• Sổ đỏ cấp sai, trăm ‘dâu’ đổ đầu dân

    Vấn đề liên quan đến việc quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (GCNQSDĐ) (sổ đỏ) cho 1263,5m2 đất xảy ra tại phường Nghĩa Đô.
    Cam làm quýt chịu?

    Toàn bộ diện tích 1263,5m2 đất được UBND quận Cầu Giấy cấp GCNQSDĐ cho 5 hộ gia đình/ cá nhân gồm Nguyễn Thị Liền, Trần Thị Quyên, Trần Thị Thanh Ngoan, Nguyễn Thị Thanh Thủy và Nguyễn Thị Hùy, trong đó thửa đất nhỏ nhất là có diện tích 200m2, thửa lớn nhất 351,5m2.

    Theo phản ánh của các hộ dân, trước năm 1993, khu đất thuộc sự quản lý của HTX An Phú. Đến năm 1993, UBND thị trấn Nghĩa Đô đã giao lại cho 3 hộ xã viên là các hộ ông Đặng Khạ, Nguyễn Văn Hội và Nguyễn Văn Đạt có kèm theo “Sổ thuế nông nghiệp gia đình” theo chính sách giao khoán đất nông nghiệp theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 05/4/1988.


    Năm 1995, ông Đạt và ông Hội đã chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất được giao cho 2 xã viên khác là bà Liền và bà Quyên (2 trong số 5 hộ gia đình/cá nhân đang có khiếu kiện).

    Đến năm 2003, ông Khạ đã chuyển nhượng toàn bộ đất cho 5 hộ gia đình/cá nhân nêu trên. Sau khi nhận chuyển nhượng, 5 hộ gia đình/cá nhân đã làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở và xin cấp GCNQSDĐ và quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ).

    Theo đó, ngày 13-7-2009, Phòng Tài nguyên Môi trường quận Cầu Giấy lúc đó do ông Lê Danh Cường (hiện là Giám đốc Ban Quản lý dự án của quận Cầu Giấy) là trưởng phòng có tờ trình số 308 gửi UBND quận. Cùng ngày, lãnh đạo quận ra quyết định số 1.388 ký cấp GCNQSDĐ ở đối với 5 thửa đất nói trên.

    Các cá nhân/hộ gia đình đã thực hiện nghĩa vụ tài chính nộp hơn 14 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước khi UBND quận Cầu Giấy cho phép làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xin cấp GCNQSDĐ.

    Tuy nhiên, đến ngày 21/8/2012, UBND quận Cầu Giấy đã ra kết luận thanh tra số 3535 trong đó nêu rõ việc cấp GCNQSDĐ cho 5 hộ gia đình cá nhân trên là sai pháp luật và kiến nghị thu hồi 5 GCNQSDĐ đã cấp.

    Tiếp đó, ngày 3/5/2013, Thanh tra TP Hà Nội đã ra kết luận thanh tra số 1018 và ngày 13/6/2013 UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 4244 kiến nghị/chỉ đạo việc thu hồi các GCNQSDĐ của 5 hộ gia đình cá nhân nêu trên vì cho rằng trình tự, thủ tục cấp sổ đỏ có sai sót.

    Kết luận của Thanh tra TP Hà Nội có ghi “việc phòng Tài nguyên Môi trường Quận Cầu Giấy thẩm định, trình UBND Quận Cầu Giấy cấp GCN 1263,5m2 đất ở cho 5 hộ gia đình tại tổ 49 là sai quy định, vi phạm điều 4, điều 7 Quyết định số 23/2008 (9/5/2008) của UBND TP”.

    Kết luận cũng chỉ rõ trách nhiệm đối với các cá nhân khi để xảy ra những sai phạm trên và khẳng định tiếp tục thực hiện quy trình xem xét, xử lý cán bộ.

    Nhưng việc chỉ đạo thu hồi các GCN quyền sử dụng đất đã khiến các hộ gia đình “chết đứng”. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – chủ sở hữu 1 trong 5 GCNQSDĐ trong diện bị thu hồi bày tỏ đất của chúng tôi đều đã được cấp GCNQSDĐ hợp pháp nên không thể nói thu là thu được. Việc xin cấp GCNQSDĐ chúng tôi đều thực hiện theo đúng hướng dẫn của các đồng chí cán bộ có trách nhiệm. Quy trình, thủ tục xem xét cấp GCN của UBND quận Cầu Giấy có thể có sai sót nhưng đó là trách nhiệm là lỗi của cơ quan nhà nước, cán bộ có liên quan. Quận cứ thanh tra, xử lý kỷ luật đối với những cán bộ sai phạm. Không thể đổ trách nhiệm này sang cho người dân chúng tôi được. Như thế chẳng khác nào việc “cam làm quýt chịu”.

    Còn xét theo quy hoạch nếu mảnh đất ấy có quy hoạch cụ thể phải GPMB chúng tôi sẵn sàng thực hiện nhưng việc đền bù phải thỏa đáng. Từ năm 2010 đến nay không thể tính thoái thu hoàn trả số tiền hơn 14 tỷ đồng theo như kết luận thanh tra là xong được. Việc thu hồi cũng phải tiến hành đền bù hợp lý cho người dân – bà Thủy cho biết.

    Trăm “dâu” đổ đầu dân?

    “Nguồn gốc đất của các hộ dân chúng tôi được UBND thị trấn Nghĩa Đô (nay là phường Nghĩa Đô) giao cho các hộ gia đình sử dụng ổn định, lâu dài một cách hợp pháp từ năm 1993, không có tranh chấp và do quá trình đô thị hóa, khu đất trên đã trở thành đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư. Thế nhưng không rõ căn cứ vào đâu để UBND quận Cầu Giấy và UBND thành phố Hà Nội kết luận đây là đất trống để rồi sau đó khẳng định: không đủ điều kiện xét cấp Giấy chứng nhận đất ở cho các hộ gia đình”, bà Nguyễn Thị Liền bức xúc đặt câu hỏi.

    Cũng theo phản ảnh của bà Liền thì khu đất này thuộc diện được cấp sổ đỏ. "Tại địa phận phường Nghĩa Đô nói riêng và quận Cầu Giấy nói chung, chúng tôi thấy có nhiều thửa đất nông nghiệp xen kẽ khu dân cư - với những điều kiện và tính chất tương tự như khu đất của chúng tôi - đã được cấp GCNQSD đất ở theo một quy trình áp dụng như đối với các thửa đất của 5 hộ gia đình chúng tôi. Hiện tại các sổ đỏ của các thửa đất đó vẫn được chính quyền thừa nhận và không có quyết định thu hồi. Vậy tại sao UBND quận Cầu Giấy và UBND thành phố Hà Nội lại chỉ chỉ đạo thu hồi sổ đỏ đã cấp cho 5 hộ gia đình, cá nhân nêu trên? Phải chăng ở đây có gì uẩn khúc"?

    Hành trình đi tìm câu trả lời của các hộ dân từ năm 2012 đến nay họ vẫn chưa nhận được một câu trả lời cụ thể nào ngoài những quyết định thu hồi đã nêu trên. Không những thế dù chưa có một buổi làm việc trực tiếp nào với các hộ dân nhưng UBND quận Cầu Giấy đã chỉ đạo UBND phường Nghĩa Đô triển khai việc phá dỡ công trình của 5 hộ dân ở khu đất trên trước ngày 15.8.2013.

    Chúng tôi mong muốn có được cuộc làm việc trực tiếp chính thức giữa các cơ quan chức năng liên quan có thẩm quyền đến vụ việc dưới sự chủ trì của UBND TP Hà Nội để mọi việc được rõ ràng minh bạch bởi tất cả những gì người dân chúng tôi thực hiện là minh bạch hợp pháp – các hộ dân nêu ý kiến.

    Rõ ràng quy trình cấp GCNQSCDĐ là có sai phạm, trách nhiệm của từng cán bộ liên quan cũng đã được chỉ rõ. Ngày 15/8, công trình xây dựng có thể bị phá dỡ, đất có thể bị thu hồi, tường vây có thể được dựng lên nhưng những kiến nghị, thắc mắc của người dân thì vẫn còn treo lơ lửng.

    Ông Đào Trung Chính - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - Môi trường) - khẳng định việc sửa đổi Luật đất đai kỳ này sẽ tập trung chấn chỉnh tình trạng tùy tiện thu hồi đất, giải quyết thỏa đáng lợi ích của người dân có đất bị thu hồi.

    Ông Chính cho biết: Ở góc độ người dân, nội dung góp ý tập trung nhất là đề nghị dự thảo luật phải quy định rõ trường hợp nào Nhà nước thu hồi đất, trường hợp nào các nhà đầu tư được thỏa thuận với người sử dụng đất. Nhiều ý kiến của các nhà khoa học và người dân cũng nêu phải thu hẹp phạm vi Nhà nước thu hồi đất vào mục đích phát triển kinh tế.

    Đặc biệt là luật sửa đổi phải giải quyết được thỏa đáng quyền lợi của người dân sử dụng đất, khắc phục những bất cập trong quy định giá đất khi bồi thường, đảm bảo tính khả thi của dự án, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của cả người sử dụng đất và chủ đầu tư.
    Theo Tuổi trẻ
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê