• Sẽ tạm dừng một số dự án nhà ở chậm tiến độ

    Đây là kiến nghị mới nhất của Bộ Xây dựng trước thực trạng tồn kho BĐS trên cả nước tuy có giảm, nhưng vẫn còn rất lớn. Theo đó, bộ này đề xuất sẽ tạm dừng, không triển khai tiếp các dự án phát triển nhà ở, dự án KĐT chưa giải phóng hoặc GPMB dở dang, đạt dưới 30% diện tích tại tất cả các địa phương trên cả nước.
    Dự án Nam An Khánh của Sudico cũng là một trong những dự án chậm tiến độ.

    Vẫn tồn kho hơn 100.000 tỉ đồng

    Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS ngày 9.8, trên cơ sở số liệu tổng hợp từ 56/63 tỉnh, thành, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, tổng giá trị tồn kho BĐS đã giảm 15,4% so với quý I/2013, song vẫn còn ở mức 108.773 tỉ đồng. Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư là 27.805 căn, tương đương 41.542 tỉ đồng, chiếm 38,19%; Tồn kho nhà thấp tầng là 15.007 căn, tương đương 27.445 tỉ đồng, chiếm 25,23%; tồn kho đất nền nhà ở 9.937.385m2, tương đương 33.951 tỉ đồng; đất nền thương mại khác 2.016.915m2, tương đương 5.835 tỉ đồng.

    Riêng tại khu vực Hà Nội, tính đến hết tháng 6.2013, tổng tồn kho là 9.651 căn hộ/nhà ở, tương đương 17.060 tỉ đồng. Trong đó tồn kho căn hộ chung cư 2.306 căn với giá trị gần 3.700 tỉ đồng; tồn kho nhà thấp tầng là 3.483 căn, tương đương 10.127 tỉ đồng, chiếm 59,4%; tồn kho căn hộ chung cư thương mại do doanh nghiệp đầu tư để bán cho cán bộ, công nhân viên chức của thành phố là 3.862 căn, tương đương 3.244 tỉ đồng.

    Bộ Xây dựng thừa nhận, nếu so sánh với lượng tồn kho của tháng 6.2013 nêu trên với quý I/2013 thì không tăng, nhưng so với lượng tồn kho tháng 12.2012 thì trên địa bàn Hà Nội có tăng 3.862 căn, do mới có báo cáo bổ sung.

    Đối với tình hình tồn kho BĐS trên địa bàn TPHCM, tính đến hết tháng 6.2013, tổng giá trị tồn kho khoảng 26.698 tỉ đồng. Trong đó tồn kho căn hộ chung cư là 12.613 căn, tương đương 22.414 tỉ đồng; tồn kho nhà thấp tầng 326 căn, tương đương 2.440 tỉ đồng; tồn kho đất nền nhà ở 265.753m2 với giá trị 1.407 tỉ đồng, tồn kho đất nền thương mại, văn phòng 437 tỉ đồng. So với Hà Nội, tại TPHCM, lượng căn hộ tồn kho đã giảm 1.877 căn so với thời điểm tháng 12.2012.

    Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, do còn nhiều địa phương chưa báo cáo, cập nhật tình hình nên số liệu tổng hợp về tồn kho cả nước như trên là chưa đầy đủ và chính xác. Một số địa phương số liệu hàng tồn kho tăng như Cần Thơ, Đắc Lắc...

    Sẽ tạm dừng một số dự án

    Theo lý giải của người đứng đầu ngành xây dựng, đây là cách được xem là hiệu quả nhất thời điểm này để giải phóng lượng hàng tồn kho nêu trên. Cụ thể, trừ các địa phương có ít dự án, trong khi vẫn có nhu cầu cấp bách về nhà ở thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ để cho phép tiếp tục triển khai, còn thì các dự án GPMB dở dang đạt trên 30% và dưới 70% diện tích thì giao cho địa phương rà soát, đề xuất phương án hợp lý để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

    Đối với các dự án đã GPMB trên 70% đang thi công xây dựng, cho phép cơ cấu lại dự án theo hướng tăng căn hộ diện tích nhỏ dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

    Bộ cũng đề xuất cho phép một số dự án chuyển công năng từ nhà ở sang nhà dịch vụ, văn phòng, TTTM mà thị trường có nhu cầu. Lựa chọn một số trong các dự án này để chuyển sang làm nhà ở xã hội (NOXH) phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân lao động KCN.

    Các dự án đã GPMB nhưng không phù hợp với nhu cầu và kế hoạch phát triển của địa phương thì yêu cầu chính quyền địa phương tạm thời điều chỉnh mục đích sử dụng đất có thời hạn và cho phép chủ đầu tư tổ chức khai thác kinh doanh tạm thời, không để đất trống và chỉ đầu tư tiếp khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

    Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo các cơ quan chức năng rút ngắn thời gian xem xét thẩm định, để cho phép các chủ đầu tư dự án có nhu cầu điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi dự án nhà ở thương mại (NOTM) sang NOXH nhằm tăng nhanh nguồn cung NOXH, NOTM có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 để đáp ứng nhu cầu của người dân và điều kiện vay vốn từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ. Chỉ đạo chính quyền địa phương triển khai việc xác nhận tình trạng nhà ở cho các đối tượng có nhu cầu mua, thuê nhà ở.

    Trong giai đoạn trước mắt, cho phép tập trung ưu tiên vay vốn đối với các chủ đầu tư dự án NOXH, dự án chuyển đổi công năng từ NOTM sang NOXH để đẩy mạnh tiến độ triển khai dự án, nhằm tạo ra sản phẩm NOXH để người dân lựa chọn.

    Điểm mặt một số dự án chậm tiến độ

    TP.Hà Nội vừa công bố kết quả rà soát, kiểm tra đợt 1 đối với 15 dự án KĐT, khu nhà ở đang triển khai trên địa bàn. Các dự án chậm tiến độ bị diểm mặt là: Dự án KĐT mới Mai Trai (thị xã Sơn Tây) của TCty Đầu tư phát triển nhà và đô thị; Dự án Khu nhà ở Sơn Lộc (thị xã Sơn Tây) của CTCP Puzolan Sơn Tây; Dự án Khu nhà ở Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây) của CTCP Vinaconex 21; Dự án KĐT Đại Kim, Định Công (quận Hoàng Mai) của CTCP kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội... Đây hầu hết là các dự án nhà ở đều bị chậm tiến độ nhiều năm; thiếu các cơ sở hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ cho đời sống của người dân KĐT.
    Theo Lao động
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê