"Luật Xây dựng hiện hành đang khá dễ dãi khiến cho nhiều ngành, địa phương có hiện tượng nở rộ chủ đầu tư. Đáng ngại là, nhiều chủ đầu tư yếu kém cả về kinh nghiệm chuyên môn lẫn tổ chức quản lý dự án… Đó là những bất cập cần phải sửa đổi trong Luật Xây dựng” – TS Trần Ngọc Long - Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam góp ý tại Hội thảo góp ý sửa đổi Luật Xây dựng vừa diễn ra.
Dự thảo Luật xây dựng (sửa đổi) sẽ tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng
Luật dễ dãi dẫn đến "nở rộ” chủ đầu tư công
Theo TS Trần Ngọc Long, việc quá mở trong quy định về chủ đầu tư, trong khi nhiều chủ đầu tư không đủ kinh nghiệm cũng như trình độ chuyên môn… dẫn đến việc cơ quan quản lý Nhà nước hoặc cấp quyết định đầu tư luôn trong tình trạng bị động, thậm chí bất lực khi xử lý tình trạng công trình chậm tiến độ, kém chất lượng và kể cả việc bị đội giá thành.
Ông Long cho rằng, mỗi chủ thể tham gia xây dựng đều phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với những sản phẩm, kết quả công việc được giao, song chủ đầu tư với vai trò "nhạc trưởng” của dự án phải là chủ thể chịu trách nhiệm đối với sự thành công của dự án. Bởi vậy, đối với dự án đầu tư công, Luật Xây dựng (sửa đổi) cần đưa ra những quy định rõ ràng, cụ thể về điều kiện, tiêu chí lựa chọn và hướng tới xây dựng tổ chức chuyên nghiệp làm chủ đầu tư các dự án đầu tư công như kinh nghiệm của các nước phát triển. "Nếu làm được như vậy, trong tương lai, đất nước sẽ có một bộ máy tổ chức chuyên nghiệp, ngày càng được hoàn thiện để quản lý các dự án đầu tư công” - ông Long khẳng định.
Đối với quy định về lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng, TS Trần Ngọc Long cũng bày tỏ ý kiến bất đồng với quy định về việc lựa chọn nhà thầu giá thấp.
Ngăn chặn tình trạng bỏ thầu giá thấp
Trong quy định của Luật Đấu thầu, từ những năm 1995 – 1996 (cách đây gần 20 năm) đã xuất hiện phổ biến tình trạng nhà thầu bỏ giá thấp để trúng thầu, thậm chí chỉ với giá bỏ thầu khoảng 40% giá dự toán với lập luận "trúng thầu giá thấp thì chết từ từ, không trúng thì chết tức khắc”. Và xung quanh quy định này, đã có nhiều cuộc hội thảo được diễn ra xoay quanh chủ đề "Nhà thầu trúng thầu giá thấp với nguy cơ phá sản” song chưa có giải pháp nào hiệu quả để khắc phục tình trạng này.
TS Long cho hay, kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, để ngăn chặn tình trạng bỏ thầu giá thấp, cần đồng thời áp dụng nghiêm ngặt Luật Chống phá giá. Đề xuất này cũng đã được đưa ra bàn nhiều song tiếc rằng cho đến nay việc áp dụng đồng thời Luật Đấu thầu và Luật Chống phá giá trong lựa chọn nhà thầu dường như chưa được quan tâm. "Điều tệ hại là ngay cả đối với các dự án vốn ODA đấu thầu quốc tế rộng rãi, song vẫn có nhiều nhà thầu quốc tế cố tình bỏ giá thấp để trúng thầu và ngay lập tức trở thành mối lo ngại thực sự cho chủ đầu tư. Song, tại sao chúng ta rất khó gạt bỏ được những nhà thầu này?” – TS Long đặt câu hỏi và câu trả lời của ông là: Do chúng ta đang thiếu các quy định rõ ràng trong Luật và Hiệp định vốn về việc đồng thời cho phép áp dụng Luật Chống phá giá đối với các nhà thầu cố tình bỏ giá thấp. Rõ ràng đây là điểm yếu của Luật Đấu thầu mà đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Đầu tư dàn trải và hệ lụy
Ở góc độ quản lý đầu tư xây dựng, ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam bày tỏ sự bất bình về thực trạng đầu tư một cách dàn trải hiện nay. Thời gian qua, chúng ta đã phải trả giá cho nhiều dự án đầu tư theo "phong trào”, theo nhiệm kỳ gây thất thoát lãng phí rất lớn. Hàng loạt nhà máy xi măng, nhà máy đường, sân bay, chợ… mọc lên rồi nhà máy đường không hoạt động vì thiếu nguyên liệu, cảng không có tàu cập bến, chợ không có người họp… Và đến nay thực trạng này vẫn diễn ra khi hàng loạt công trình thủy điện vừa và nhỏ tiếp tục được triển khai. Bởi vậy, đặt vấn đề sửa đổi Luật Xây dựng đồng thời với việc đổi mới đồng bộ, toàn diện cơ chế đầu tư xây dựng đặc biệt là từ nguồn vốn Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, đây là vấn đề cần thiết và cấp bách.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ khắc phục những hạn chế của Luật Xây dựng 2003, trong đó đáng chú là được bổ sung một số điểm mới như: Điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng; Đảm bảo các hoạt động đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch và được kiểm soát chặt chẽ trên cơ sở tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước; Kết hợp với việc xác lập quan hệ bình đẳng, phân định rõ trách nhiệm giữa các chủ thể tham gia nhằm nâng cao chất lượng xây dựng, khắc phục tình trạng thất thoát lãng phí, hiệu quả thấp…
Bộ trưởng cũng cho biết, Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) còn tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng; Thống nhất quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng thông qua việc cấp giấy phép xây dựng, đảm bảo sự bình đẳng giữa các đối tượng được xét cấp giấy phép xây dựng và công khai, minh bạch về quy trình, thủ tục cấp giấy phép.
Dự kiến, Quốc hội sẽ phê duyệt Luật Xây dựng sửa đổi vào năm 2014.
Theo TS Trần Ngọc Long, việc quá mở trong quy định về chủ đầu tư, trong khi nhiều chủ đầu tư không đủ kinh nghiệm cũng như trình độ chuyên môn… dẫn đến việc cơ quan quản lý Nhà nước hoặc cấp quyết định đầu tư luôn trong tình trạng bị động, thậm chí bất lực khi xử lý tình trạng công trình chậm tiến độ, kém chất lượng và kể cả việc bị đội giá thành.
Ông Long cho rằng, mỗi chủ thể tham gia xây dựng đều phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với những sản phẩm, kết quả công việc được giao, song chủ đầu tư với vai trò "nhạc trưởng” của dự án phải là chủ thể chịu trách nhiệm đối với sự thành công của dự án. Bởi vậy, đối với dự án đầu tư công, Luật Xây dựng (sửa đổi) cần đưa ra những quy định rõ ràng, cụ thể về điều kiện, tiêu chí lựa chọn và hướng tới xây dựng tổ chức chuyên nghiệp làm chủ đầu tư các dự án đầu tư công như kinh nghiệm của các nước phát triển. "Nếu làm được như vậy, trong tương lai, đất nước sẽ có một bộ máy tổ chức chuyên nghiệp, ngày càng được hoàn thiện để quản lý các dự án đầu tư công” - ông Long khẳng định.
Đối với quy định về lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng, TS Trần Ngọc Long cũng bày tỏ ý kiến bất đồng với quy định về việc lựa chọn nhà thầu giá thấp.
Ngăn chặn tình trạng bỏ thầu giá thấp
Trong quy định của Luật Đấu thầu, từ những năm 1995 – 1996 (cách đây gần 20 năm) đã xuất hiện phổ biến tình trạng nhà thầu bỏ giá thấp để trúng thầu, thậm chí chỉ với giá bỏ thầu khoảng 40% giá dự toán với lập luận "trúng thầu giá thấp thì chết từ từ, không trúng thì chết tức khắc”. Và xung quanh quy định này, đã có nhiều cuộc hội thảo được diễn ra xoay quanh chủ đề "Nhà thầu trúng thầu giá thấp với nguy cơ phá sản” song chưa có giải pháp nào hiệu quả để khắc phục tình trạng này.
TS Long cho hay, kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, để ngăn chặn tình trạng bỏ thầu giá thấp, cần đồng thời áp dụng nghiêm ngặt Luật Chống phá giá. Đề xuất này cũng đã được đưa ra bàn nhiều song tiếc rằng cho đến nay việc áp dụng đồng thời Luật Đấu thầu và Luật Chống phá giá trong lựa chọn nhà thầu dường như chưa được quan tâm. "Điều tệ hại là ngay cả đối với các dự án vốn ODA đấu thầu quốc tế rộng rãi, song vẫn có nhiều nhà thầu quốc tế cố tình bỏ giá thấp để trúng thầu và ngay lập tức trở thành mối lo ngại thực sự cho chủ đầu tư. Song, tại sao chúng ta rất khó gạt bỏ được những nhà thầu này?” – TS Long đặt câu hỏi và câu trả lời của ông là: Do chúng ta đang thiếu các quy định rõ ràng trong Luật và Hiệp định vốn về việc đồng thời cho phép áp dụng Luật Chống phá giá đối với các nhà thầu cố tình bỏ giá thấp. Rõ ràng đây là điểm yếu của Luật Đấu thầu mà đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Đầu tư dàn trải và hệ lụy
Ở góc độ quản lý đầu tư xây dựng, ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam bày tỏ sự bất bình về thực trạng đầu tư một cách dàn trải hiện nay. Thời gian qua, chúng ta đã phải trả giá cho nhiều dự án đầu tư theo "phong trào”, theo nhiệm kỳ gây thất thoát lãng phí rất lớn. Hàng loạt nhà máy xi măng, nhà máy đường, sân bay, chợ… mọc lên rồi nhà máy đường không hoạt động vì thiếu nguyên liệu, cảng không có tàu cập bến, chợ không có người họp… Và đến nay thực trạng này vẫn diễn ra khi hàng loạt công trình thủy điện vừa và nhỏ tiếp tục được triển khai. Bởi vậy, đặt vấn đề sửa đổi Luật Xây dựng đồng thời với việc đổi mới đồng bộ, toàn diện cơ chế đầu tư xây dựng đặc biệt là từ nguồn vốn Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, đây là vấn đề cần thiết và cấp bách.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ khắc phục những hạn chế của Luật Xây dựng 2003, trong đó đáng chú là được bổ sung một số điểm mới như: Điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng; Đảm bảo các hoạt động đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch và được kiểm soát chặt chẽ trên cơ sở tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước; Kết hợp với việc xác lập quan hệ bình đẳng, phân định rõ trách nhiệm giữa các chủ thể tham gia nhằm nâng cao chất lượng xây dựng, khắc phục tình trạng thất thoát lãng phí, hiệu quả thấp…
Bộ trưởng cũng cho biết, Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) còn tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng; Thống nhất quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng thông qua việc cấp giấy phép xây dựng, đảm bảo sự bình đẳng giữa các đối tượng được xét cấp giấy phép xây dựng và công khai, minh bạch về quy trình, thủ tục cấp giấy phép.
Dự kiến, Quốc hội sẽ phê duyệt Luật Xây dựng sửa đổi vào năm 2014.
Theo Đại Đoàn Kết