• Nhà ở xã hội: Chờ vốn như “hạn trông mưa”

    DN thì không có vốn để tiếp tục triển khai dự án, người dân thì không có tiền để mua, tiếp cận được nhà ở. Đó là thực trạng đang diễn ra đối với các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) tại Hà Nội.

    Cả DN và người dân đều ngóng trông vào những quyết sách của chính quyền địa phương cũng như sự linh động của các tổ chức tín dụng để giải quyết những khó khăn, nhất là về nguồn vốn.

    DN nào cũng “ngồi trên lửa”

    Dự án nhà thu nhập thấp (TNT) Kiến Hưng do Cty VINACONEX Xuân Mai làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 570 tỷ đồng, xây dựng 864 căn hộ. Để triển khai được dự án này, năm 2010, Cty đã phải vay vốn thương mại của ngân hàng VietinBank trên 300 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ bàn giao nhà cho người dân vào tháng 9, tháng 10 tới và đến thời điểm này, người dân phải đóng 70% tiền nhà (khi nhận nhà đóng tiếp 30% còn lại). Mặc dù Cty đã thực hiện gia hạn đóng tiền, tuy nhiên rất nhiều trường hợp mua nhà vẫn chưa đến đóng tiền, dù đã quá thời hạn, thậm chí nhiều người còn đến xin để rút tiền về do không thể lo được số tiền còn lại. DN thì như “ngồi trên lửa” vì lãi suất ngân hàng thì lớn, tiền bỏ ra chậm thu hồi về. Để đảm bảo tiến độ của dự án cũng như tháo gỡ khó khăn cho DN, Cty đang đề xuất được vay 300 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước theo quy định.

    Dự án nhà TNT tại Đặng Xá, Gia Lâm do TCty VIGLACERA làm chủ đầu tư cũng đang “bỏng” không kém. Với 946 căn hộ, Cty đã tiếp nhận 1.076 hồ sơ nhưng chỉ ký hợp đồng bán được 650 căn, còn lại gần 400 căn vẫn chưa có người đăng ký mua. Dự án khởi công từ năm 2011, vốn vay thì chưa được giải quyết, chủ đầu tư đang đề xuất được vay 100 tỷ đồng trong năm 2012 và cũng chưa có cách nào để bán được số căn hộ còn lại. Ở vị trí đẹp hơn, dự án nhà TNT Sài Đồng - Long Biên do Cty CP số 3 Hà Nội làm chủ đầu tư cũng chỉ bán được 280 căn hộ/420 căn…

    Hàng loạt các dự án NƠXH gần như “án binh bất động” trong giai đoạn: Chờ được vay vốn: Dự án nhà TNT Bắc An Khánh đang chờ cấp 300 tỷ đồng để đầu tư hệ thống hạ tầng; dự án TNT Thanh Lâm - Đại Thịnh xin vay 100 tỷ đ/tổng vốn đầu tư 811 tỷ đồng… Theo quy định, DN thực hiện các dự án NƠXH cũng như người dân mua nhà TNT đều được ưu đãi về nguồn vốn vay, tuy nhiên đến thời điểm này họ vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Người dân thì không tiếp cận được nhà ở, DN thì khó khăn thêm chồng chất.

    Cần quyết sách của địa phương

    Từ tìm hiểu thực tế các dự án, bà Tô Thị Hạnh - Giám đốc Quỹ Đầu tư Phát triển TP Hà Nội cho rằng, các dự án nhà TNT, nhà ở cho công nhân đang cực kỳ khó khăn. Vốn đầu tư thì lớn, thu hồi vốn lại kéo dài, nhiều rủi ro trong khi được hưởng duy nhất 10% định mức dự án. Nếu DN không được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, các dự án không thể triển khai được…”. Bà Hạnh cũng nêu một dẫn chứng cụ thể: Dự án nhà ở công nhân tại KCN Phú Nghĩa do Cty CP Tập đoàn Phú Mỹ làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 354 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành tòa nhà 6 tầng với 106 phòng đưa vào khai thác, đáp ứng chỗ ở cho 800 công nhân. Nhưng đến nay tỷ lệ lấp đầy của tòa nhà mới đạt 70 - 80% khiến DN rất khó khăn trong việc thu hồi vốn. Đây cũng mới là dự án duy nhất thực hiện theo phương thức xã hội hóa được vay vốn từ Quỹ Đầu tư với số vốn 14,2 tỷ đồng, lãi suất hỗ trợ 3,6%/năm. Hiện chủ đầu tư đang đề xuất vay 180 tỷ đồng để tiếp tục triển khai dự án.

    Bà Hạnh khẳng định: Bên cạnh những cơ chế hỗ trợ chung của Chính phủ theo quy định, DN phải được hưởng thêm cơ chế hỗ trợ của địa phương. Trong giai đoạn này, các DN không thể lấy sổ đỏ các dự án để thế chấp các ngân hàng, địa phương phải đề xuất với các tổ chức tín dụng cho DN được vay ưu đãi. Đây chính là các giải pháp quan trọng để các DN mặn mà hơn với các dự án NƠXH…

    Đề xuất với TP, Sở Xây dựng cũng cho rằng, ngoài việc Chính phủ tìm nguồn vốn vay ưu đãi dài hạn, TP cần sớm bố trí nguồn vốn ngân sách để phát triển quỹ NƠXH, nhất là nhà cho thuê, thuê mua, có cơ chế chính sách hỗ trợ về tài chính để các nhà đầu tư tham gia phát triển quỹ nhà này.

    Phụ trách lĩnh vực này, ông Nguyễn Văn Khôi - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh: Phải thay đổi trong cách làm, cần sâu sát tới từng dự án, đưa ra được kế hoạch cụ thể, đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp cho từng dự án. TP sẽ thành lập tổ công tác kiểm tra, rà soát các dự án NƠXH, qua đó giải quyết, tháo gỡ ngay những vướng mắc của DN, có cơ chế đặc thù cho từng dự án…
    Theo Báo xây dựng
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê