vẫn chỉ biết chờ và chờ, không đủ tiền mua hay không đúng đối tượng vay hay không dám vay thì cũng vẫn phải thuê mà ở chứ chẳng nhẽ ra gầm cầu sao? Cho dù các hợp đồng thuê nhà như hiện nay ẩn chứa biết bao rủi ro (điện, nước, rác, đường đi, cải tạo không gian, trang bị nội thất...), tuy nhiên cái giấc mơ về một căn nhà riêng cố định thì không phải của riêng ai, cho dù nhiều người hiện vẫn có nhà riêng ở quê nhưng vẫn mơ về một căn nhà riêng ở thành phố, ai dám đánh thuế giấc mơ đâu”.

    Đúng là giấc mơ được sở hữu một ngôi nhà của riêng mình là giấc mơ của tất cả mọi người, nhất là những người ngoại tỉnh lên lập nghiệp ở các thành phố lớn, nhưng khi tình hình tài chính chưa cho phép, người thu nhập thấp cũng không nhất thiết phải đi vay lãi để mua nhà, rồi sống tằn tiện chắt bóp cả chục năm trời để trả nợ, con cái phải sống trong cảnh nheo nhóc.

    Ở nhà thuê hay quyết tâm mua nhà trong thời kì bất động sản đang giảm giá như hiện nay là quyết định khó khăn đối với nhiều người, nhưng đại đa số người thu nhập thấp đều mong muốn nhà nước phát triển mở rộng hơn mô hình nhà ở cho thuê để người lao động có thể an tâm thuê ở lâu dài chứ không phải nơm nớp lo sợ phải chuyển chỗ liên tục như tình trạng thuê nhà ở thiếu sự quản lý như hiện nay.
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê