• Khung giá đất đô thị chỉ bằng 30-60% giá thị trường

    Theo báo cáo mới nhất về tình hình quản lý, sử dụng đất năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 trên phạm vi cả nước vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) công bố, thì mức giá đất ở tại các đô thị lớn vẫn thấp hơn nhiều, chỉ bằng khoảng 30 - 60% so với mức giá đất ở tương ứng về vị trí trên thị trường. Bên cạnh đó, nhiều bất cập cũng bộc lộ rõ
    .

    Khung giá lạc hậu

    Theo đánh giá của Chính phủ, mức giá đất ở tại các đô thị lớn vẫn thấp hơn nhiều, chỉ bằng khoảng 30 - 60% so với mức giá đất ở tương ứng về vị trí trên thị trường. Một số tỉnh chưa khắc phục được những tồn tại, hạn chế của bảng giá đất ban hành trong các năm trước đây. Việc áp dụng một mức giá quá rộng với biên độ chênh lệch giữa giá cao nhất và giá thấp nhất quá lớn (thực chất cũng là khung giá), mức giá đất xác định theo khoảng hệ số mà khoảng này có biên độ chênh lệch quá lớn v.v... đã dẫn đến tình trạng tuỳ tiện khi áp giá đất trong những trường hợp cụ thể.

    “Mức giá đất ở trong khung giá đất do Chính phủ quy định lạc hậu so với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường, nhưng chưa được điều chỉnh cho phù hợp” - báo cáo nêu rõ.

    Ở bức tranh chung, báo cáo cho biết, có 6/12 đô thị loại 2 giữ nguyên giá đất ở như năm 2011; 2/12 đô thị điều chỉnh tăng và 4/12 đô thị điều chỉnh giảm. Còn giá đất tại 10 đô thị loại 1 cơ bản được giữ nguyên so với năm 2011. Đô thị loại đặc biệt (Hà Nội và TPHCM) vẫn giữ nguyên mức giá đất ở tối đa 81 triệu đồng/m2 như năm 2011. Phần lớn các tỉnh quy định giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp bằng khoảng 55% - 80% mức giá đất ở.

    Một trong những nguyên nhân dẫn đến bấp cập trong xây dựng bảng giá đất được chỉ ra là do năng lực và thời gian đầu tư cho hoạt động này còn hạn chế. Hiện mới chỉ có 6/63 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Long An, Thái Bình và Lai Châu thuê tổ chức tư vấn giá đất làm dịch vụ xây dựng bảng giá đất. Việc xây dựng bảng giá đất tại địa phương chủ yếu do các cơ quan tham mưu giúp việc cho UBND các cấp thực hiện, do vậy, năng lực và thời gian đầu tư cho hoạt động xây dựng bảng giá đất cũng có hạn.

    Nhiều sai phạm pháp luật đất đai

    Đáng chú ý, theo báo cáo này (cập nhật đến ngày 8.6.2012) cho thấy đang xuất hiện nhiều sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai. Theo đó, kết quả triển khai kiểm tra và xử lý đất của các tổ chức vi phạm được thể hiện qua nhiều con số khá lớn. Cụ thể, có 5.828 tổ chức vi phạm với diện tích 73.992,96ha, trong đó: Đã xử lý 3.670/5.828 tổ chức (đạt 61,84%) với diện tích đất 14.323,20ha/73.992,96ha (đạt 19,33%).

    Trong đó, đã thu hồi đất của 792 tổ chức với diện tích 12.550,40ha. Xử lý bằng các hình thức yêu cầu đưa đất vào sử dụng, cho phép chuyển mục đích, điều chỉnh xây dựng, xử lý trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... đối với 1.135 tổ chức với diện tích 1.353,99ha. Lập hồ sơ để thu hồi đất của 163 tổ chức với diện tích 1.501,91ha. Thu nộp vào ngân sách nhà nước trên 96 tỉ đồng.

    Báo cáo cũng cho biết, năm 2011 Thủ tướng đã giao Bộ TNMT kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng đất tại các KCN, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung tại 5 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ (đã tập trung kiểm tra 316 khu với diện tích 20.000ha). Tuy nhiên, chưa có con số cụ thể về kết quả.

    Theo lãnh đạo của Bộ TNMT, qua tiến hành rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất tại các dự án trên phạm vi cả nước để làm rõ tình trạng dự án chậm triển khai thực hiện, để đất hoang gây bất bình trong dư luận, đặc biệt là các dự án có sử dụng đất tại 5 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ, hiện bộ đang tổng hợp báo cáo của các địa phương để báo cáo, đề xuất các giải pháp. Kết quả bước đầu cho thấy tình trạng đất đã được bàn giao cho chủ đầu tư nhưng một số dự án, công trình KCN, cụm công nghiệp, khu đô thị còn chậm đưa vào sử dụng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư. Nguyên nhân do năng lực tài chính, kỹ thuật của các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp còn hạn chế; tình trạng chậm triển khai dự án hoặc không sử dụng để hoang là do chính quyền chậm hoàn thành công tác bồi thường, GPMB...

    Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo Bộ TNMT khẳng định, trong 6 tháng cuối năm, một trong các giải pháp được Chính phủ xác định sẽ tập trung chỉ đạo là thực hiện việc thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm việc chấp hành pháp luật đất đai trong công tác giao đất, cho thuê đất tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp kể từ ngày Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực. Tiếp tục xử lý vi phạm đất của các tổ chức được Nhà nước giao và cho thuê, tăng cường chỉ đạo các địa phương giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo về đất đai; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài; giảm thiểu các vụ việc khiếu nại mới phát sinh.
    Theo Lao động
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê