• Thị trường bất động sản: Tìm lại “chữ tín”?

    Chủ đầu tư không vay được vốn, dự án không bán được hàng, tồn kho ngày một chồng chất… đó là những gì đã và đang diễn ra trên thị trường bất động sản. Và nguyên nhân chính được giới chuyên gia nhận định, là bởi niềm tin của khách hàng đối với thị trường này đã suy giảm đến mức báo động.
    Để thị trường BĐS thực sự phục hồi, không chỉ phụ thuộc vào bản thân những nỗ lực của các chủ đầu tư.

    Suy giảm niềm tin

    Trọn vẹn cả năm 2011 và 9 tháng đầu năm 2012, thị trường bất động sản (BĐS) bộc lộ rõ nét nhất những yếu kém, sự thiếu minh bạch khi người ta chứng kiến tình trạng, khắp nơi đâu đâu cũng thấy dự án mọc tràn lan, các chủ đầu tư cứ lao vào làm bất động sản, bất chấp sự yếu kém về kinh nghiệm, năng lực tài chính, quản trị… Cùng với lượng vốn ồ ạt đổ vào thị trường, tình trạng cấp phép dự án tràn lan đã tạo nên những khu đô thị bỏ hoang, lãng phí tiền của người dân, xã hội, đồng thời gây hỗn loạn thông tin trên thị trường vì nguồn cung ảo tăng cao, trong khi thông tin trên thị trường vẫn chưa được minh bạch tại nhiều dự án. Và hệ lụy của nó là con số hàng tồn kho lên cao đến mức chưa từng có: Khoảng 60.000 căn hộ, chiếm số lượng chính vẫn là ở Hà Nội (40.000 căn) và TP. Hồ Chí Minh (20.000 căn). Phân tích về thực lực của các doanh nghiệp (DN) tham gia vào thị trường này, một chuyên gia trong ngành cho rằng, tỷ số nợ/vốn chủ sở hữu của các DN ngành xây dựng đang ở mức cao, đặc biệt là các DN nhà nước, luôn không đủ khả năng dùng vốn chủ sở hữu để thanh toán các khoản nợ. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng từng nhận định: "Hệ thống tài chính BĐS chưa hoàn thiện, nguồn vốn cho thị trường này chủ yếu từ hệ thống ngân hàng và huy động của người dân, chưa có nguồn tín dụng trung và dài hạn để hỗ trợ DN và người dân trong tạo lập nhà ở, vì vậy thị trường BĐS luôn bị tác động khi có sự thay đổi chính sách tín dụng”.

    Những yếu tố nói trên đang làm méo mó thị trường BĐS, dẫn đến niềm tin của người tiêu dùng ngày càng suy giảm. Đặc biệt, thời gian gần đây, dư luận còn chứng kiến không ít các dự án BĐS chỉ là những dự án ảo, nói đúng hơn là những dự án "ma” đã đẩy khách hàng đến tình trạng: Ký hợp đồng xong - trắng tay vì bị chủ đầu tư ôm tiền chạy mất. Và những sự vụ đó càng khiến cho thị trường này trở nên "cô độc”, mất dần "chữ tín”.

    Cần nỗ lực từ nhiều phía

    Lấy lại niềm tin của khách hàng bằng cách nào? Đó có lẽ không chỉ là câu hỏi của những chủ đầu tư làm ăn chân chính mà còn là câu hỏi được hầu hết các chuyên gia trong ngành cũng như những nhà làm quản lý đối với thị trường này quan tâm.

    Theo ông Phan Thành Mai - Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, đối với tất cả các dự án BĐS, quan trọng nhất hiện nay là phải chứng minh đầy đủ tính pháp lý của dự án. Các nhà đầu tư muốn lấy được niềm tin nơi khách hàng, quan trọng nhất vẫn là phải nghiêm túc thực hiện đúng những cam kết mà họ đưa ra với khách hàng về những dự án của mình. Bản thân người tiêu dùng muốn tránh những dự án "ma” cũng cần tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi ký kết hợp đồng một dự án, bằng cách tìm đến các kênh tư vấn, các luật sư để nhận được những lời khuyên đáng tin cậy. "Thị trường BĐS muốn hồi phục thực sự rất cần những cố gắng từ cả hai phía: Sự chuyên nghiệp, nghiêm túc của chủ đầu tư và niềm tin nơi khách hàng” - ông Mai nhận định.

    Dù vậy, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, việc lấy lại niềm tin đối với thị trường này không phải là điều đơn giản. Ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội nhấn mạnh: Có nhiều yếu tố khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào thị trường này, trong đó có cả sự định hướng từ phía cơ quan nhà nước. Trong tất cả các kênh đầu tư hiện nay, như đầu tư chứng khoán, đầu tư ngoại tệ, đầu tư vàng… và cả đầu tư BĐS, có kênh đầu tư nào mà người có tiền được tự do kinh doanh trên cơ sở phát triển ổn định, bền vững không? Hay là ở kênh nào, người đầu tư khi đổ vốn vào đó cũng luôn ở tâm trạng "nơm nớp”.

    Bản thân lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng đã từng thừa nhận: Đối với cơ quan quản lý, đến thời điểm này về mặt chính sách, chúng ta cũng chưa đưa ra một giải pháp, chính sách nào cụ thể đối với thị trường này. Những nhà chức trách, người làm quản lý còn phải thừa nhận như vậy, thì khó có thể trách các nhà đầu tư…

    Và như vậy, rõ ràng, để thị trường BĐS thực sự phục hồi, không chỉ phụ thuộc vào bản thân những nỗ lực của các chủ đầu tư trong việc lấy lại niềm tin nơi khách hàng mà còn phụ thuộc cả vào những chính sách, cơ chế từ phía cơ quan nhà nước nhằm tạo điều kiện cho thị trường này phát triển một cách ổn định.

    Ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội:

    Theo tôi, những phiên giao dịch BĐS sẽ là một trong những kênh giúp người bán và người mua được giao dịch và tìm hiểu trực tiếp những dự án mình hướng đến, đây sẽ là sân chơi tốt cho cả hai bên. Vì ở đó, những chủ đầu tư muốn bán được sản phẩm của mình phải chứng minh cho khách hàng thấy đó là những dự án đáng tin cậy, chất lượng tốt…, sẽ là nơi để các chủ đầu tư thực hiện tốt các cam kết của mình. Đây cũng được coi là một kênh hữu hiệu để các chủ đầu tư BĐS lấy lại niềm tin nơi khách hàng, giúp thị trường này minh bạch trở lại. Còn người mua cũng có nhiều cơ hội để lựa chọn.
    Theo Đại Đoàn Kết
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê