• Phá băng thị trường BĐS: Sẽ “xé nhỏ” những dự án tiền tỷ

    Trong buổi đối thoại với các doanh nghiệp bất động sản, chiều qua (25-10), tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đưa ra một số đề xuất mang tính đột phá nhằm phá băng thị trường BĐS. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh vào chủ trương cho chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.

    Những căn biệt thự tiền tỷ ở Hà Nội bỏ hoang vì không có người mua
    Chiều qua (25-10), tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì buổi đối thoại với gần 100 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) Hà Nội, đại diện Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.

    Nhà ở thương mại sẽ chuyển thành nhà ở xã hội

    Không thể phủ nhận sự phát triển của thị trường BĐS trong một thời gian đã thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển một cách tự phát, quá nóng, quá nhanh, phát triển thiếu qui hoạch đã dẫn đến tình trạng thị trường này đóng băng như hiện nay. BĐS khó khăn kéo theo hàng loạt các lĩnh vực khác như tài chính, tiền tệ, vật liệu xây dựng… cũng lao đao.

    Nguyên nhân đã được chỉ ra rõ và cũng đã được báo giới nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đó là do tình trạng đầu cơ của một bộ phận doanh nghiệp (DN), chỉ nhăm nhe đầu tư vào những dự án cao cấp với mong muốn có được những khoản lãi kếch xù, còn phân khúc nhà ở bình dân hầu như không được "ngó ngàng” tới. Hệ lụy của nó là hàng ngàn dự án nhà ở cao cấp, biệt thự tiền tỷ xây lên giờ đắp chiếu. Hiện, chỉ tính riêng địa bàn Hà Nội, có tới 40.000 căn hộ bị tồn kho.

    Trong buổi đối thoại với các DN BĐS, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đưa ra một số đề xuất mang tính đột phá nhằm phá băng thị trường BĐS. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh vào chủ trương cho chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ các dự án đã được phê duyệt trên địa bàn TP. Hà Nội, cân đối với lộ trình phát triển kinh tế, xã hội, dân số của từng địa phương. Sau đó, cơ quan này sẽ quyết định cho điều chỉnh công năng thành nhà ở xã hội của một số dự án để tránh lãng phí. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định: Với tình hình khó khăn hiện nay, các DN đang phải sống dở chết dở vì xây nhà không bán được. Trong khi đó, người có nhu cầu mua nhà vẫn rất lớn, nhưng họ không đủ tiền để mua một căn hộ thương mại diện tích lớn. Vậy tại sao chúng ta không thực hiện chuyển đổi mục đích xây dựng của các DN BĐS để đưa ra những dự án hợp lý với những phân khúc nhà ở bình dân, thực sự mang lại lợi ích cho người tiêu dùng? "Thực hiện tốt chủ trương này, kể cả những người dân không mua nhà thì cũng được lợi vì nền kinh tế được tháo gỡ. Còn đối với những người dân có nhu cầu mua nhà sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Họ có cơ hội để sở hữu nhà hợp với túi tiền của mình”. Theo Bộ trưởng, chủ trương này của Bộ Xây dựng nếu thực hiện được sẽ đạt được 3 mục tiêu trọng yếu sau đây: Thứ nhất, tháo gỡ hàng tồn kho cho DN; thứ hai, sẽ tạo cơ hội mua nhà cho đối tượng có thu nhập thấp, những người kinh tế khó khăn ở thành thị. Và cuối cùng, bản thân thị trường BĐS sẽ được tháo gỡ những khó khăn đã và đang gặp phải gây ỳ trệ sự phát triển của thị trường này.

    Cần một cơ chế chính sách linh hoạt

    Hầu hết các DN, lãnh đạo TP. Hà Nội khi nghe chủ trương của Bộ Xây dựng đều tỏ ra rất đồng tình. Bởi theo họ, nếu thực tế diễn ra theo đúng dự kiến của Bộ Xây dựng, thì bản thân các DN sẽ ít nhiều được cởi bỏ mối lo hàng tồn kho. Thị trường BĐS do đó sẽ không còn "bất động”. Nhiều DN tham gia buổi đối thoại đều khẳng định, chủ trương "xé nhỏ” căn hộ lớn rất phù hợp với nhu cầu và túi tiền của người dân.

    Đồng tình với chủ trương của Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP. Hà Nội cũng khẳng định, đây sẽ là một trong những giải pháp để giúp thị trường BĐS hồi phục. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc lâu nay chủ yếu vẫn là cơ chế chính sách. Làm sao để khi đưa vào thực tiễn hành động, các cơ chế, chính sách phải thuận tiện, linh hoạt hơn thì mới tạo sự yên tâm, thoải mái cho DN, và như vậy các chủ trương sẽ được giải quyết sớm hơn, nhanh chóng hơn. Ông Nguyễn Ngọc Thành - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng cũng nhận định, chính bởi chưa được phép, nên nhiều dự án của nhà đầu tư phải bỏ không, không dám chuyển đổi mục đích xây dựng.

    Ngoài ra, vấn đề về quản lý giá đất cũng đang là băn khoăn lớn của nhiều nhà đầu tư BĐS. Theo ông Thành, khó khăn tiềm ẩn trước mắt và lâu dài chính là giá thành sản phẩm của BĐS đang cao quá. Nguồn cơn chính là ở mức chi phí đầu vào. Riêng lãi suất ngân hàng đã chiếm tới 50% chi phí giá thành, cộng với chi phí đền bù giải phóng mặt bằng… đã đẩy giá thành BĐS lên cao. "Muốn thị trường này bền vững thì phải giải quyết được vấn đề giá cả này, còn nếu không thì tất cả vẫn chỉ là giải pháp tạm thời, chữa cháy” - ông Thành nhấn mạnh.

    Theo Đại Đoàn Kết
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê