• Mơ hồ như quản lý đất ở Hà Nội

    UBND TP Hà Nội nghe báo cáo từ Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), Sở cũng nghe báo cáo từ các quận, huyện.
    Tấm biển khu đô thị Tiến Xuân đã rách nát.

    Kết quả là, bên trên không hề biết thực trạng đất đai ở dưới ra sao. Trên đất được phê duyệt dự án, người dân vẫn canh tác bình thường, nhưng hiện trạng trong báo cáo của Sở lại ghi… đang xây dựng công trình(?).

    Hơn 500 dự án “quên” thủ tục

    Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh vừa ra văn bản chỉ đạo xử lý, khắc phục các dự án đầu tư xây dựng công trình tại các quận, huyện, thị xã nhưng chưa làm thủ tục về quản lý, sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Dựa theo báo cáo của Sở TN&MT, thành phố cho biết hiện có tới 508 dự án với tổng diện tích 800ha ở 17 quận, huyện, thị xã chưa làm thủ tục quản lý đất đai, chưa kể 12 địa phương khác vẫn “nợ” báo cáo. UBND TP Hà Nội khẳng định, như thế là vi phạm quy định của pháp luật về quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

    Thành phố đã chỉ đạo phải chấm dứt việc đầu tư xây dựng công trình khi chưa làm thủ tục giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Đối với các trường hợp cố tình thực hiện, các Sở, ngành sẽ không quyết toán công trình hoàn thành, không làm thủ tục hợp thức hóa…, UBND thành phố sẽ kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo mỗi quận, huyện, thị xã. Theo Sở TN&MT, tính đến tháng 5/2012, các quận, huyện xa trung tâm tập trung nhiều công trình chưa hoàn thành thủ tục nhất, như: Quốc Oai (98 công trình), Sơn Tây (93 công trình), Cầu Giấy (75 công trình), Thạch Thất (59 công trình), Mỹ Đức (56 công trình)… Một số quận, huyện khác có ít hoặc không có công trình “quên” thủ tục như Hai Bà Trưng, Từ Liêm, Thanh Oai, Đống Đa.

    Các số liệu trên dựa vào báo cáo của UBND các quận, huyện, thị xã. Sở TN&MT tổng hợp và đưa ra danh mục chi tiết từng dự án, diện tích, nguồn gốc đất, hồ sơ pháp lý và ghi chú hiện trạng dự án ở mỗi địa phương. Điều đáng nói là, phần ghi chú cho thấy rất nhiều công trình đã xây dựng xong, rất nhiều công trình “nuốt” đất nông nghiệp ở những vùng thuần nông nghiệp, rất nhiều công trình đang xây dựng… Nhưng, thực tế là, rất nhiều “công trình đang xây dựng” thì vẫn ở giai đoạn phê duyệt, thậm chí đã bị tạm dừng dự án, người nông dân vẫn canh tác bình thường. Và có những nơi, nếu dự án hoàn tất mọi thủ tục và đang được xây dựng (như báo cáo của Sở TN&MT) thì đất trồng lúa sẽ bị nuốt trọn, thậm chí trụ sở UBND xã cũng chẳng thoát!

    “Lốc” dự án suýt nuốt xã nông nghiệp

    Tấm biển khu đô thị trước cổng UBND xã Tiến Xuân chỉ còn là “sắt vụn”.

    Theo danh mục các dự án chưa làm thủ tục quản lý đất đai mà Sở TN&MT đưa ra, chúng tôi nhìn vào xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) và “tá hỏa” khi thấy có tới 17 dự án tại địa phương này được phê duyệt chỉ trong năm 2008 - thời điểm một số vùng của Hòa Bình sắp được sáp nhập vào Hà Nội. Đáng chú ý là, 100% đất phục vụ cho các dự án là đất nông nghiệp. Đọc phần ghi chú thấy viết “Đang xây dựng công trình”, chúng tôi đến Tiến Xuân tìm hiểu với mường tượng rằng, xã này chắc chắn đang trở thành “đại công trường” với hàng loạt dự án đang được triển khai xây dựng. Nhưng thực tế không “sốc” như báo cáo của Sở TN&MT.

    Thực tế là, chỉ trong vài tháng trước khi được sáp nhập về Hà Nội (1/8/2008), xã Tiến Xuân đã chứng kiến cơn lốc các dự án đổ về. Trong khoảng thời gian đó, tháng nào UBND tỉnh Hòa Bình cũng có quyết định phê duyệt dự án nằm trên địa bàn xã Tiến Xuân, tháng cao điểm (tháng 5/2008) có đến 6 dự án được phê duyệt. Có thể nói, khi tiến hành sáp nhập xã Tiến Xuân từ Hòa Bình chuyển về Hà Nội thì gần như toàn bộ đất nông nghiệp, lâm nghiệp của xã đã được “quy hoạch” trong các dự án. Tính đến thời điểm này, toàn xã có 25 dự án (tất cả đều được phê duyệt trước khi sáp nhập). Trong đó đa số là các dự án khu đô thị, biệt thự nhà vườn như: Khu biệt thự nhà vườn CTTNHH An Lạc, Khu biệt thự nhà vườn Núi Voi, Khu đô thị cao cấp, Khu đô thị sinh thái Lũng Xuân…

    “Cơn lốc” dự án ồ ạt kéo đến, rồi thôi! Toàn bộ 17 dự án được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt năm 2008 bất động từ đó tới giờ. Ông Bùi Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân cho biết: “Tổng diện tích cho 25 dự án được phê duyệt từ 2002 đến 2008 lên tới 977,6 ha, trong đó khoảng 80% là đất nông nghiệp, 10% đất lâm nghiệp. Nếu tất cả các dự án được thực hiện thì gần như toàn bộ đất nông nghiệp của xã sẽ bị mất hết. Ngay trụ sở của UBND xã cũng sẽ bị giải tỏa cho một dự án xây dựng khu đô thị”.

    Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, người dân xã này đang canh tác trên đất dự án đã phê duyệt như chưa hề có chuyện gì xảy đến. Cả 17 dự án đều bị dừng lại hết. Theo lãnh đạo xã, hiện chưa có phương án gì đối với những dự án này. Những tấm bảng tô vẽ ra khu đô thị, biệt thự nhà vườn trong mơ nay bị thời tiết phá hủy, bị lãng quên. Người dân phấn khởi vì gần 4 năm trôi qua vẫn còn đất mưu sinh. Máy vò lúa của nông dân đặt ngay trước cổng UBND xã đang phả hương thơm nức mùi thóc mới. Nhưng những dự án của “lịch sử để lại” vẫn treo trên đầu họ. Khi cơ quan quản lý cấp thành phố còn mơ hồ về hiện trạng đất dự án như thế, sự an tâm dài lâu của nông dân nơi đây sẽ là thứ xa xỉ.
    Theo Gia đình.net
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê