• Nhận diện quy hoạch, quản lý đất đai: Những kiến nghị từ Hà Nội

    Thanh tra công tác lập quy hoạch, quản lý, sử dụng đất trên địa bàn giai đoạn 2001 - 2010 theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, cơ quan được giao thực hiện chuyên đề diện rộng đã chỉ ra nhiều bất cập, yếu kém của Thủ đô trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất.

    Hà Nội đề nghị thay quy định xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm và 5 năm bằng hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất hàng năm và 5 năm

    Thực trạng…

    Đến nay, UBND thành phố mới phê duyệt kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2007 - 2010 cho các địa phương như: Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Từ Liêm, Hoàng Mai... Kế hoạch sử dụng đất đối với cấp xã, phường hiện mới được làm thí điểm tại một số xã, phường. Công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất, Hà Nội đã giao, cho thuê đất đối với 336 dự án, tổng diện tích là 617,6 ha.

    Về xử lý vi phạm, từ năm 2001 - 2005, UBND thành phố đã có quyết định thu hồi của 67 tổ chức để đất hoang hóa, sử dụng sai mục đích 59,7 ha. UBND các quận, huyện đã xử lý 397 trường hợp và thu hồi 23,6 ha. Diện tích đất sau thu hồi đã giao cho UBND phường, xã, thị trấn quản lý để quy hoạch sử dụng vào mục đích công cộng, phù hợp với yêu cầu của địa phương.

    Đã có 117 tổ chức khắc phục tình trạng để hoang hóa đất. Đã thông báo hủy hợp đồng thuê đất tạm thời của 1.927 đơn vị chưa có giấy tờ hợp lệ. Truy thu nợ đọng tiền thuê đất, thuế đất trên 43 tỷ đồng, hướng dẫn 403 tổ chức nộp hồ sơ xin sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Từ năm 2006 đến 2008, UBND thành phố đã có quyết định xử lý, thu hồi đất hoang hóa, sử dụng sai mục đích của 9 tổ chức, xử lý 12 tổ chức vi phạm Luật Đất đai bằng các hình thức.

    Riêng địa bàn Hà Tây (cũ), ở cấp xã, phường, hầu hết đã hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất đến 2010 trong đó 265 xã được UBND huyện ra quyết định phê duyệt. UBND tỉnh Hà Tây cũng giao, cho thuê đất đối với 103 dự án với 4.549 ha. UBND tỉnh thu hồi đất của 52 tổ chức, đơn vị trên địa bàn.

    Sau hợp nhất

    UBND thành phố Hà Nội đã báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ xét duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2006 - 2010 thành phố Hà Nội mở rộng. Ngày 04/12/2008, Chính phủ ban hành Nghị quyết xét kế hoạch sử dụng đất 2006 - 2010 cho thành phố Hà Nội. UBND thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm cho toàn bộ các quận, huyện chưa có quy hoạch chi tiết, các quận, huyện, thị xã còn lại thuộc tỉnh Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.

    Kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đoàn thanh tra nhận thấy: Việc chuyển từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp theo phê duyệt đạt 64%. Đất lúa nước chuyển sang loại đất khác đạt 82%. Đất trồng cây lâu năm giảm 154 ha do chuyển sang đất rừng phòng hộ. Đất rừng phòng hộ theo quy hoạch tăng 985 ha, đã thực hiện đạt 49%. Đất rừng sản xuất đạt 89%. Đất nuôi trồng thủy sản thực hiện đạt 99%.

    Đối với đất nông nghiệp, theo quy hoạch được duyệt, Hà Nội tăng 57.021 ha so với hiện trạng năm 2000. Đến 2010, Hà Nội đã thực hiện đạt 81% so với kế hoạch. Trong đó, riêng đất khu, cụm công nghiệp mới đạt 20% so với kế hoạch do một số dự án phải dừng lại để rà soát, một số dự án chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.

    “Sau khi hợp nhất mở rộng địa giới hành chính vào 01/8/2008, Hà Nội có trên 6,2 triệu dân và nằm trong 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.”

    Đất phát triển hạ tầng, Hà Nội cũng mới thực hiện đạt 38%. Năm 2000, Hà Nội còn 41.857 ha đất chưa sử dụng. Tuy nhiên, theo số liệu năm 2010, con số này chỉ còn 9.341 ha. Theo xác minh, có 1.718 ha đất thống kê là chưa chính xác. Số còn lại là diện tích đất sông, suối, mặt nước chuyên dùng, tính theo tiêu chí mới được gọi là đất phi nông nghiệp.

    Từ tháng 8/2008 đến nay, Hà Nội đã giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho 143 dự án với 627,3 ha. Trên địa bàn 9 quận, huyện Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông, Từ Liêm, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai đã giao, cho thuê đất để thực hiện dự án khu đô thị, khu nhà ở với 298 dự án có diện tích 2.668,6 ha.

    Thanh tra công tác đăng ký, thống kê, cấp GCNQSDĐ, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho kết quả: Đối với đất nông nghiệp, Hà Nội đã cấp được 646.863 giấy, đạt 93%. Đối với đất phi nông nghiệp, Hà Nội đã cấp được 1.014.760 giấy, đạt 92%. Đối với các tổ chức, Hà Nội đã cấp cho 40,9%, đạt 25% đối với các thửa đất cần cấp.

    Công tác tài chính về đất đai được UBND thành phố chỉ đạo các Sở, ban ngành thực hiện. Hàng năm, riêng phí, lệ phí, tư vấn về giá đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Hà Nội nộp khoảng 10.000 tỷ đồng. Sau khi hợp nhất, Hà Nội đã phát hiện 378 dự án chậm triển khai. Thực hiện Chỉ thị 134 của Thủ tướng Chính phủ, các đoàn kiểm tra của Hà Nội đang triển khai trên 29 quận, huyện. Kết quả bước đầu đã phát hiện 357 tổ chức vi phạm.

    Đoàn thanh tra nhận thấy: TP. Hà Nội là nơi tập trung các cơ quan hành chính Trung ương, nhưng quá trình lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều hạn chế, bất cập: Việc tổ chức thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt còn thiếu đồng bộ; việc bố trí quỹ đất cho các thành phần kinh tế không sát với nhu cầu thực tế; chất lượng một số dự án quy hoạch chưa cao, chưa sát với thực tiễn; quy hoạch chưa phù hợp với cơ chế thị trường, nhu cầu phát triển đất còn xuất phát từ ý muốn chủ quan; việc giao đất làm khu, cụm công nghiệp và phát triển hạ tầng so với kế hoạch sử dụng đất đạt tỷ lệ thấp… Đặc biệt là tình trạng lấn chiếm đất công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, sử dụng sai mục đích, để đất hoang hóa gây bức xúc trong dư luận vẫn còn diễn ra dưới nhiều hình thức.

    … Và kiến nghị

    UBND Thành phố đã báo cáo ban chỉ đạo Trung ương và tổng kết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi Khoản 2 Điều 40; Điều 44 Luật Đất đai; Đề nghị cụ thể hóa việc giao đất cho thuê đất thông qua đấu thầu, đảm bảo phù hợp với khoản 3 Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản. UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị nghiên cứu thay quy định về xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm và 5 năm bằng hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất hàng năm và 5 năm.

    Trên cơ sở Nghị định về công tác quy hoạch của Chính phủ, Hà Nội cũng đề nghị hoàn thiện khung pháp lý quản lý quy hoạch, ban hành các văn bản về quản lý Nhà nước, trong đó phân biệt rõ quy hoạch có hiệu lực pháp lý và quy hoạch có tính định hướng; chấn chỉnh công tác lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch ở tất cả các ngành, các cấp; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cộng đồng đối với công tác quy hoạch, nhất là đối với việc công khai thực hiện các dự án quy hoạch…

    Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét điều chỉnh quy định về công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng không phải lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã vì không cần thiết và gây lãng phí.

    Theo Đảng Cộng Sản Việt Nam
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê