• Thông tư mới chống rửa tiền qua bất động sản

    Tại Việt Nam, tuy chưa có vụ rửa tiền qua bất động sản (BĐS) với quy mô lớn nào bị phát hiện, thế nhưng, theo nhiều chuyên gia rất có thể đã có không ít biểu hiện cho thấy hoạt động rửa tiền thông qua BĐS có thể đang âm thầm diễn ra.
    Dự thảo Thông tư về phòng chống rửa tiền qua BĐS được đưa ra lấy ý kiến mới đây nhằm minh bạch hóa thị trường, hạn chế đầu cơ BĐS. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, tất cả các sàn giao dịch BĐS, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quản lý BĐS phải xây dựng và ban hành quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền nhằm phát hiện và hạn chế các tổ chức, cá nhân thông qua tổ chức báo cáo để thực hiện các hành vi rửa tiền.

    Hành vi rửa tiền qua bất động sản, một thực tế của thị trường
    Nhiều nghi vấn rửa tiền qua BĐS

    Trong một nghiên cứu của mình, ông Vương Tịnh Mạch- Viện nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh có nhận xét, liên tục có những nguồn tiền rất lớn đổ vào BĐS, nhưng nguồn gốc của chúng lại chưa được quan tâm đúng mức. Hơn nữa, mới đây Bộ Xây dựng đã kiểm tra 18 dự án phát triển nhà ở khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội. Kết quả là có 42% biệt thự bị bỏ hoang. Kết quả này đã nổi lên nghi vấn rằng, có không ít người giàu sở hữu nguồn tiền không “sạch” luôn chọn BĐS là kênh rửa tiền. Chuyên gia kinh tế, Phạm Chi Lan cho rằng, việc thanh toán giao dịch BĐS bằng tiền mặt, vàng, USD như ở Việt Nam đã tạo ra kẽ hở cho nhiều người rửa tiền bất chính.

    Một biểu hiện khác đáng lưu ý là nhiều Dự án đầu tư BĐS của Việt Nam có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, sau khi xin được giấy chứng nhận đầu tư, xin quỹ đất phát triển dự án, thế nhưng, suốt thời gian dài chủ đầu tư chỉ triển khai cầm chừng. Sau đó, những dự án đầu tư đăng ký vốn hàng chục triệu USD này lại được chuyển nhượng cho bên thứ hai. Chủ đầu tư thỏa thuận với đối tác bằng việc ghi trong hợp đồng rằng, giá trị Dự án BĐS được khai khống cao hơn giá trị thực nhiều lần. Phần chênh lệch đó thực ra là những khoản “tiền đen” được hợp pháp hóa qua việc chuyển nhượng này.

    Cũng theo một kết quả điều tra mới đây của Bộ Xây dựng, trong 4.000 hộ nhận kiều hối được đầu tư vào BĐS, số còn lại gửi tiết kiệm và tiêu dùng. Thế nhưng, hàng tỷ USD kiều hối đầu tư vào BĐS đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam hầu như không thể điều tra, xác định được nguồn gốc.

    Theo ông Nguyễn Đức Diễn- Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Maxland, việc rửa tiền có nghĩa là biến những đồng tiền bất hợp pháp thành tiền hợp pháp, nhưng về nguyên tắc, mình không biết những đồng tiền của người ta có hợp pháp hay không. BĐS Việt Nam, nhất là thị trường Hà Nội, giá gốc thì ít mà giá chênh thì nhiều. Những cái giá chênh nằm ngoài hệ thống sổ sách và giao dịch bằng tiền mặt. Như vậy, khó có thể phát hiện việc rửa tiền ở đây. Rõ ràng, khó khả thi do phần lớn tiền giao dịch BĐS lại nằm ngoài hóa đơn chứng từ.

    Sàng lọc phát hiện giao dịch đáng ngờ

    Ông Vũ Xuân Thiện- Cục trưởng Cục quản lý nhà ở và thị trường BĐS Bộ Xây dựng cho biết, trong chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 mà Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ có đề cập việc hạn chế sử dụng tiền mặt, tiến tới không sử dụng tiền mặt trong những giao dịch BĐS. Đồng thời, Dự thảo Thông tư về phòng chống rửa tiền qua BĐS mới được Bộ Xây dựng công bố gần đây cũng đã nêu khá đầy đủ các tình huống giả định, các hành vi bị coi là nghi vấn đến rửa tiền. Theo đó, tình trạng giao dịch BĐS tự do với số tiền lớn, nguồn tiền không minh bạch mà từ trước tới nay vẫn diễn ra sẽ bị đưa vào diện xem xét. Đây là việc làm cần thiết để quản lý thị trường và quản lý đồng tiền lưu thông trong thị trường BĐS, hạn chế những giao dịch không minh bạch và nạn rửa tiền- ông Thiện nói.

    Cũng theo Dự thảo Thông tư này, các giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực BĐS có thể bị coi là rửa tiền gồm các giao dịch không thể xác định được khách hàng (dựa theo thông tin khách hàng cung cấp) hoặc giao dịch liên quan đến một bên liên quan không xác định được danh tính, doanh số giao dịch trên tài khoản không phù hợp với tình trạng tài chính hoặc không phù hợp với thông tin và hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng.

    Dự thảo Thông tư cũng lưu ý đến các giao dịch được thực hiện bởi một khách hàng có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông hoặc có trong danh sách cảnh báo do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp hồ sơ giao dịch hoặc hồ sơ về BĐS có dấu hiệu giả mạo, không rõ ràng, chính xác hoặc giá cả thỏa thuận giữa các bên không phù hợp với giá cả thị trường. Tất cả các trường hợp như vậy đều được coi là có biểu hiện “rửa tiền”.

    Ông Nguyễn Trần Nam- Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế chống rửa tiền ở tất cả lĩnh vực, trong đó, có BĐS nên phải có quy định chống rửa tiền trong BĐS. Nếu được thông qua, Thông tư này sẽ áp dụng cho tất cả đối tượng tham gia mua bán, kinh doanh BĐS từ người dân đến DN.

    Tại nhiều cuộc hội thảo, tập huấn về phòng chống nạn rửa tiền cho các DN kinh doanh BĐS ở Việt Nam do Cơ quan phòng chống ma túy và Tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam tổ chức gần đây, ông Trần Văn Thành- Điều phối viên quốc gia Chương trình chống rửa tiền của UNODC tại Việt Nam có đưa ra nhận xét, tại Việt Nam, nạn rửa tiền qua BĐS là vấn đề mới, phức tạp nên rất đáng quan tâm. Theo báo cáo của UNODC, các DN kinh doanh BĐS trong nước đang là đối tượng bị bọn tội phạm lợi dụng rửa tiền, với nhiều thủ đoạn khá tinh vi.

    Cần có nghiên cứu toàn diện

    Với vai trò là Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam, ông Phạm Sỹ Liêm lại có ý kiến rằng, người ta rửa tiền bằng nhiều cách, chống rửa tiền là cần thiết thế nhưng, không chỉ chống trong mua bán giao dịch BĐS. Bởi lẽ, trong lĩnh vực BĐS còn rất nhiều việc cấp bách cần xử lý, nhất là thời điểm này. Ví dụ như, huy động vốn cho các dự án BĐS hiện nay đều có biểu hiện không minh bạch, thậm chí có những trường hợp, dùng tiền của người dân nhưng lại không triển khai dự án... Như vậy, thay vì trước đây quy định thiếu thì nay chúng ta phải xem xét lại và đưa vào trong dự thảo Thông tư lần này- ông Liêm chia sẻ.

    Ông Đặng Hùng Võ- Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường có ý kiến rằng, trong dự thảo Thông tư chống rửa tiền qua BĐS có quy định giá thỏa thuận giữa các bên giao dịch không phù hợp với giá cả thị trường cũng bị coi là dấu hiệu rửa tiền, phải quy định cụ thể hơn. Ví dụ, nó cao hơn là bao nhiêu, phải cụ thể hơn, lượng hóa được thì luật mới đi vào cuộc sống. Tôi cho rằng, những quy định trong dự thảo còn khá sơ sài. Hành vi rửa tiền thường rất tinh vi, thủ đoạn, nên chúng ta phải có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu mới có thể đưa ra được những quy định chống lại sự tinh vi của nó, chứ với những cái chúng ta nói thì chắc chưa đủ sức để phát hiện được. Vì vậy, chúng ta cần phải có những nghiên cứu toàn diện hơn.

    Thiết nghĩ, để có được một thị trường BĐS phát triển minh bạch, chống độ rủi ro cao trong giao dịch thì nhà nước và các cơ quan quản lý cần phải nhanh chóng có các quy định cụ thể hơn nữa trong Dự thảo Thông tư về chống rửa tiền qua BĐS. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng mới có được “cây gậy” pháp lý để tiến hành kiểm tra, giám sát giao dịch BĐS.

    Theo VCCI
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê