• Khổ vì quy hoạch “treo” chồng “treo”

    Một thực tế buồn hiện nay mà TP.HCM chưa tìm được cách tháo gỡ: dù nhiều dự án treo đã bị thanh tra và có quyết định loại bỏ, thế nhưng quy hoạch tổng thể thì vẫn "treo”. Lý do chủ yếu là đa số các dự án "treo” thuộc quy hoạch khu hỗn hợp mà chưa có quy hoạch chi tiết. Trong khi, quá trình này phải mất từ 5 – 10 năm tùy theo tình hình thu hút đầu tư của mỗi địa phương.
    Không chỉ dự án do địa phương cấp phép, dự án quốc gia cũng bị "treo” vì nhiều lý do khác nhau

    Dự án "treo” trong quy hoạch "treo”

    Trong năm 2013 TP.HCM đã thực hiện rà soát và thu hồi khoảng trên 80 dự án chậm triển khai, tuy nhiên đến nay có quá nữa các khu vực dự án này còn quy hoạch "treo”. Điển hình như khu vực dự án đa chức năng tại P.Tân Hưng (Q.7) rộng 15ha vừa được thành phố thu hồi lại do chậm triển khai. Trước đó, từ tháng 12/2009 thành phố đã giao cho Công ty CP Đầu tư Hoàng Tháp nghiên cứu xây dựng khu dự án phức hợp (khu dân cư, thương mại, trường học, bệnh viện). Tuy nhiên đến tháng 8/2012 thì TP không đủ kiên nhẫn để chờ đợi chủ đầu tư, đã có quyết định thu hồi lại dự án. Chưa dừng lại ở đó, dù đã gần 2 năm trôi qua sau quyết định thu hồi dự án, nhưng đến nay khu nay vẫn là vùng quy hoạch "treo”. Theo ông Lê Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND P.Tân Hưng (Q.7) thì lý do chính vẫn là do khu vực dự án chưa có quy hoạch chi tiết, mới quy hoạch 1/5.000 (khu hỗn hợp).

    7 dự án khác cũng trong tình trạng tương tự thuộc khu vực xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh), gồm dự án khu dân cư Bình Minh Gia Lộc, khu nhà ở xã hội, trung tâm thương mại dịch vụ, khu dân cư Nam Sài Gòn,….Tổng cộng khu vực các dự án treo rộng 70 ha, nhưng triển khai quá chậm so với kế hoạch, thậm chí chưa bồi thường và giải phóng mặt bằng.

    Người dân than trời

    Anh Nguyễn Hoài Lương, một cư dân có đất thuộc khu vực dự án tại xã Bình Hưng buồn bã: "Thành phố xóa dự án treo và cho phép người dân chúng tôi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hoặc xây sửa nhà cửa để ở, nhưng trong quá trình làm thủ tục thì lại "tá hỏa” vì quy hoạch "treo” vẫn chưa được xóa. Cực chẳng đã, chúng tôi đành phải tiếp tục chờ, chờ và chờ…”. Cũng như anh Lương, chị Nguyễn Thị Phấn (hiện tạm trú tại chung cư Lạc Long Quân, Q.11) cho biết, đã gần 2 năm nay chị chờ đợi thành phố xóa quy hoạch treo tại khu vực dự án khu phức hợp Đầm Sen (Q.11), thế nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy. "Tôi nghe nói người ta đã xóa dự án án treo cho khu này và đang làm thủ tục để trao giấy phép đầu tư cho chủ đầu tư mới. Nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy”.

    Bên cạnh các dự án "treo” nằm trong vùng quy hoạch "treo”, thời gian qua các đoàn giám sát của TP.HCM cũng đã rà soát, phát hiện và rút giấy phép các dự án không đủ điều kiện triển khai, tồn tại lay lắt, đã ảnh hưởng xấu đến lòng tin của người dân có đất bị thu hồi. Như Dự án Khu đô thị ĐH Quốc tế dự kiến được xây dựng tại huyện Hóc Môn với tổng vốn đầu tư cam kết khoảng 3,5 tỷ USD, nhưng đến nay tập đoàn Berjaya vẫn chưa thấy triển khai xây dựng, trong khi hàng trăm ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Tương tự, Khu Dự án Phong Phú 2 (huyện Bình Chánh) có quy mô rộng khoảng 127ha được chấp thuận đầu tư từ tháng 5/2009, đã gia hạn một lần vào năm 2010. Thế nhưng đến nay dự án này mới bồi thường giải phóng mặt bằng được khoảng 48%, khiến UBND TP.HCM buộc phải ra quyết định không cho gia hạn tiếp.

    Không chỉ đối với các dự án do UBND TP.HCM cấp phép đầu tư, một số dự án quốc gia đi qua địa bàn cũng nằm trong tình trạng chậm triển khai hoặc đầu tư lay lắt năm này qua năm khác để "câu” vốn. Đại Đoàn Kết từng có bài phản ánh tình trạng Công trình Tòa nhà Văn phòng làm việc của các đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường Cao tốc Việt Nam (VEC) tại phía Nam, thuộc Dự án xây dựng Đường Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đặt tại P.Phú Hữu (Q.9) dù được thuận chủ trương từ năm 2007 nhưng cho đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. Xung quanh công trình cỏ mọc cao hơn đầu người… Theo tìm hiểu, công trình Tòa nhà Văn phòng làm việc của các đơn vị trực thuộc VEC tại phía Nam do Công ty CP Bất động sản Đường cao tốc Việt Nam (VECLAND) làm chủ đầu tư, trong khi đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng Sơn Hải. Công trình được Bộ GT-VT thuận chủ trương chung từ năm 2007, là công trình thuộc Đường cao tốc TP.HCM– Long Thành – Dầu Giây. Từ văn bản của Bộ GT-VT, UBND TP.HCM đã giao các đơn vị phối hợp chỉ đạo tìm vị trí quỹ đất còn trống thuộc khu vực Q.2 – nơi có địa thế gần đường cao tốc và vành đai trung tâm để phục vụ cho hạng mục dự án. Tuy nhiên, sau đó, UBND thành phố lại có văn bản chỉ đạo thay đổi địa điểm xây dựng hạng mục sang khu vực Gò Trang, phường Phú Hữu (Q.9), một khu vực cách xa trung tâm thành phố.

    Dù với nhiều lý do khác nhau, thế nhưng tình trạng xóa dự án treo nhưng vẫn bị "thòng” bởi quy hoạch "treo” đang khiến nhiều hộ dân có đất thuộc các dự án này đang phải "sống dở chết dở” trong mòn mỏi chờ đợi.

    Theo Đại Đoàn Kết
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê