Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn bất động sản SohoVietnam cho biết: Bất động sản là một ngành kinh doanh lớn, trên thị trường luôn có sẵn nhiều người bán, nhiều người mua.
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn bất động sản SohoVietnam (người ngồi giữa)
Hiện có không ít nhà đầu tư cá nhân, hoặc doanh nghiệp có lượng tiền mặt dồi dào, ngành kinh doanh cốt lõi tạo ra dòng tiền ổn định đang xem xét cơ hội mua vào dự án làm trụ sở làm việc hoặc đầu tư dài hạn. Trong đó, có các nhà đầu tư Hà Nội đã thu được nhiều lợi nhuận trong 2 - 3 năm qua và nay là thời điểm để họ xem xét mua vào. Một số nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông, khu vực Trung Đông cũng đang là những khách mua tiềm năng trên thị trường BĐS Việt Nam.
Thời điểm hiện nay và trong khoảng 6 - 8 tháng tới được dự báo sẽ diễn ra nhiều giao dịch chuyển nhượng dự án bất động sản. Kinh nghiệm cho thấy, nhà đầu tư chỉ có thể mua được dự án với giá hợp lý nhất, khi họ mang tới một giải pháp giúp bên bán vượt qua khó khăn hiện tại. Còn việc tạo sức ép quá đối với bên bán sẽ khó đưa hai bên tới sự thống nhất.
Tuy nhiên, khi mua - bán, chuyển nhượng dự án, nhà đầu tư cần lưu ý rằng, dự án bất động sản là một loại hàng hóa khá đặc biệt về giá trị giao dịch và sự phức tạp của vấn đề pháp lý và giao dịch. Đằng sau các dự án là các thủ tục hồ sơ pháp lý phức tạp, đòi hỏi nhà tư vấn phải hiểu rõ quy trình triển khai dự án để có thể tư vấn cho chủ đầu tư. Và chỉ khi nào kỳ vọng của người mua và người bán gặp nhau, thì giao dịch chuyển nhượng dự án bất động sản mới có thể thành công.
Ví dụ, khi SohoVietnam tư vấn chuyển nhượng Dự án Hoà Bình Tower tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, chủ đầu tư trước đây (Công ty Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hoà Bình) muốn bán với giá 18 triệu USD, nhưng người mua chỉ chấp nhận mua với giá dưới 12 triệu USD. Mức giá chấp nhận mua thấp hơn rất nhiều so với với mức giá kỳ vọng, thậm chí còn thấp hơn cả chi phí mà Hoà Bình đã bỏ ra mua dự án. Nhưng cuối cùng, công ty này cũng phải chấp nhận lỗ để chuyển nhượng thành công dự án này. Đổi lại, Hoà Bình có thêm một nguồn tài chính đáng kể để trả nợ ngân hàng cũng như tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là xây lắp.
Theo KTĐT