• Rộng cửa cho vay bất động sản: Hãy đợi đấy!

    Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 2 lần “nới tay” cho thị trường bất động sản (BĐS), lần thứ nhất vào cuối năm 2011 và lần gần đây nhất ở trung tuần tháng 4.
    Để tháo gỡ cho BĐS, đa số các khoản vay BĐS đã được loại khỏi danh mục hạn chế cho vay. Tuy nhiên, những khó khăn thực tế cho thấy, mong muốn “giải cứu” thị trường này khó thành hiện thực.

    Dè dặt hỗ trợ

    Cụ thể, Ngân hàng (NH) Đầu tư phát triển BIDV vào cuối tháng 4 vừa qua đã triển khai gói hỗ trợ liên kết bốn nhà: ngân hàng, chủ dự án, nhà thầu và nhà cung cấp vật liệu xây dựng. Theo đó, BIDV sẽ giữ vai trò cung cấp tín dụng, bảo lãnh thanh toán… nhằm đảm bảo cho sự thanh toán giữa chủ đầu tư và nhà thầu, giữa nhà thầu và nhà cung cấp vật liệu được thông suốt để dự án hoàn thành và bán được sản phẩm. Tuy nhiên, gói hỗ trợ này trước mắt chỉ tập trung ở hai thị trường lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

    Xem mô hình tại dự án V - Citilight (phường Hố Nai, TP. Biên Hòa).


    Tương tự, NH Đông Nam Á (SeABank) cũng thông báo dành nguồn vốn 2 ngàn tỷ đồng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu và các khách hàng cá nhân vay mua, xây sửa chữa nhà. Trong khi đó, NH An Bình (ABbank) cũng đang đẩy mạnh triển khai chương trình “Mua nhà an cư dành cho các khách hàng có nhu cầu vay mua nhà, đất, xây và sửa chữa nhà”. ABbank sẽ dành một khoản vốn lên đến gần 1 ngàn tỷ đồng cho chương trình này.

    Ngoài ra, NH Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) cũng triển khai chương trình “Ưu đãi lãi suất cho vay” đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn để bổ sung vốn lưu động, kinh doanh trung - dài hạn, sản xuất - kinh doanh trả góp, mua nhà ở, xây sửa nhà, mua xe ô tô hoặc vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm… được cấp vốn với thời hạn vay tối đa 60 tháng, số tiền vay tối đa lên đến 5 tỷ đồng.

    Không quá khó hiểu tại sao nhiều NH nhanh chóng ra mắt các gói hỗ trợ BĐS, bởi dù muốn dù không, các khoản vay này vẫn đang chiếm tỷ lệ khá lớn ở nhiều NH và dễ dàng trở thành nợ xấu nếu thị trường đi xuống đến mức khó cứu vãn. Tuy nhiên, bên cạnh một số NH công bố các gói hỗ trợ, nhiều NH khác thẳng thắn cho biết họ vẫn không mặn mà cho vay BĐS. “Với tình hình kinh tế khó khăn hiện tại, chúng tôi phải tập trung vốn cho sản xuất - xuất khẩu nên vẫn chưa thể nới tay với BĐS. Mặt khác, phải thừa nhận, tìm khách hàng tốt để cho vay đối với BĐS hiện tại là rất khó” - ông Võ Đức Thiện, Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Đồng Nai nhận xét.

    Phải tự xoay xở

    Đến thời điểm này, theo nhiều doanh nghiệp “dày dạn” trong ngành BĐS tại Đồng Nai thì doanh nghiệp (DN) BĐS vẫn rất khó để tiếp cận các nguồn vốn vay từ phía NH. Giám đốc kinh doanh một DN BĐS lớn hiện đang thực hiện một dự án chung cư cao cấp tại TP. Biên Hòa cho rằng, khó mà trông cậy vào vốn NH dù nhiều NH có đưa ra lời chào mời hấp dẫn. Mặc dù đối với những dự án đang thực hiện mà thiếu vốn, thì NH tiếp vốn cho chủ đầu tư sẽ có tác động nhanh hơn đến thị trường. Song thực tế cho thấy, với lý do giữ an toàn, phía NH vẫn không dễ dàng chấp nhận cấp vốn mà vẫn siết chặt bằng nhiều rào cản kỹ thuật, như: đòi hỏi vốn đối ứng thật lớn, lãi suất vay cao…

    Mặt khác, sự đóng băng lâu dài của thị trường BĐS cho thấy nếu có tiếp cận được các gói vốn mang tính “giải cứu” thì khả năng DN chỉ vay để đảo nợ là rất cao, bởi chẳng có mấy DN “dũng cảm” vay đầu tư dự án mới trong tình hình thị trường giảm sút như hiện tại. Bên cạnh đó, ngoài 2 mối lo thường trực khác là thiếu vốn và lãi suất cao thì điều mà nhiều DN BĐS lo lắng nhất là sản phẩm không bán được.

    Giám đốc một DN BĐS đang thực hiện một dự án nhà liên kế ở Nhơn Trạch cho biết, lo ngại lớn nhất của DN là khâu bán hàng. Dự án nhà liên kế này hiện đã xong phần hạ tầng, “ngốn” của DN hơn 100 tỷ đồng và DN vẫn đang phải gõ cửa NH xin vay vốn. Nhưng khó khăn về vốn đầu tư cũng chưa bằng quan ngại rằng dự án sẽ “ế” vì khi rao bán, sức mua thị trường quá kém. “Chúng tôi phải thay đổi thiết kế, “cắt” từ 1 trệt 3 lầu xuống còn 1 trệt 1 lầu mỗi căn nhà để hạ giá và thu hút khách, nhưng cũng chưa thấy tín hiệu nào khả quan từ phía người mua” - vị giám đốc này nói.

    Tương tự, dự án nhà ở thu nhập thấp của Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị Sơn An 7-8 tháng nay cũng chưa bán thêm được căn nào dù chủ đầu tư đã xoay xở bằng nhiều cách, như: hỗ trợ lãi suất, phân kỳ thanh toán hợp lý hơn…

    Theo Báo Đồng Nai
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê