• Muôn mặt nhà “khổ”

    Một người dân ở phố cổ Hà Nội kể câu chuyện vui: “Chồng tôi khá mập, một hôm bạn bè rủ anh ấy đi uống bia. Lúc đi anh ấy còn chậm chạp bước qua con ngõ rộng 60cm. Uống xong, chồng tôi về thì không thể nào đi lọt qua ngõ. Hình như anh đã uống nhiều hơn bình thường…”.
    Câu chuyện nhỏ nhưng giống như một thước phim buồn về những phận người sống trong cảnh chật hẹp, xập xệ mà biết bao năm, thậm chí nhiều thế hệ gia đình phải chấp nhận.

    Nhà “khổ” nơi phố cổ

    Dù sống ở Hà Nội cả chục năm nhưng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến có những hộ phải sống trong căn phòng 5m2 hay có hộ gia đình 4 người phải sống trên cái ga xép 7m2. Đi dọc các con phố đắt đỏ, san sát cửa hiệu, nhà hàng, khách sạn sang trọng như Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Buồm... người ta đều thấy có cả trăm cái “hầm lộ thiên” tối om - thực chất là cái ngõ chung rộng chưa đầy 1m và dài đến hơn 100m dẫn vào các hộ dân. Người dân ra ngoài làm ăn, về đến nhà là bị “ném” vào một thế giới khác, chật chội, ẩm mốc, bẩn thỉu. Thế mà, từ nhiều năm qua, các hộ dân vẫn “ăn đời ở kiếp” trong những căn nhà rất dễ xảy ra cháy nổ, đổ ụp ấy. Bởi vậy, nhiều người mới gọi khu phố cổ là “khu phố khổ”, gọi những ngôi nhà bé cỏn con ấy là nhà “khổ”.

    Chui qua cái “hầm lộ thiên” ở số 90B Hàng Đào, tôi tìm đến gia đình chị Nguyễn Thị Lan, hiện có tất cả sáu người sống trong một cái “chuồng chim” chênh vênh chừng 10m2. Chị Lan tâm sự: “Tôi vẫn ở thế này từ 30 năm nay, khi chồng tôi mất, hai con trai lấy vợ, tất cả đều ở đây cả, chưa có điều kiện tìm kiếm chỗ ở khác rộng rãi hơn”. Để có thể sinh hoạt được, chị Lan phải tận dụng tất cả mọi khoảng trống để cơi nới làm chỗ đặt bếp đun, bát đũa, chỗ phơi quần áo. Vào ngày mưa, quần áo ướt của gia đình chị và những hộ dân bên cạnh giăng kín, nước nhỏ tong tỏng khiến cho không gian vốn đã âm u lại càng tối tăm hơn.

    Ở phố cổ, người ta có thể tìm thấy nhiều kỷ lục như gian nhà ở 34 ngõ Phất Lộc chỉ có 2m2 và là nơi ăn chốn ở của 3 người. Chủ nhân cho biết, nếu hai người cùng mặc áo một lúc trong nhà, thì cả hai người đều phải thò tay ra ngoài cửa sổ mới mặc được. Hay ở cuối một “cái hang” trên phố Hàng Bạc, có hộ gia đình hơn 30 năm sống trong một căn phòng nằm trên toa-lét chung của sáu hộ dân.

    Ở số nhà 52 Hàng Bè có một chuyện lạ, chỉ có một số nhà nhưng có tới 16 hộ gia đình với gần 100 con người. Khủng khiếp hơn, ở địa chỉ 53 Hàng Buồm “nhồi nhét” tới 50 hộ với 200 người. Còn những hộ dân cơi nới trên lối đi chung một cái ga xép để “cho con trai lấy vợ ở riêng” thì nhiều vô kể. Những ga xép này thường được quây bao bằng giấy các-tông, chủ nhân của nó đôi khi không thể đứng thẳng người lên được vì chạm đầu. Có người đàn ông lấy vợ đã mười năm mà vẫn chưa có con. Anh ta đổ tại nhà quá chật, nên vợ anh không thể có mang.

    Ở khu phố cổ, nhiều lối đi của các hộ dân hẹp đến mức nếu không chú ý kỹ người ta dễ lầm tưởng đó chỉ là khoảng ranh giới giữa hai căn nhà. Nhưng khi bước vào nơi tối thui đó, người ta cảm giác đi vào một mê cung, bởi có nhiều hộ khác nhau sinh sống. Cư dân ở đây quanh năm không nhìn thấy ánh mặt trời nếu không bước chân ra khỏi ngõ, nếu không để ý rất dễ nhầm ngày sang đêm và ngược lại.

    Không chỉ sống khổ, nhiều hộ dân sống trong những ngôi nhà cổ phải đối diện với nguy hiểm, bởi nhà mà họ đang sống có thể đổ bất cứ lúc nào. Nổi tiếng nhất là ngôi nhà gần 200 năm tuổi tại 47 Hàng Bạc. Những khổ chủ trong ngôi nhà này phải sống trong lo âu mà không dám sửa chữa vì ngôi nhà nằm trong diện bảo tồn phố cổ của TP Hà Nội mà đến nay vẫn dài cổ đợi chờ. Đã nhiều lần ngôi nhà xảy ra hiện tượng sập mái, đổ tường, gẫy cột kèo… nhưng may mắn mọi người sống trong nhà đều thoát nạn.

    Ông Đỗ Ngọc Thanh (70 tuổi) buồn bã nói về hiện trạng của ngôi nhà đã gắn bó cả đời với mình: “Nó quá xuống cấp, vữa tường mủn hết, tróc từng mảng. Cột kèo gỗ bị mối mọt đục rỗng. Chúng tôi không được sửa sang, phải giữ nguyên hiện trạng vì vướng những quy định bảo tồn nhà cổ của Nhà nước”.

    Nỗi niềm chung cư chờ sập

    Đó là sống ở phố cổ, nhà ở phố cổ. Người và chung cư cổ ở Hà Nội cũng nhếch nhác không kém. Dường như ở những năm tháng này, chung cư cũ và các căn nhà chật chội ở phố cổ “thi nhau khổ”. Chừng 1.000 chung cư cũ ở Hà Nội như những cụ già ốm o nhom nhem cần cải tạo, nhưng với tiến độ chậm chạp và hàng vạn hộ dân vẫn phải nơm nớp sống trong nỗi lo nhà sập. Người ta có thể tìm thấy những ngôi nhà với hình ảnh thò ra, thụt vào, cũ kỹ ở bất cứ quận nội thành nào. Người dân qua bao nhiêu năm đã tiến hành nhiều hình thức để bắt công trình nhà đó cõng thêm nhiều thứ hơn, đó là những cái quen gọi là “chuồng cọp”, “ba lô”.

    Nỗi niềm chung cư xập xệ.

    Hài hước hơn, không ít người đã ví những “cụ nhà” đó như bao diễn viên xiếc thiện nghệ. Hay có người nước ngoài đến phải chắp tay bái phục người Việt ta tài tình, đã dựng lên những ngôi nhà vô cùng mất thẩm mỹ, nguy hiểm và vẫn… chịu sống ở trong đó.

    Có đi sâu vào đời sống dân chung cư, mới thấy hết nỗi chật vật, ngộp thở của họ khi bằng mọi cách phải sống chung với các “cụ chung cư” mà mình không thích. Và nếu có lần đi qua dãy nhà E4 khu tập thể Trung Tự, quận Đống Đa nhiều người sẽ không khỏi giật mình tự hỏi tại sao giữa thủ đô mà vẫn còn những căn nhà đáng sợ như thế. Đứng từ xa, dãy nhà này giống như một con chó ghẻ rụng lông và lắm sẹo. Từ trên tầng cao tòa nhà, tua tủa “vòi bạch tuộc”, thực chất là những đường ống nước thải vệ sinh được bắc ngang lối đi, cao sát đầu người. Do chật chội, hầu hết các hộ dân đã cơi nới, dùng một đường ống hút nước về dùng và bắc một đường nước thải lộ thiên “đổ trực tiếp xuống mương”. Tất cả chuyện vệ sinh, tắm rửa, giặt giũ, nấu nướng… đều được gói gọn trong vài mét vuông cơi nới đó.

    Qua tìm hiểu, nhà E4 trước đây được Trường Đại học Y dùng làm chỗ cho sinh viên ở, sau đó chia các phòng 24m2 ra làm đôi để phân cho cán bộ, giáo viên của trường. Sau nhiều năm, các căn phòng nhỏ này trở thành chỗ trú ngụ cho các gia đình có đến thế hệ thứ ba. Ai có điều kiện thì đã đi mua chỗ khác rộng hơn để ở. Ai không có tiền thì chấp nhận ở lại. Ai ít tiền thì “đâm đầu” vào mua ở tạm. Cái khó bó cái khôn. Những phận người ở đây vẫn chấp nhận cảnh tù túng và những đứa trẻ vẫn phải lớn lên cùng ước mơ mà chưa biết ngày nào được đổi khác. Từ nhỏ sinh ra, chúng đã chẳng có chỗ chơi, mà phải “quây quần” bên ống nước, dây điện, hành lang hẹp và tối tăm cùng các bức tường ẩm mốc. Bố mẹ chúng, dù thương con nhưng lực bất tòng tâm. Biết giải quyết việc này thế nào?

    Nhà chật, mái và tường mọt đục lỗ chỗ, chờ sập sẽ dễ tìm thấy ở phường Văn Chương, cũng thuộc quận Đống Đa. Phòng 33 nhà A11 có người mẹ già nua chỉ ước làm sao mỗi hộ trong đại gia đình được sở hữu… 10m2. Đó là bà cụ Nguyễn Thị Nhàng, hơn 70 tuổi, trước đây được phân căn phòng 24m2 nay đến 4 hộ cùng chung sống. Đằng đẵng bao nhiêu năm, bà chưa bao giờ biết đặt lưng lên thứ gọi là giường. Để có thêm chỗ ngủ, các con bà đã làm tạm một cái ga-xép nhỏ và chỉ bò vào thôi chứ không ngồi thẳng được. Ngủ ở đó chỉ lo tường bục, sập xuống lúc nào không biết! Chuyển đi, mua nhà khác thì không đủ tiền, họ chỉ chờ vào các chính sách, các chiến lược cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Nhưng đợi đến bao giờ, khi tiến độ mà UBND thành phố Hà Nội thực hiện từ năm 2005 đến nay mới chỉ được 1%?

    Không dễ tháo và gỡ

    Phố cổ chật thì giãn dân. Đề án giãn dân để giảm mật độ dân cư, cải thiện đời sống cho các hộ dân sống chật chội có nơi ở mới khang trang hơn, sạch sẽ hơn là rất hợp lý. Nhưng giải quyết thế nào cho ổn thỏa, để người dân tự nguyện ra đi và cuộc sống của họ được đảm bảo tại nơi định cư mới lại là cực kỳ khó khăn. Nhiều người dân phố cổ “cố thủ” sống trong nhà ổ chuột, bởi ở đó mọi sinh hoạt đã quen, kinh doanh làm văn đã có nền nếp và chỉ cần làm lụng buôn bán lặt vặt làm cũng đủ ăn. Họ nghĩ đến nơi tái định cư, xa trung tâm, được “đút” lên tầng cao ngơ ngác, chả biết làm gì sống.

    Chị Lê Thị Hiền sống trong căn phòng 9m2 ở số nhà 13 Hàng Đào cho biết: “Ở khổ một tí tôi chịu được, tôi thấy nơi ở hiện tại đang đảm bảo chuyện “cơm áo gạo tiền” cho gia đình. Còn đến một nơi khác, tôi không biết sẽ làm gì để kiếm ra tiền”. Ngay cả ông Đỗ Văn Thanh ở 47 Hàng Bạc, dù sống trong căn nhà xập xệ, mỗi trận mưa là cả nhà lo âu cũng không mặn mà với việc di dời. Ông cho biết, hiện tại ông ngồi ở cửa nhà cũng có thể mua được rất nhiều thứ dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Vợ chồng ông cũng đã có tuổi, không thích hợp với nhà chung cư. Nhưng, nhà của ông thuộc diện bảo tồn, nếu thành phố dùng vào mục đích quốc gia, ông sẵn sàng ra đi.

    Còn những người dân đang sống trong nguy hiểm bủa vây của chung cư cũ. Họ cũng có nguyện vọng thoát khỏi cảnh đó, khao khát sống rộng hơn, tương lai tươi sáng hơn. Nhưng vì có quá nhiều vấn đề vướng mắc không dễ tháo trong một sớm một chiều. Thế là, vẫn có người tặc lưỡi: “Ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu!”. Họ nói vui vậy, tưởng như lạc quan chứ nhiều khi cũng ứa nước mắt. Một căn nhà khang trang là ước muốn của bất cứ ai, nếu không được thì động viên nhau sống trong dòng chảy ồn ã của thời gian một cách bị động. Thế mới biết, nơi trú ngụ quan trọng biết nhường nào. Trăm nỗi khổ, nỗi khổ nhà chật cũng thật đáng sợ.

    Gần 8 triệu người ở thủ đô ngày nay, gần 8 triệu ước mơ, tính sơ sơ cũng có cả triệu ước mơ về nhà ở. Để rõ thêm cuộc sống, bạn đến phố cổ, “chung cư khổ” mà tìm hiểu

    Theo CAND
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê