• Quản lý chất lượng chung cư còn “bỏ ngỏ”

    Vấn đề các khu chung cư đang bị xuống cấp nghiêm trọng không phải là vấn đề mới hiện nay, nhưng do sự thiếu chuyên nghiệp của nhiều chủ đầu tư trong khâu quản lý và sự xuống cấp của tòa nhà đã khiến cho người dân thất vọng vào các dự án này.

    Hầu hết các khu chung cư cũ đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

    Trên 90% chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp

    Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, có trên 90% lô chung cư được đánh giá hư hỏng, xuống cấp; trong đó có gần 25% lô chung cư ở tình trạng hư hỏng, nguy hiểm. Riêng Hà Nội có 85 chung cư cũ, hiện đã hư hỏng, xuống cấp cần kiểm định đánh giá chất lượng hiện trạng. Nhiều chung cư bị lún trên 1,2m; nghiêng trên 1% do xây dựng trên các khu vực ao hồ cũ hoặc trên nền đất yếu. Khả năng chịu lực bị suy giảm, nứt kết cấu, các mối nối của nhà lắp ghép bị han gỉ, ăn mòn nghiêm trọng.

    Không chỉ xảy ra ở các chung cư cũ, việc một số dự án nhà ở rất khang trang, hiện đại có dấu hiệu xuống cấp sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã thực sự khiến nhiều người dân bức xúc về độ an toàn của nó. Công tác quản lý, giám sát chất lượng nhà ở chỉ dừng lại ở mức nghiệm thu, kiểm tra khu nhà ở khi mới hoàn thiện chỉ như “xây nhà từ nóc”. Vụ việc cháy chung cư gây chết người trên đường Lê Văn Lương hay vụ rơi thang máy kinh hoàng làm một người chết tại dự án CT3 Yên Hòa mới đây đã minh chứng cho điều đó.

    Anh Hoài Nam, một cư dân sống tại Khu đô thị Nam Trung Yên cho biết, “toàn bộ hệ thống xung quanh tòa nhà hầu như bị lún ở chân móng, nhiều bờ tường thì bở hết ra. Có những chỗ xây dựng hoặc sửa chữa thì không được quây lại gây bụi bặm. Thang máy nhiều khi hỏng hóc phải đi bộ. Rồi thì không đủ chỗ gửi xe nên người dân cứ bạ đâu để đấy, lấn chiếm cả vỉa hè...”

    Chưa được quan tâm đúng mức

    Những sự việc trên có lẽ chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm về thực trạng chất lượng chung cư vốn nằm trong sự quản lý lỏng lẻo của cơ chế quản lý chất lượng công trình hiện nay. Sự bùng nổ chung cư đã dẫn tới hệ quả công tác quản lý chất lượng chung cư khá khó khăn đối với các nhà chức trách.



    Một khu tái định cư tại Hà Nội vừa đưa vào sử dụng một thời gian đã xuống cấp nghiêm trọng.

    Mặt khác, việc chạy đua theo lợi nhuận đã khiến các doanh nghiệp BĐS ít chú ý và quan tâm đến chất lượng công trình. Trong khi giá nguyên vật liệu và các chi phí khác đều tăng, các chủ đầu tư buộc phải tính toán đến lợi nhuận, trong đó cắt giảm nguyên vật liệu và thời gian thi công là “phương án” được lựa chọn hàng đầu đã dẫn đến chất lượng các công trình khi đưa vào sử dụng gặp nhiều sự cố.

    Theo đánh giá của GS Đặng Hùng Võ, tình trạng kém chất lượng trong xây dựng ở Việt Nam hiện nay còn khá phổ biến và có thể thấy xuất hiện ở tất cả các dự án hoặc các công trình nhà ở mà không có sự giám sát chặt chẽ. Vấn đề chất lượng nhà ở đối với các chủ đầu tư lẫn các nhà quản lý đều chưa được quan tâm đúng mức.

    Ngoài ra, do không được bảo trì, sửa chữa định kỳ, nhiều công trình xuống cấp nhanh hơn, không đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu cho người dân. Việc thiếu lối thoát hiểm và sự xuống cấp của hệ thống phòng cháy chữa cháy dẫn đến chung cư không đảm bảo an toàn. Công trình tiềm ẩn nguy cơ sập đổ, đặc biệt là khi xảy ra động đất cường độ lớn hoặc chịu các yếu tố ảnh hưởng khác như thi công các công trình liền kề có hố đào sâu...

    Lúc xây dựng thì tình trạng kém chất lượng luôn luôn xảy ra, cùng với đó là việc họ không biết người ở tương lai sẽ là ai nên quyền lợi sát sườn, nhất là chất lượng nhà ở không được đầu tư quan tâm. Như vậy, khiếm khuyết trong quản lý nhà ở mà chúng ta phải tìm cách nâng cao chất lượng kể cả khi chưa biết chủ nhân tương lai sẽ ở là ai thì phải có hoặc chỉ ra được một cơ chế thích hợp để giám sát về chất lượng thì lúc đó mới có khả năng nâng cao chất lượng.

    Không người dân nào muốn sinh sống trong một ngôi nhà thiếu an toàn. Bởi lẽ, an toàn vừa là điều kiện tối thiểu vừa là tiêu chí trong nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhìn vào những sự kiện liên quan đến chất lượng chung cư, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải sớm tìm ra những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, đưa ra các giải pháp đi vào chiều sâu và gốc rễ vấn đề.

    Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần hiểu rõ rằng, người tiêu dùng chính là đối tượng quyết định sống còn của doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc tự ý thức trong xây dựng và quản lý chất lượng công trình là yếu tố then chốt trong sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và tạo niềm tin cho người tiêu dùng nói chung. Một công trình đạt tiêu chuẩn chất lượng đồng nghĩa với sự tồn tại và uy tín của chính doanh nghiệp đó. Chính vì vậy, tìm kiếm giải pháp nâng cao quản lý đảm bảo chất lượng công trình là cách mà tự doanh nghiệp cần phải xây dựng.

    Theo Tầm nhìn
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê