• Nhà giá rẻ có thành hiện thực?

    Có được một căn nhà riêng là mong ước lớn của tất cả mọi người, nhất là đối với những cặp vợ chồng trẻ sống ở đô thị. Nhưng ngay cả trong thời điểm giá nhà đất đang hạ như hiện nay, điều này vẫn vô cùng khó khăn.


    Dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị Mỹ Ðình.
    Cơ cấu nhà ở chưa hợp lý

    Năm 2008, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hiếu và chị Ngọc Oanh chuyển công tác từ Quảng Ninh về làm việc tại Tổng cục Hải quan, tại Hà Nội. Với thu nhập của hai vợ chồng tương đối ổn định, lúc mới về Thủ đô, anh Hiếu vạch ra kế hoạch, năm đầu tiên đi thuê nhà ở, năm thứ hai sẽ tìm mua nhà tại Hà Nội. Với căn nhà hai tầng kiên cố trên diện tích 120 m2 đất tại Hòn Gai (Quảng Ninh), cộng thêm hơn một trăm triệu đồng tiết kiệm của hai vợ chồng, tiền vay mượn họ hàng, bạn bè, anh chị dự tính sẽ đủ tiền mua mảnh đất khoảng 40 m2 ở Hà Nội để xây một căn nhà cấp bốn. Khu vực anh chị tìm đến là quận Long Biên, nơi giá nhà, đất không cao lắm, lại gần nơi làm việc của hai vợ chồng. Tuy nhiên, cho đến nay, mơ ước của anh chị vẫn chưa thực hiện được.

    Anh Hiếu cho biết, đầu năm 2009, anh đã đặt cọc 17 triệu đồng để mua mảnh đất 47 m2 tại phường Thượng Thanh với giá 11 triệu đồng/m2. Nhưng do chưa bán được nhà, anh đành ngậm ngùi mất trắng số tiền đặt cọc. Ðến đầu năm 2010, khi đã bán được nhà, vay đủ tiền thì giá đất lên đến 21 triệu đồng/m2. Không đủ tiền, anh tiếp tục tìm đến những địa chỉ khác, có diện tích nhỏ hơn, nằm sâu trong ngõ, với mong muốn sớm có chỗ ở. Tuy nhiên mọi cố gắng không mang lại kết quả khi giá đất nền tăng từng ngày. Anh chuyển sang phương án mua nhà chung cư. Nhưng vào thời điểm đó, thị trường nhà chung cư cũng sôi động không kém. Giá mỗi căn hộ đều không dưới một tỷ đồng, chưa kể người mua phải chi thêm từ một đến vài trăm triệu đồng tiền "hoa hồng" để có thể mua với giá gốc. Ý định mua nhà tại Hà Nội của vợ chồng anh buộc phải gác lại.

    Trường hợp vợ chồng anh Hiếu không phải là cá biệt, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội. Hiện nay, phần lớn các cặp vợ chồng trẻ ở Hà Nội chưa có nhà ở, phải thuê nhà hoặc sống chung với gia đình. Nhiều gia đình có diện tích dưới 3 m2/người. Theo tính toán của các chuyên gia, với tổng thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các khoản tiền thuê nhà, điện nước, lương thực, thực phẩm; rồi tiền cho con cái ăn học... một gia đình trẻ chỉ có thể để dành được khoảng ba triệu đồng mỗi tháng. Như vậy, phải sau 25 năm mới đủ tiền mua căn nhà giá 900 triệu đồng; 30 năm để có được căn nhà giá một tỷ đồng.

    Nhà cho người thu nhập thấp: số lượng ít, khó tiếp cận

    Giáo sư Ðặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, nhiều năm qua chính sách nhà ở chưa được chú ý đúng mức. Nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị ít được đề cập. Thị trường nhà ở phát triển lệch lạc, cơ cấu mất cân đối, trong khi khan hiếm các loại hình nhà giá rẻ dành cho người thu nhập trung bình, thu nhập thấp, thì các loại hình nhà liền kề, nhà biệt thự, nhà chung cư cao cấp dành cho người có thu nhập khá lại dư thừa. Ðây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nguồn cung nhà ở khá dồi dào, trong khi rất đông người dân thật sự có nhu cầu không thể mua nổi.

    Từ năm 2000, thành phố Hà Nội đã có quy định dành 20% quỹ đất tại các khu đô thị để xây nhà ở xã hội. Ðến nay, đã có hơn 59 ha tại các khu đô thị Ðịnh Công, Mỹ Ðình, Việt Hưng, Sài Ðồng... được triển khai. Trong đó, hơn 21 ha để sử dụng xây nhà cho người thu nhập thấp, nhà xã hội; hơn 11 ha xây nhà cho người có công và sinh viên, hơn 11 ha xây nhà tái định cư... Tuy nhiên, quy định này chưa được áp dụng đồng bộ trên toàn địa bàn, cho nên quỹ đất dành xây dựng các dự án nhà ở xã hội vẫn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so tổng diện tích các dự án. Và, ngay đối với 11 dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp được triển khai năm 2011 hiện vẫn còn nhiều căn hộ chưa có người mua hoặc một số người đã mua trả lại nhà do mức giá quá cao so thu nhập của người thu nhập thấp (giá trung bình hơn 11 triệu đồng/m2), diện tích căn hộ lớn, tiến độ đóng tiền quá gấp. Vì vậy, nhà chung cư thu nhập thấp vẫn chưa đến được đúng đối tượng.

    Kiến trúc sư Ðào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra chính sách hỗ trợ cho các đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình như tăng tỷ trọng nhà chung cư lên 80%... Hà Nội là địa phương có tỷ lệ nhà chung cư đứng đầu cả nước, nhưng hiện mới chỉ đạt hơn 16%. Vì thế đây sẽ là thị trường lớn, hấp dẫn các chủ đầu tư ngay trong năm 2012. Vấn đề đặt ra là các chủ đầu tư cần nghiên cứu, tìm ra mô hình nhà ở hợp lý về số tầng, diện tích căn hộ, vật liệu hoàn thiện và tích cực áp dụng các công nghệ, vật liệu mới... góp phần hạ giá thành sản phẩm để phù hợp với người thu nhập thấp, thu nhập trung bình.

    Phát triển loại hình nhà ở giá rẻ phù hợp với số đông người dân là xu thế tất yếu, nhưng rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ phía Nhà nước bằng các cơ chế cụ thể như miễn giảm thuế, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mở rộng các loại hình nhà ở cho thuê, trả góp, để những người lao động có thêm cơ hội sở hữu chỗ ở phù hợp với thu nhập của họ.

    Theo Nhân Dân
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê