• Những biệt thự bỏ hoang sẽ bị áp thuế trong thời gian tới?

    Trong khi nhiều người dân đang phải sống tạm bợ trong những ngôi nhà lụp xụp thì nhiều ngôi biệt thự sang trọng lại "mọc rêu".
    Vừa qua, TP.Hà Nội đã có kiến nghị gửi Bộ Tài chính về việc sẽ đánh thuế hoặc xử phạt các chủ sở hữu của biệt thự bỏ hoang hoặc không đưa vào sử dụng. Theo đó, dự kiến mức đánh thuế biệt thự bỏ hoang ba tháng có thể áp dụng mức thuế là 5% trên giá trị hợp đồng. Còn nếu như sau một năm mà biệt thự đó vẫn bị bỏ hoang thì mức thuế áp dụng sẽ là 10% trên tổng giá trị của biệt thự.

    Theo kết quả kiểm tra của Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) và Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết tháng 6/2012, trên địa bàn thành phố có khoảng 655 biệt thự và 574 nhà liền kề đã hoàn thành phần thô hoặc mặt ngoài nhưng chưa được đưa vào sử dụng.

    Những ngôi biệt thự bỏ hoang sẽ bị áp thuế trong thời gian tới?

    Áp dụng mức thuế từ 5 - 10%


    Không khó để bắt gặp những ngôi biệt thự hay khu nhà chỉ mới hoàn chỉnh phần thô tại các khu đô thị như Văn Quán, Mỹ Đình, Linh Đàm, Từ Liêm... Hiện tượng này không chỉ làm mất mỹ quan của những khu đô thị còn gây lãng phí về tài nguyên đất đai rất lớn. Nhìn lại, ngay chính trên địa bàn TP.Hà Nội, nhiều gia đình thậm chí vẫn phải sống tạm bợ trong những ngôi nhà lụp xụp ven sông. Thậm chí, có những gia đình ba thế hệ phải sống trong những ngôi nhà chỉ vẻn vẹn 10 mét vuông đất. Trong khi đó những ngôi biệt thự có giá trị hàng chục tỷ đồng thì vẫn rêu phong trong nhiều năm giữa thủ đô "đất chật người đông".

    Bên cạnh đó, có thể nhìn thấy hệ lụy từ những khu biệt thự khang trang bị bỏ hoang. Trước đó, nhiều người dân đã phải rớt nước mắt để giao phần đất nông nghiệp bao đời cày cấy để chuyển đi nơi khác nhường chỗ cho dự án biệt thự. Bây giờ nhiều người trong số họ vẫn còn thất nghiệp, thậm chí vì chuyển đổi nghề nghiệp mà cuộc sống khó khăn hơn, trong khi biệt thự dựng lên to, đẹp và có những thiết kế hoành tráng nhưng lại không có người sử dụng. Theo thống kê mới nhất, số biệt thự bị bỏ hoang nói trên chiếm tới 35% tổng số biệt thự trên toàn thành phố. Đây là một sự lãng phí vô cùng lớn về mặt kinh tế.

    Việc đầu tư nhà đất chưa phù hợp với nhu cầu của đa số các đối tượng trong xã hội, phương thức triển khai đầu tư, kinh doanh các dự án phát triển nhà ở còn nhiều bất cập nhất là các phương thức chia lô bán nền, xây nền... cùng với việc phát triển không đồng bộ các cơ sở hạ tầng như siêu thị, trường học, trạm y tế… là những nguyên nhân khiến biệt thự dù đẹp dù sang nhưng không hấp dẫn với những người dân có nhu cầu.

    Được biết trước đây, Bộ Xây dựng đã từng kiến nghị lên Chính phủ về giải pháp cấm phân lô bán nền nhưng bị các chủ doanh nghiệp đầu tư bất động sản đồng loạt phản đối. Họ đưa ra lý do là việc làm ấy sẽ ảnh hưởng đến các dự án đang triển khai. Bộ Tài chính cũng từng kiến nghị các biện pháp mạnh về kinh tế biện pháp xử phạt vi phạm hành chính.

    PGS.TS Phạm Hùng Cường trao đổi với PV

    Trách nhiệm của chủ đầu tư với tài sản của mình

    Việc đánh thuế đối với các biệt thự bị bỏ hoang của UBND TP.Hà Nội kiến nghị lên Bộ Tài chính khi vừa đưa ra đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Phần đông các ý kiến cho rằng chủ trương đánh thuế là đúng. Tuy nhiên, để có thể thực thi được thì cần làm rõ nhiều vấn đề xung quanh.

    Trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Nguyễn Hữu Cường, chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng: "Tôi hoàn toàn nhất trí với phương pháp đánh thuế đối với những biệt thự bỏ hoang trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bởi vì sự "hoang hóa" của những biệt thự sang trọng này vẫn còn tồn tại khá nhiều và gây lãng phí. Trong khi nhiều người không có nhà ở thì hàng loạt biệt thự bị bỏ hoang. Đây là một nghịch lý. Tuy nhiên, để có thể áp dụng mức thuế đối với những trường hợp trên cần phải có những nghiên cứu sâu sắc và quy trách nhiệm cụ thể. Vấn đề đặt ra ở đây là trách nhiệm thuộc về nhà đầu tư, khách hàng hay là cơ quan quản lý. Thuế sẽ được đánh vào đối tượng nào vi phạm".

    Giải thích về vấn đề này, ông Cường cho biết: "Mức thuế 5 - 10% trong dự kiến của UBND TP gửi Bộ Tài chính đối với những biệt thự có giá trị lên đến 50 tỷ đồng không phải là nhỏ. Do đó, nếu muốn khả thi hơn, chủ trương này cần làm rõ trách nhiệm để khi áp dụng mức thuế, đối tượng chịu thuế phải tâm phục khẩu phục". Ông Cường dẫn chứng, trường hợp biệt thự nằm trong địa bàn không có đầy đủ các cơ sở hạ tầng khiến người dân không thể đến ở thì trách nhiệm không thuộc về chủ sở hữu mà cần xem xét trách nhiệm từ phía chủ đầu tư, các cơ quan quản lý, thậm chí cả các điều khoản trong hợp đồng của các bên liên quan khi xây dựng và đưa vào mục đich sử dụng. Còn nếu như mọi điều kiện đều tốt mà chủ sở hữu không sử dụng, cũng không chuyển quyền sở hữu cho người khác gây lãng phí tài sản thì cần đánh thuế để coi như một sự thúc ép đối với người chủ sở hữu. Chúng ta cần cho họ nhận thấy rõ rằng họ cần có trách nhiệm hơn với chính tài sản của mình.

    Về vấn đề này, PGS.TS Phạm Hùng Cường, phó hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội cũng cho biết thêm, cần xem xét vấn đề áp thuế với biệt thự bị bỏ hoang ở cả hai khía cạnh. Ví dụ như ở khu biệt thự Việt Hưng (Long Biên - Hà Nội), có rất nhiều ngôi nhà chưa có người đến ở. Nhưng xét ở góc độ khác, nhiều tuyến đường ở đây vẫn còn dở dang, chưa hoàn thiện. Đó cũng là một cản trở gây tâm lý không thoải mái đối với chủ sở hữu của những biệt thự đó.

    Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang có những diễn biến theo chiều hướng đi xuống như hiện nay thì việc xem xét vấn đề ở nhiều góc độ là điều cần thiết. Anh Phạm Trọng Hoan, chủ của một ngôi biệt thự tại khu đất mới (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Nhà tôi trước đây ở phố hàng Mành, Hoàn Kiếm. Sau nhiều năm buôn bán tích lũy, tôi có mua một ngôi nhà ở khu biệt thự Văn Quán. Sau khi ngôi nhà được hoàn thiện, gia đình muốn chuyển xuống đó ở. Tuy nhiên, vì các cháu học hành trên này còn dở cấp nên chúng tôi nghĩ rằng, việc chuyển trường không có lợi cho chúng. Hơn nữa, khu nhà tôi ở khá xa siêu thị, công việc làm ăn buôn bán trên này lại đang cần người quản lý. Vì thế mà ngôi biệt thự của chúng tôi vẫn khóa cửa im ỉm hơn hai năm nay. Nếu bây giờ coi đó là biệt thự bị bỏ hoang và phải đóng thuế thì chúng tôi thiệt thòi quá".

    Xúc phạm đến sự "hy sinh" của người nông dân

    PGS.TS Phạm Hùng Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ, biệt thự cũng là một tài sản chung của xã hội cần được đưa vào sử dụng. Nhiều khu biệt thự được xây dựng từ việc thu hồi đất nông nghiệp của người dân. Do đó không thể xây xong mà bỏ hoang được. Như thế là đi trái với mục đích ban đầu khi thu hồi đất. Chưa nói đến việc nhiều người dân vì nhường đất cho xây dựng biệt thự mà trở nên thất nghiệp. Về mặt nhân văn mà nói thì sự hoang hóa của những khu biệt thự là xúc phạm đến sự hy sinh của những người dân đã từng vì cảnh quan đô thị mà chuyển đổi cả nghề nghiệp của mình. Chính vì vậy, việc đánh thuế với những biệt thự bị bỏ hoang là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trước khi áp dụng cần làm rõ nguyên nhân bỏ hoang của những biệt thự đó, tránh sự bức xúc trong dư luận cũng như với chính những người phải chịu thuế.
    Theo Người đưa tin
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê