• Quyết tâm gỡ khó để triển khai các dự án trọng điểm

    Một số công trình trọng điểm của Hà Nội đang bị chậm triển khai hoặc khó triển khai, triển khai kéo dài do vướng mắc khâu GPMB; hoặc phát sinh nguồn vốn, thủ tục phức tạp… gây nhiều hệ lụy.
    Để giải quyết vấn đề này, sáng nay (22/11), Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì cuộc họp giao ban bàn việc thúc đẩy tiến độ các dự án, cụm công trình trọng điểm của TP giai đoạn 2011-2015, nhằm đánh giá lại những dự án chậm triển khai để có giải pháp giải quyết thích hợp.

    Còn 41 dự án chậm tiến độ

    Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2012, 37 dự án, cụm công trình trọng điểm (trong tổng số 55 công trình) được phê duyệt vốn triển khai là 2.531 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân đạt 2.295 tỷ đồng, đạt 99,5% kế hoạch. Về tiến độ triển khai, đã có 2 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng là cầu vượt tại nút giao Thái Hà - Chùa Bộc và Thái Hà - Láng Hạ; 12 dự án triển khai đúng tiến độ như dự án xây dựng cầu vượt nhẹ tại nút giao Nguyễn Chí Thanh - đường Láng, Lê Văn Lương - đường Láng, đường Nam Hồng trên tuyến Mai Dịch - Nội Bài, xây dựng nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn… còn lại 41 dự án chậm tiến độ theo yêu cầu.


    Cầu vượt nhẹ đường Lê Văn Lương - Láng.
    Trong số 41 dự án chậm tiến độ, có 31 dự án chậm trong công tác chuẩn bị đầu tư (khối nông nghiệp có 3 dự án, khối đô thị 13 dự án, ODA 2 dự án, văn xã 10 dự án, 3 dự án khối CNTT và dự án khác); 1 dự án khối nông nghiệp chậm trong công tác chuẩn bị thực hiện; 9 dự án chậm thực hiện đầu tư. Một số dự án đến nay chưa xác định được địa điểm đầu tư như 2 cơ sở hỏa táng ở phía Bắc và Nam Thành phố; một số dự án gặp khó khăn trong công tác GPMB như dự án nghĩa trang Minh Phú (Sóc Sơn) và nghĩa trang Thanh Tước (Mê Linh), đường vành đai 1 đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, dự án sông Tích… một số dự án thời gian thi công kéo dài dẫn đến điều chỉnh thiết kế và đơn giá như dự án đường 5 kéo dài (dự kiến điều chỉnh tăng trên 3000 tỷ đồng), dự án đường vành đai 1 và 2…

    Phát biểu cụ thể về những khó khăn của các dự án, tại cuộc họp, ý kiến từ Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Sở có 5 công trình khó thực hiện, trong đó có 3 công trình đang chuẩn bị đầu tư. Ví như, dự án Nhà hát Thăng Long, dự kiến vốn lên đến 4.500 tỷ đồng, triển khai theo hình thức BT. Bên cạnh đó, tiền tư vấn công trình cũng vào khoảng 375 tỷ đồng. Đây là dự án rất lớn, dự kiến xây dựng 2014 - 2017, khó khả thi vì thời gian gấp, khó thu xếp nguồn vốn. Sở Xây dựng kiến nghị phát hành trái phiếu triển khai dự án thay vì hình thức BT. Hay như dự án bệnh viện 1000 gường ở Mê Linh 3.300 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức BT. Dự án này thuộc nhóm A phải xin ý kiến các bộ nên mất thời gian. Dự án này cũng đang thiếu vị trí đất đối ứng theo hình thức BT…

    Bên cạnh đó, ý kiến từ Sở Giao thông Vận tải cũng cho biết: Dự án vành đai I Voi Phục - Hoàng Cầu, Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa hiện còn nhiều vướng mắc. Dự án vành đai 2 chậm tiến độ. 3 dự án BT đường 70 chậm tiến độ, do có dự án đưa vào BT nhưng chưa có nhà đầu tư, đất đối ứng... Sở Giao thông Vận tải kiến nghị Sở Kế hoạch Đầu tư cần cân nhắc hình thức BT vì thị trường bất động sản đang trầm lắng, không thu hút được nhà đầu tư.

    Phản ánh những vướng mắc nổi cộm nhất trong khâu GPMB, ông Trương Quang Thiều - Trưởng Ban chỉ đạo GPMB TP cho biết: Chính sách của TP gỡ về GPMB đã mở tối đa, tập trung quyết liệt, tháo gỡ ngay khi có phát sinh. Hiện nay chậm là do tổ chức thực hiện ở các Ban quản lý dự án, quận, huyện, xã. Trình tự xây dựng cơ bản của 17 công trình trọng điểm hiện chưa xong… Đề nghị các đơn vị lưu ý về trình tự thủ tục như chủ trương đầu tư, xác định vị trí, lập quy hoạch phải hoàn tất để làm cơ sở GPMB. Khâu tổ chức thực hiện cần đẩy nhanh ở các Ban quản lý dự án, chủ đầu tư. Có một số quận, huyện có khối lượng GPMB lớn như: Sóc Sơn, Ba Vì, Đống Đa, Hoàng Mai, Tây Hồ… phải tăng cường cán bộ thẩm định nguồn gốc hồ sơ đất đai.

    Tiếp theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cũng khẳng định: Sang 2013 phải có giải pháp tổng thể về GPMB, tăng thêm thuận lợi, giảm bớt khó khăn. Cần đề xuất Bộ TNMT đưa ra các căn cứ pháp lý đền bù GPMB các công trình ngầm. Hiện có câu chuyện mắc giữa chính quyền, chủ đầu tư và trung tâm phát triển quỹ đất; xuất hiện tình trạng ngại cưỡng chế…

    “Bắt mạch” các nguyên nhân

    Theo phân tích của Sở Kế hoạch Đầu tiên: Nguyên nhân chính của các dự án chậm tiến độ là do gặp khó khăn trong công tác GPMB, bởi đây là các dự án có khối lượng đền bù, GPMB và tái định cư rất lớn, trong khi chế độ, chính sách đền bù vẫn còn nhiều bất cập, giá đền bù chưa đáp ứng sát giá thị trường. Hơn nữa, chất lượng nhà tái định cư chưa đảm bảo, việc phân bổ địa điểm tái định cư chưa hợp lý; một bộ phận nhân dân còn chưa đồng thuận, gây khó khăn cho việc triển khai các dự án.

    Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quyết liệt cho công tác GPMB cũng như chưa phối hợp tốt với các chủ đầu tư; cơ chế duyệt các dự án theo hình thức BT còn nhiều bất cập, theo qui định các dự án BT phải duyệt cùng với đề xuất dự án đối ứng và phải có qui hoạch 1/2000, trong khi các qui hoạch phân khu của TP còn chưa được phê duyệt, tình hình bất động sản trầm lắng, nhiều chủ đầu tư xin chuyển hình thức sang BOT hoặc xin thanh toán bằng tiền, vì vậy thủ tục triển khai các dự án mất nhiều thời gian.

    Theo đó, với các dự án không GPMB hoặc GPMB dở dang, thời gian thi công sẽ kéo dài, dẫn đến tăng mức vốn đầu tư, ảnh hưởng đến công tác cân đối nguồn lực của TP. Để triển khai các công trình, dự án trọng điểm đảm bảo đúng tiến độ, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị lãnh đạo TP thường xuyên quan tâm, giao ban định kỳ để tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vấn đề phát sinh, nhất là với 2 dự án sử dụng vốn vay ODA. Đề nghị các chủ đầu tư tập trung cao độ cho công tác đền bù GPMB.

    Đối với việc thẩm định các dự án BT, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị TP cho phép thẩm định và phê duyệt dự án trước, còn dự án đất đối ứng sẽ phê duyệt sau khi có qui hoạch chi tiết 1/2000; với các dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát kỹ các nội dung, hạng mục điều chỉnh, xem xét việc cắt giảm các hạng mục chưa thực sự cần thiết, tính toán chi phí tiết kiệm, hợp lý nhất. Sở cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương phối hợp, xác định địa điểm xây dựng các công trình trọng điểm trên địa bàn, đặc biệt quan tâm công tác GPMB cho các dự án trọng điểm, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các địa phương.

    Tập trung gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án

    Đánh giá lại tình hình triển khai các dự án và đưa ra các giải pháp sắp tới, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhận định: việc triển khai thi công các công trình trọng điểm còn rất nhiều khó khăn, chậm so với tiến độ đề ra. Như 9 công trình khối nông nghiệp, 1 công trình ODA đường sắt, các dự án đô thị như đường vành đai I, vành đai II...

    Theo Chủ tịch, nguyên nhân chính của việc chậm triển khai là do vốn. Tổng nhu cầu của các dự án trọng điểm lên đến 164.000 tỷ đồng, năm 2012 mới bố trí được 2.000 tỷ đồng, chưa được 2%. Các dự án môi trường rác thải, nghĩa trang, hỏa táng triển khai rất phức tạp, vất vả. Quy trình, thủ tục trong quá trình chuẩn bị xây dựng còn nhiều, dẫn đến chậm thực hiện. Ví như, thủ tục đấu thầu phải yêu cầu có một thời gian nhất định. Trách nhiệm của các Ban quản lý - chủ đầu tư còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân nữa là các cấp, các ngành chưa thực sự quyết liệt giải quyết các khó khăn. Ví như địa điểm 2 nhà hỏa táng, mất nhiều thời gian xem xét nhưng vẫn chưa xong.

    Trong thời gian tới, Chủ tịch chỉ đạo các cấp các ngành cần năng động sáng tạo hơn quyết tâm hoàn thành các công trình trọng điểm theo kế hoạch thành phố đã đề ra. TP sẽ tập trung vốn để hoàn thành 18 công trình đang triển khai. Trong năm 2013 sẽ khởi công các công trình dân sinh bức xúc như: vành đai I, vành đai II, các cầu vượt, các cơ sở hỏa táng (Thanh Tước, Yên Kỳ…), các công trình xử lý rác thải (Nam Sơn), công trình xử lý nước thải (Phú Đô, tả ngạn sông Nhuệ…) và một số hồ nước bị ô nhiễm.

    Giải pháp trong năm 2013 của TP là cố gắng có mức giải ngân như năm 2012 dù dự báo thu ngân sách khó khăn. Với các nguồn khác, cố gắng cân đối theo tiến độ yêu cầu như phát hành trái phiếu (TP có thể tự chủ phát hành). Về GPMB, vướng mắc chính là hệ số giá trị sử dụng đất bồi thường. Nhân dân luôn đòi hỏi cao hơn, sát với giá thị trường. Chủ tịch giao Sở Tài chính, Sở TNMT, Sở quy hoạch xác định từng khu vực đưa hệ số bồi thường, trình Hội đồng nhân dân thông qua. Với những trường hợp không đủ hồ sơ bồi thường phải đưa vào đặc thù giải quyết ngay. Tiếp theo đó là chuẩn bị quỹ nhà tái định cư tốt; Tốt nhất là tái định cư tại chỗ, đổi mới cơ chế nhà tái định cư (luật cho phép giao đất ở có thu tiền); Đẩy nhanh quỹ nhà tái định cư.

    Mặt khác, Chủ tịch yêu cầu các quy trình thủ tục để triển khai dự án phải đơn giản hóa, tránh việc “sở nọ hành sở kia”. Trong thời gian tới, cần rà soát lại năng lực các chủ đầu tư, cần thiết sẽ rút các ngành không có năng lực, không có chuyên môn. UBND TP sẽ giao ban hàng tháng để chỉ đạo thường xuyên và sát sao các dự án.

    Theo Hà Nội Mới
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê