• ‘Nông dân cũng cần được nhà nước chỉ quy hoạch’

    “Việc thực hiện chuyển đổi đất nông nghiệp cho quá trình đô thị hóa là đương nhiên. Người nông dân cũng cần được nhà nước chỉ ra về mặt quy hoạch. Chúng ta thiên quy hoạch về phía phi nông nghiệp mà chúng ta bỏ quên quyền lợi của người làm nông nghiệp” - GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT.

    Trước thực trạng hàng trăm ha đất nông nghiệp được thu hồi chuyển đổi cho các công trình dự án nhưng rồi lại bị bỏ hoang. Nhiều địa phương nông dân phải “lay lắt” “vỡ hoang” trên đất dự án, trao đổi với Vland, GS. TSKH Đặng Hùng Võ nói:

    Đất nông nghiệp hiện nay đang bị bỏ hoang khá nhiều mặc dù luật đất đai cũng có quy định đất trồng cây hàng năm 12 tháng không trồng cây mà để hoang là thu hồi, đất trồng cây lâu năm sau 24 tháng, đất rừng là sau 36 tháng. Đối với đất nông nghiệp còn quy định chặt chẽ hơn là sẽ không gia hạn thêm. Trong trường hợp này chúng ta có thể thấy pháp luật tỏ ra rất chặt chẽ từ quy định đến quá trình xây dựng pháp luật. Nhưng nếu người ta nói rằng vụ này tạm để không vì không có tiền mua phân bón, vụ tiếp theo chúng tôi sẽ làm thì cũng khó. Nói như vậy để thấy rằng, cơ chế thu hồi như vậy thực sự còn quá cứng, thiếu sức sống, quy định vẫn chưa phù hợp nên đất vẫn cứ bị bỏ hoang.

    Pháp luật đã đưa ra quy định những dự án khi chưa đưa vào sử dụng vẫn cho phép chủ cũ tiếp tục sử dụng tạm thời trong thời gian chưa thực hiện vào mục đích theo quy hoạch với sự thỏa thuận của 2 bên. Quy định này tương đối phù hợp với tình trạng để hoang hóa quá nhiều nhưng lại thiếu sức sống.

    Điều này thể hiện ở chỗ hầu hết các nhà đầu tư không “dại” cho chủ cũ quay trở lại đất dự án của mình trừ khi chủ đầu tư không còn phương cách gì nữa mà người nông dân vẫn vào sử dụng và chính quyền địa phương vẫn đảm bảo khi dự án được tiếp tục sử dụng sẽ cam thiệp đảm bảo một mối quan hệ mạch lạc.

    Nhưng khi năng suất sản xuất trên mảnh ruộng của người nông dân không còn hiệu quả cao thì tìm kiếm cơ hội ở các đô thị, họ coi mảnh ruộng là chỗ lùi khi cuộc sống bị thất bại. Đó cũng là tâm lý của không ít nông dân trên nhiều địa phương.

    Nhưng cũng chính từ tâm lý này của người nông dân phải đặt ra câu hỏi: Đất nông nghiệp được nhà nước thu hồi để mở khu công nghiệp, khu đô thị…thì người nông dân sẽ được gì trong quá trình chuyển đổi ấy? Hiện nay, với người nông dân cái được của họ vẫn chỉ là “cục” tiền đền bù mà kéo theo sau đó là không biết bao những hệ lụy.


    Còn rất nhiều diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang cần phải quy hoạch lại.

    Đất nông nghiệp bị bỏ hoang không chỉ do các chủ đầu tư không thực hiện, triển khai dự án sau khi được cấp đất mà còn xuất phát từ chính tâm lý “chê ruộng, chán đồng” của người nông dân, thậm chí bỏ hoang ruộng chỉ “găm” đất chờ dự án?

    Như các nước họ không làm thế, người ta chỉ cần đánh thuế cao thậm chí sau 2 - 3 năm không đưa vào sử dụng tiền thuế đúng bằng tiền sử dụng đất bình thường. Không cần phải quyết định thu hồi nhà nước vẫn thu được lợi ích cho nhà nước đồng thời thực hiện được động tác nếu đất không được sử dụng thì người sử dụng phải chuyển nhượng và việc chuyển chủ người sử dụng đất cũng phải tự đi tìm chủ mới mà chuyển chứ nhà nước không phải can thiệp vào việc đó. Đó cũng là bài học và gợi ý trong việc quản lý sử dụng đất ở nước ta kể cả với đất nông nghiệp.

    Nhưng áp dụng việc đánh thuế cũng sẽ gặp khó khăn khi nhiều diện tích đất nông nghiệp do quy hoạch kiểu xôi đỗ đã dẫn đến tình trạng người nông dân không bỏ hoang ruộng không được vì hệ thống thủy lợi bị phá hủy không đảm bảo cho việc sản xuất thưa ông?

    Đó không phải là lỗi của nông dân mà thuộc về lỗi quy hoạch. Trong trường hợp này chúng ta phải điều tra, khảo sát lại từng khu vực đất bị bỏ hoang. Điều này đòi hỏi pháp luật phải có tính mền dẻo để thực sự đi vào từng trường hợp trong đời sống thực tế.

    Việc thực hiện chuyển đổi đất nông nghiệp cho quá trình đô thị hóa là đương nhiên.. Điều đầu tiên là phải làm tốt vấn đề quy hoạch. Phải chỉ cho người nông dân biết được ở đâu sẽ được quy hoạch để chuyển đổi, ở đâu là chỗ không bao giờ bị chuyển đổi.

    Người nông dân rất cần điều đó chứ không phải chỉ là việc ta chỉ ra quy hoạch phi nông nghiệp. Để người nông dân có thể yên tâm làm nông nghiệp, còn nếu có trong quy hoạch phục vụ cho việc chuyển đổi thì người nông dân lại có hướng sử dụng theo kiểu tạm thời. Người nông dân cũng cần được nhà nước chỉ ra về mặt quy hoạch. Nhưng đây cũng là yếu tố quy hoạch mà hiện nay chúng ta đang thiếu. Chúng ta thiên quy hoạch về phía phi nông nghiệp mà chúng ta bỏ quên quyền lợi của người làm nông nghiệp. Chính điều này dẫn đến những lệch lạc trong việc thực thi quy hoạch, người nông dân cũng có những tính toán như găm đất chờ dự án để nhận đền bù.

    Khâu quy hoạch hiện nay vẫn còn yếu về mặt chuyển đổi. Chúng ta phải làm sao sau khi đã đạt được tính đồng thuận quy hoạch phải được công khai hoàn toàn và các bên liên quan hoàn toàn được thống nhất không còn úp mở đảm bảo nghiêm việc thực thi về quy hoạch.

    Bên cạnh đó, những nơi mà trong quy hoạch đã chỉ ra sớm muộn sẽ bị chuyển đổi thì chúng ta cần áp dụng quy chế nhà nước thu hồi đất cần phải được áp dụng sao cho phù hợp với hiến pháp.

    Về vấn đề áp dụng quy chế nhà nước, xin ông nói rõ thêm?


    Điều 23 của Hiến pháp có quy định đối với tài sản của dân thì nhà nước chỉ quyết định lấy nó khi thật cần thiết bằng 2 cơ chế hoặc là trưng mua hoặc là trưng dụng có bồi thường theo thời giá thị trường. Sự cần thiết đó là khi phục vụ vào lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh.

    Bộ luật dân sự cũng quy định, quyền sử dụng đất là tài sản của người dân. Vậy đã là tài sản của người dân thì không được dùng cơ chế nhà nước thu hồi đất mà chỉ được sử dụng cơ chế nhà nước trưng mua, hoặc trưng dụng quyền sử dụng đất có như vậy mới đảm bảo thực hiện đúng điều 23 của Hiến pháp.

    Đây là điều mà pháp luật đã có quy định nhưng trên thực tế việc thực thi còn nhiều yếu kém. Việc xác định làm sao cho phù hợp với giá thị trường hiện nay pháp luật vẫn chưa quy định rõ ràng. Chúng ta chưa có quy trình định giá đất mà nhà nước thu hồi vẫn phụ thuộc vào sự áp giá của UBND cấp tỉnh. Người nông dân khi bị thu hồi đất như vậy sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Họ vừa không có cơ hội được sử dụng đất lại có có quyền được bồi thường những gì họ đã bỏ ra để có được đất đó.
    Theo Vietnamnet
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê