• Nhà ở cho người thu nhập thấp: Vì sao không còn hấp dẫn?

    Theo Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2011, cả nước có 42 dự án nhà cho người thu nhập thấp được khởi công, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 73.000 người, nhưng mới chỉ có khoảng 8.000 người dọn đến ở.
    Nguyên nhân chính là do giá cao và tiến độ xây dựng chậm đã dẫn đến tình trạng người dân không mặn mà với nhà thu nhập thấp (NTNT).

    Cũng theo số liệu từ Bộ Xây dựng, tính đến đầu năm 2012 diện tích nhà ở bình quân cả nước khoảng 18,3 m2/người (đô thị đạt 21,3m2, nông thôn 16,8 m2/người). Riêng chương trình nhà ở cho sinh viên, có khoảng 150 khối nhà được hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng 125.000 chỗ ở. Dự kiến, trong năm nay sẽ có 100 khối nhà hoàn thành, đa số từ 9 tầng trở lên, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 205.000 sinh viên. Cũng trong năm qua, cả nước đã có thêm 27 dự án nhà ở cho công nhân được khởi công, với tổng vốn đầu tư 3.015 tỷ đồng, sẽ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 140.000 lao động tại các khu công nghiệp.

    Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có 9 dự án tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được đưa vào sử dụng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 27.800 lao động. Đặc biệt, trong năm qua nhà ở cho người có thu nhập thấp tại các đô thị có 42 dự án được khởi công xây dựng, với tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng, tổng diện tích sàn khoảng 907.000m2, đáp ứng cho khoảng 73.200 người. Tuy nhiên, đến cuối năm 2011 mới có hơn 1.700 căn hộ được đưa vào sử dụng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 8.000 người (đạt 1% kế hoạch).

    Chính sách về nhà ở cho người thu nhập thấp còn nhiều bất cập.

    Lý giải tình trạng này, nhiều người dân trong diện được mua NTNT cho rằng, chất lượng cũng như giá cả của NTNT không như mong đợi của người dân. Riêng trên địa bàn Hà Nội, các dự án NTNT thường có giá 11 đến hơn 13 triệu đồng/m2 (mặc dù chỉ là giá tạm tính) và một căn hộ khoảng 60-70m2 cũng có giá tới gần tỷ đồng thì không ít người trong tiêu chuẩn mua NTNT phải bỏ cuộc. Kể cả chủ đầu tư có kéo dài thời hạn thanh toán đến 2-3 năm nhưng người trong diện được mua cũng khó có thể xoay được tiền, mà vay ngân hàng cũng không dễ. Có thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng ngân hàng mới xét cho vay, mà nếu thu nhập như vậy lại không phải trong diện được mua NTNT(!). Với cách tính như vậy, giá bán NTNT khá cao, trong khi chủ đầu tư đã nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước và người mua NTNT phải chịu hàng loạt ràng buộc về tiêu chuẩn, điều kiện... Đây cũng là lý do khiến gần đây nhiều người đã trả lại nhà.



    Nhiều dự án nhà thu nhập thấp vẫn tiếp tục được triển khai xây dựng trong thời gian tới.

    Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố có 11 dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người đủ điều kiện mua NTNT đã và đang triển khai xây dựng. Tuy nhiên, sau gần 2 năm thực hiện, trừ dự án tại Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) đã diễn ra suôn sẻ, được người dân hưởng ứng, còn lại phần lớn đều đang lâm vào tình cảnh "dở khóc, dở cười". Lý giải về tình trạng này, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, chính sách về NTNT hiện còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, theo quy định, chủ đầu tư NTNT được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng phát triển, nhưng trên thực tế hầu hết các chủ đầu tư đều phải tự thu xếp vốn vay từ ngân hàng thương mại với lãi suất không ưu đãi. Thêm vào đó, vì là NTNT nên phải đúng đối tượng, việc xem xét hồ sơ thường phải kéo dài, kèm theo nhiều điều kiện ràng buộc... Đây cũng là nguyên nhân khiến NTNT từ dự án triển khai đầu tiên đến dự án triển khai sau chỉ một năm thì giá đã đội lên từ 9 triệu đồng/m2 lên hơn 13 triệu đồng/m2.

    Được biết, mục tiêu trong năm nay và giai đoạn 2012-2015 của ngành xây dựng là phấn đấu diện tích bình quân nhà ở đạt 19,4 m2/người và tăng lên 22 m2/người vào năm 2015. Riêng về lĩnh vực nhà ở xã hội, trong vòng 3 năm tới phấn đấu xây dựng khoảng 10 triệu mét vuông. Song, riêng với phân khúc NTNT, với mức giá cao và thủ tục mua còn phiền hà như hiện nay, để đạt được mục tiêu này sẽ không dễ.
    Theo HNM
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê