• Sống gần nghĩa trang, nguy cơ rước họa vào thân

    Tốc độ phát triển đến “chóng mặt” tại các khu đô thị mới ở Hà Nội đã khiến người sống "lấn sân" người chết, không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới vấn đề vệ sinh môi trường.
    Hàng loạt nghĩa trang sai quy chuẩn

    Theo thông tư số: 31/2009/TT-BXD, thì nghĩa trang là đối tượng cần cách ly xa với khu dân cư, cần được quy hoạch đường đi, cây xanh, rào chắn thích hợp. Xung quanh nghĩa trang phải có hệ thống mương thoát nước mặt. Khoảng cách tối thiểu từ ranh giới nghĩa trang đến hàng rào của hộ dân gần nhất là 1,5 km với nghĩa trang hung táng, 5 km với nghĩa trang chôn một lần. Nhưng trên thực tế ở Hà Nội, quy chuẩn này đã bị “bỏ quên” trong suốt nhiều năm qua, khi mà thế giới của người sống và người chết gần như không có sự tách bạch.

    Nghĩa trang bị "lọt thỏm" giữa khu dân cư không còn là chuyện xa lạ đối với người dân ở thủ đô. Trong ảnh: Nghĩa trang tại phường Quan Hoa, Cầu Giấy bị các nhà cao tầng vây kín

    Điển hình như nghĩa trang Văn Điển. Ban đầu đây là nghĩa trang có khoảng cách an toàn, nằm khá xa so với khu dân cư. Tuy nhiên, do đô thị phát triển nhu cầu nhà ở của người dân tăng cao, càng ngày khu dân cư càng tiến gần. Nghĩa trang này đang dần có nguy cơ bị bao vây trong lòng đô thị và ảnh hưởng của nó đến môi trường sống xung quanh đang hiện hữu.

    Ông Nguyễn Văn Long, người dân sống gần khu vực nghĩa trang Văn Điển cho biết: “Hơn chục năm về trước, toàn bộ xung quanh nghĩa trang chỉ toàn là đất hoang. Nhưng vài năm trở lại đây, nhiều ngôi nhà tầng mọc lên san sát. Nghĩa trang cứ thế nằm gần hơn với nhà của người dân”.

    Án ngữ tại quận Cầu Giấy, khu dân cư tổ 36, phường Quan Hoa, lâu nay cả người già và trẻ nhỏ đã quen với với chuyện sống chung với mồ mả. Khu nghĩa trang của làng nay đã nằm lọt thỏm trong sự bao vây của nhà tầng.

    Tại đây, gần như không có sự phân biệt giữa thế giới của người sống và người chết. Mở cửa nhà ra là gặp mộ, thậm chí có nhiều ngôi mộ nằm áp sát vào cả móng nhà dân. Người ta vẫn sống, vẫn sinh hoạt ngay cạnh những ngôi mộ hàng ngày nghi ngút khói. Những đứa trẻ lớn lên ở khu nghĩa địa này chưa có một môi trường sống sạch để phát triển.

    Anh Vũ Ngọc Nội, người dân sống gần nghĩa trang chia sẻ: “Trong những ngày đầu chuyển đến đây ở chúng tôi cũng thấy sợ. Nhưng ở dần lâu ngày cũng thành quen. Hai vợ chồng là người lớn thì không sao, còn đứa con nhỏ thì cứ vào buổi tối là quấn chặt lấy mẹ vì sợ”.

    Nhiều hộ dân chỉ cần mở cửa ra là đã thấy các ngôi mộ ngay trước mặt

    Tương tự, các nghĩa trang Sài Đồng, Nhổn, Ngọc Hồi, Linh Đàm cũng hết chỗ và đã đóng cửa. Bên cạnh đó, Hà Nội còn hàng nghìn nghĩa trang nhân dân tự phát với diện tích từ vài nghìn m2 đến vài chục ha như nghĩa trang Quán Dền (Trung Hòa - Nhân Chính). Nghĩa trang khu phố Láng Hạ - Vũ Ngọc Phan lọt thỏm giữa khu dân cư cao tầng và quá tải từ lâu.

    Không những thế, ở Hà Nội, người dân còn tận dụng nghĩa trang làm... vườn rau.
    Cả chục năm trở lại đây, người dân tại xã Tứ Hiệp (Tả Thanh Oai, Thanh Trì) có thu nhập tiền triệu nhờ vào việc canh tác phần đất chưa sử dụng đến của nghĩa trang làng. Mục sở thị nghĩa địa trồng rau này cho thấy, các loại rau, quả ở đây đều phát triển rất tốt, những ruộng rau muống xanh mướt, chỉ nhìn đã thấy ngon.

    Gần ngôi mộ vừa mới được hạ huyệt chưa được bao lâu, giàn mướp đang trổ hoa và chắc chắn sẽ đậu sai quả trong thời gian tới. Có lẽ vì trồng cây ở những ngôi mộ mới sẽ nhiều “chất” hơn nên người ta trồng nhiều loại như thế?.


    Những ruộng rau muống mọc xanh tốt trong nghĩa trang tại xã Tứ Hiệp, Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hiếu

    Theo bà Luyến, một hộ dân tăng gia rau xanh cả chục năm nay thì họ không sợ gì cả. Đất sản xuất nông nghiệp ở đây ngày càng bị thu hẹp, nên mới phải tận dụng đất ở nghĩa địa để canh tác. Tuy nhiên qua trò chuyện bà Luyến chia sẻ, gia đình bà trồng rau ở nghĩa trang để bán chứ không bao giờ ăn.

    Dễ mắc bệnh về đường hô hấp khi sống gần nghĩa trang

    Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Đỗ Thị Thu Hà (trung tâm Phát triển Y tế cộng đồng) cho biết: "Việc nghĩa trang nằm trong khu dân cư sẽ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, đặc biệt là nguồn nước và không khí.

    Khu nghĩa trang thuộc đối tượng cách ly đặc biệt, bởi nó mang rất nhiều các mầm bệnh nguy hiểm có thể lây lan bất cứ lúc nào, nhất là bệnh về hô hấp của trẻ nhỏ và người già”.

    Cảnh khấn vái ngay giữa khu dân cư

    Ở các khu đô thị hiện đại, nghĩa trang cần được quy hoạch cách xa nơi dân ở để đảm bảo sức khỏe y tế cộng đồng. Dù khu dân cư đó có dùng nước máy thì đất ở nơi gần nghĩa trang vẫn bị ô nhiễm nặng, nhất là tất cả nhà ở đều hướng mặt ra nghĩa trang.

    Ngoài ra, tâm lý "ở cạnh người chết" cũng làm nhiều người dân lo sợ, không an tâm, bác sĩ Hà cho biết thêm.
    Theo Infonet
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê