• Nhà thu nhập thấp khoảng 200 triệu là khả thi

    Theo chỉ đạo của Thủ tướng, xây nhà thu nhập thấp với giá 2-4 triệu /m2.
    Theo quan sát, chung cư Hà Nội đã giảm giá đến 50% so với thời hoàng kim nhưng vẫn ế ẩm. Ngược lại, các dự án nhà cho người thu nhập thấp ngay từ đầu bị kêu là đắt đỏ, khó bán, vẫn “cố thủ” giữ giá. Sau nhiều lần thay đổi, “siêu đề án” nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn đứng trước bờ vực phá sản do bị người dân “lạnh nhạt”. Mới đây, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giá nhà thu nhập thấp chỉ nên từ 2-4 triệu đồng/m2 có thể đem đến hy vọng mới cho người thu nhập thấp muốn sở hữu nhà.

    Nhà thu nhập thấp sẽ không còn là giấc mơ xa vời đối với người lao động

    Chủ đầu tư than khó

    Sáng qua (19/7), Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, bên cạnh nhà cho người nghèo, người có công với cách mạng, cần đặc biệt quan tâm tới nhà thu nhập thấp (TNT) ở các đô thị. Thủ tướng chỉ đạo các cơ chế chính sách để người lao động mua được dưới hình thức trả góp, bởi thực tế những người TNT không thể mua căn hộ với giá như hiện nay.

    Thủ tướng nhấn mạnh, không có cách nào khác ngoài việc Nhà nước can thiệp thông qua chính sách để xây nhà cho người TNT có thể mua được. “Mỗi năm, chúng ta thể trích một phần từ tiền sử dụng đất để phát triển nhà ở xã hội, lo cho người dân. Nếu nhà ở nông thôn là 1 triệu đồng một m2 thì nhà ở đô thị khoảng 2-4 triệu đồng, như vậy mỗi căn hộ chỉ khoảng 150-200 triệu đồng”, Thủ tướng nói.

    Ngay sau khi thông điệp này được phát đi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Một số chuyên gia cho rằng, điều này sẽ đem đến nhiều cơ hội cho người TNT được sở hữu ngôi nhà trong mơ. Tuy nhiên, nó cũng đặt lên vai Bộ Xây dựng và nhà quản lý trách nhiệm “cải tổ” phương thức xây dựng để phù hợp với túi tiền của người dân.

    Dưới góc độ chủ đầu tư, chia sẻ với Người đưa tin, lãnh đạo một công ty tham gia xây dựng nhà TNT (đề nghị giấu tên) cho rằng, nếu được sự hỗ trợ của Nhà nước thì việc xây nhà với giá 2-4 triệu/m2 sẽ có thể thành sự thực. Còn nếu không có sự hỗ trợ thì với số tiền đó chỉ làm được nhà cấp 4, thậm chí làm nhà cấp 4 giá còn chưa đến 3 triệu. Theo tính toán, tùy từng loại nhà sẽ có giá khác nhau, nhà 5 tầng giá đã khoảng 4-5 triệu/m2, nhà cao hơn nữa giá cũng gần chục triệu một m2. Tuy nhiên, để xây được hàng nghìn nhà cấp 4 cho người thu nhập thấp với mức giá đó thì lấy đâu ra đất. “Tôi cho rằng, chính sách này là hợp lý giúp người dân dễ dàng mua nhà nhưng điều quan trọng, Nhà nước hỗ trợ cho người dân như thế nào. Nhà TNT được hưởng những chính sách ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, được tăng tỷ lệ và mật độ xây dựng và được vay vốn ưu đãi của Chính phủ. Tuy nhiên, để đạt mức giá 2-4 triệu/m2 là cả một bài toán rất khó mà để giải ra thì cần hoạch toán rất kĩ lưỡng”, vị này nói.

    Được biết, dự án nhà TNT đầu tiên mở bán tại Hà Nội vào tháng 9/2010, với mức giá gần 9 triệu đồng mỗi m2, diện tích 60-80 m2. Tuy nhiên, từ chỗ chen nhau mua, đến nay nhà TNT đang vấp phải nỗi lo ế hàng vì giá cao. Hà Nội hiện có trên dưới 10 dự án nhà thu nhập thấp, giá dao động trên dưới 10 triệu mỗi mét vuông. Anh Hùng, một người đã ký hợp đồng mua nhà TNT than thở: “Đợt đầu đăng ký mua nhà, chủ dự án thông báo “cháy” hồ sơ, chật vật lắm tôi mới mua được. Đợt 2, chủ đầu tư duyệt được 600 hồ sơ đủ điều kiện mua, nhưng chỉ có khoảng một nửa số đó đến đăng ký bốc thăm. Thậm chí, bốc thăm xong cũng còn có người bỏ, không mua. Những người bỏ cuộc ngay từ đầu đã chê nhà TNT giá đắt so với giá thị trường lúc bấy giờ. So với nay thì càng đắt. Nhưng trót mua rồi thì chịu vậy”.

    Tuy nhiên, mặc dù Bộ Xây dựng đã nhiều lần yêu cầu các chủ dự án tìm cách giảm giá nhà TNT nhưng vẫn mới chỉ nằm ở ý muốn. Thực tế, giá bán vẫn giữ nguyên bất chấp có chủ đầu tư đã phải liên tục thông báo mở bán đến lần thứ 5,6 nhằm cố gắng tiêu thụ các căn hộ còn dư thừa.

    Bớt “ăn dày” để hạ giá

    Theo đánh giá của các chuyên gia, chủ dự án nhà TNT không nên “than nghèo kể khổ”, bớt “ăn dày” để hạ giá nhà. Nói như Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội hãy giảm lợi nhuận, làm việc để còn lại chữ Đức cho đời. Tạo điều kiện cho công nhân có việc làm và bán được nhà giá rẻ cho dân, để người dân tin tưởng vào chính sách nhà thu nhấp.

    Trao đổi với PV, TS.Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Theo suy nghĩ của tôi, giá nhà TNT từ 2-4 triệu đồng/m2 là không bao gồm tiền đất, hạ tầng mà chỉ gồm tiền nhà. Còn với giới kinh doanh, thực tế, ngoài tiền nhà, gần như họ quy cả tiền đất và hạ tầng vào giá bán nên giá cao. Nếu đất và hạ tầng được Nhà nước lo hết, tức được cho không đất, chủ đầu tư chỉ lo xây thân nhà thì mức giá này hoàn toàn có thể đạt được. Mà dạng nhà này cũng chỉ tầm 5 tầng, không thể xây cao được vì làm cao lại phải lo phần móng, cọc kiên cố, giá chắc chắn sẽ đội lên. Hơn nữa, ở những vùng đất đai không “sốt” thì phương án sẽ khả thi”.

    Theo TS Liêm, đưa cho nhà kinh doanh đầu tư dạng nhà này, tôi đoán chắc người ta sẽ từ chối. Tuy nhiên, nếu những người cần nhà tập hợp lại thành một hợp tác xã, tự tổ chức, thuê thiết kế, thuê thi công, tự giám sát thì sẽ có 2 cái lợi. Một là, không mất chi phí quản lý, hai là không bị “ăn lãi”. Như thế, nhà TNT giá 2-4 triệu/m2 là hoàn toàn trong tầm tay. Điều quan trọng, chủ đầu tư nên bớt “ăn dầy” để chia sẻ với người dân. Thêm vào đó, cũng cần cải tiến công nghệ xây dựng, sử dụng vật liệu rẻ để giảm giá thành…

    Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trường Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cũng cho rằng, trường hợp nhà ven đô tầm 2-3 tầng hoặc kí túc xá cho sinh viên hay nhà trong khu công nghiệp mức giá 2-3 triệu/m2 hoàn toàn làm được. Còn nhà mà Thủ tướng nói tầm 4 triệu có thể là nhà 9-10 tầng. Loại nhà này không sử dụng những trang thiết bị cao cấp nên cũng không phải là chuyện không tưởng. Nhưng để làm được thì cần chính sách khuyến khích của Nhà nước. Có một vấn đề khó hiện nay là các doanh nghiệp phải tự lo đất. Nếu Chính phủ, thành phố và các sở ban ngành tự lo chuyện giải phóng mặt bằng, tự lo đất sạch và hạ tầng để doanh nghiệp chỉ lo việc xây nhà, bên cạnh đó phải hỗ trợ vốn cho họ thì hoàn toàn có thể làm được với mức giá đó. “Bình thường, chủ đầu tư không được tính tiền đất vào giá bán, tuy nhiên họ vin vào cớ đất có hạ tầng thì giá tăng nên đẩy giá nhà lên cao. Theo tôi, các doanh nghiệp không nên tiếp tục “tham lam” nữa”, ông Tiến nhấn mạnh.
    Cũng theo quan điểm của ông Tiến, theo đơn giá của Bộ Xây dựng, nhà 9 tầng có giá 7 triệu đồng/m2. Với giá 1,2 triệu đồng/m2 có thể làm một cái nhà “oách” ở ven đô, tại sao mức 4 triệu/m2 lại không “đàng hoàng” xây được?. Điều quan trọng, phải đầu tư kỹ thuật và công nghệ mới sao cho tiết kiệm tối đa chi phí. Thực tế, Thái Lan và Malaysia đã xây dựng được những ngôi nhà như vậy. Mà chẳng kể đâu xa, tại Bình Dương, chủ đầu tư cũng đã xây dựng được nhà chỉ có 5 triệu đồng/m2.

    Khó nhưng không phải không làm được

    Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đực, Phó GĐ Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành phân tích: “Có hai loại nhà, 1 loại nhà dưới 5 tầng và một loại nhà 15-17 tầng. Hai loại này xây dựng hoàn toàn khác biệt nhau. Theo tính toán của tôi, đơn giá xây dựng căn nhà 5 tầng khoảng 2,7 triệu đồng/m2, cộng cả tiền hành lang và cầu thang lên thành 3,2 triệu đồng/m2. Giá này chưa kể tiền đất, tiền làm đường, tiền công viên, cây xanh, điện nước và tiền thuế… Dù xây dựng nhà TNT nhưng câu chuyện Nhà nước hỗ trợ đất sạch vẫn chưa thành hiện thực, doanh nghiệp chỉ được miễn thuế. Do đó, để con số 2-4 triệu đồng/m2 thành thực tế, Nhà nước cần cho không đất, đầu tư hạ tầng để doanh nghiệp xây dựng. Căn hộ giá từ 150-200 triệu đồng tuy khó nhưng không phải không thực hiện được.
    Theo Người đưa tin
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê