• "Phá băng" thị trường BĐS: “Mũi tên trúng nhiều đích”

    Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định trước Quốc hội việc tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường BĐS là vấn đề cấp bách. Để hồi phục thị trường, trước hết cần phải lấy lại niềm tin xã hội.
    Bộ Xây dựng đối thoại với doanh nghiệp BĐS tìm giải pháp phục hồi thị trường.

    Với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng đã chủ động đề xuất và triển khai hàng loạt giải pháp mang tính đột phá. Những giải pháp này đã được tích cực, quyết liệt triển khai.

    “Mũi tên trúng nhiều đích”

    Trong các buổi làm việc của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng với chính quyền và doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, việc ưu tiên phát triển nhà ở xã hội được xác định là “nút gỡ” khó khăn cho thị trường BĐS.

    Hiện nay, nhu cầu nhà ở xã hội của người thu nhập thấp, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang rất lớn. Do vậy, nếu gắn việc tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở, chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội sẽ cùng lúc giải quyết được nhiều vấn đề.

    Một mặt, giúp cân đối cung cầu trên thị trường, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân thu nhập thấp, mặt khác giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BĐS, dần làm thị trường ấm lên, từ đó giải quyết được nợ xấu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, về lâu dài, phát triển nhà ở xã hội là giải pháp để hạ giá nhà về giá trị thực.

    Với quan điểm xuyên suốt là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội theo các mục tiêu của Chiến lược nhà ở, Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo triển khai các chương trình nhà ở xã hội tại một số địa phương trọng điểm. Bộ Xây dựng đã ký kết chương trình phối hợp triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, với những mục tiêu và giải pháp cụ thể.
    Tiếp đó, Bộ Xây dựng trực tiếp làm việc với lãnh đạo hai TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, các doanh nghiệp BĐS lớn để bàn giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, xác định danh mục dự án nhà ở xã hội cụ thể và giao nhiệm vụ cho các đơn vị này thực hiện.

    Trong khi chờ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chính thức thông qua các đề xuất về tín dụng, Bộ Xây dựng đã chủ động phối hợp với BIDV ký kết thỏa thuận phối hợp triển khai chương trình xây dựng nhà ở xã hội với gói tín dụng trung, dài hạn 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ chủ đầu tư và người mua nhà.

    6 giải pháp cấp bách

    Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ kế hoạch gồm 6 nhóm giải pháp.

    Đầu tiên là nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tăng cường công tác quản lý nhà nước thống nhất từ Trung ương đến địa phương đối với thị trường BĐS, bảo đảm sự phát triển ổn định, minh bạch, theo quy hoạch, cân đối cung - cầu, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

    Cụ thể, mở rộng đối tượng được giải quyết nhà ở xã hội với 8 nhóm; sửa đổi bổ sung quy định về trình tự thủ tục thực hiện dự án nhà xã hội, quy định tiêu chuẩn, quy mô căn hộ, cơ cấu, tỷ lệ nhà xã hội..., làm rõ hơn vai trò và trách nhiệm của địa phương trong phát triển và quản lý nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội.

    Nhóm giải pháp thứ hai, các địa phương phải đẩy nhanh rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, tiến hành phân loại các dự án cần tạm dừng, các dự án được tiếp tục triển khai, điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu, chuyển đổi mục đích cho phù hợp với nhu cầu cũng như khả năng thanh toán của thị trường.

    Thứ ba là nhóm giải pháp về tín dụng và giải quyết nợ xấu, kết hợp giữa tái cơ cấu nợ cũ và cho vay mới để hoàn thành các dự án dở dang đã có đầu ra. Theo đó, các ngân hàng sẽ dành tối thiểu 3% tổng dư nợ tín dụng cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay mua, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng với lãi suất bằng 2/3 lãi suất huy động, thời hạn từ 10-15 năm.

    Nhóm giải pháp thứ tư là thực hiện chính sách tài khóa và thuế, theo đó đề xuất Quốc hội cho phép miễn, giảm thuế trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội, nhà ở diện tích nhỏ, giá bán bình dân, các địa phương có tồn kho bất động sản lớn...

    Nhóm giải pháp thứ năm là các doanh nghiệp phải chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp cần giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm cho phù hợp với khả năng chi trả của thị trường; áp dụng bán hàng linh hoạt, chuyển sang cho thuê, thuê mua; công khai, minh bạch, thực hiện đúng cam kết tiến độ, tạo niềm tin với khách hàng.

    Nhóm giải pháp thứ sáu là các địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính từ khâu thẩm định, phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư đến phê duyệt các dự án BĐS, đặc biệt là giải quyết nhanh chóng thủ tục cho phép điều chỉnh cơ cấu sản phẩm BĐS tồn kho, thi công dở dang phù hợp với nhu cầu thị trường, thủ tục chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.

    Dự kiến Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về BĐS để tổ chức triển khai ngay trong những ngày đầu năm 2013.

    Theo Báo Xây dựng
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê