• Hàng loạt dự án nghỉ dưỡng tại Huế "có vấn đề"

    Khoảng 120 km bờ biển “vàng” của tỉnh Thừa Thiên Huế dường như đã bị băm nát, hầu hết đã được các chủ đầu tư dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng “xí phần”.


    Phối cảnh tổng thể Khu du lịch Laguna Huế
    Tuy nhiên, đến nay, số lượng dự án đưa vào sử dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay… Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước và triển khai thực hiện các dự án đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2001 - 2010. Theo đó, nhiều dự án được cấp phép với diện tích lớn, nhưng triển khai rất chậm.

    Cao điểm cấp phép đầu tư với những dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại Thừa Thiên Huế tập trung vào các năm 2007, 2008 - thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành và trao quyền cấp phép cho địa phương. Theo Kết luận thanh tra, năm 2007, tại Thừa Thiên Huế, đã có 14 dự án được cấp phép đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 15.400 tỷ đồng, chiếm diện tích đất gần 578 ha. Năm 2008, đã có 10 dự án được cấp phép đầu tư, với tổng vốn đăng ký 13.550 tỷ đồng, chiếm diện tích đất gần 670 ha.

    Cho đến thời điểm Đoàn thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào cuộc, đã có 44 dự án được cấp phép (4 dự án đã bị thu hồi giấy phép đầu tư), 40 dự án đang hoạt động có tổng vốn đăng ký khoảng 30.550 tỷ đồng. Tuy nhiên, Đoàn thanh tra đã phát hiện một thực trạng đáng lo ngại là, số vốn thực hiện chỉ đạt 1.318 tỷ đồng, bằng 4,3% vốn đăng ký.

    Bắt tay vào thanh, kiểm tra 29/40 dự án, cơ quan thanh tra phát hiện nhiều sai sót trong việc triển khai dự án. Đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra 2 dự án đã xây dựng xong, đi vào hoạt động. Tại Dự án Khu du lịch Thuận An - Tân Mỹ, Đoàn thanh tra phát hiện chủ đầu tư Dự án là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thuận An trong quá trình thực hiện Dự án đã vay vốn ngân hàng để đầu tư. Do hoạt động thua lỗ, bị phát mại và bán đấu giá tài sản. Tháng 1/2009, Công ty cổ phần Điện tử tin học đã mua lại dự án này, nhưng nhà đầu tư chưa làm lại thủ tục đăng ký đầu tư sau khi chuyển nhượng dự án. Tại Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Làng Hành Hương đã sử dụng hơn 5.500 m2 đất ở, đất vườn vào việc xây dựng khu du lịch để kinh doanh, nhưng chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

    Tại 4 dự án đã hoàn thành một phần đưa vào sử dụng, Đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều sai sót. Cụ thể, tại Dự án Khu du lịch Thanh Tâm được cấp giấy chứng nhận đầu tư có thời hạn thuê đất là 50 năm, nhưng trong hợp đồng thuê đất, thì thời hạn thuê đất chỉ có 34 năm. Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Làng Xanh Lăng Cô tạm ngừng triển khai một số hạng mục công trình, song không thông báo với cơ quan nhà nước, vốn pháp định của doanh nghiệp chưa góp đủ.

    Dự án Khu du lịch sinh thái Lăng Cô chưa triển khai thực hiện giai đoạn II, do chưa giải phóng được mặt bằng. Còn Dự án Khu nghỉ mát Lăng Cô, Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Du lịch Lăng Cô thực hiện giai đoạn III của Dự án được phép xây dựng biệt thự để bán, cho thuê không phù hợp với nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty này (không có có ngành nghề kinh doanh bất động sản).

    Các dự án đang triển khai xây dựng cũng có vấn đề: Dự án Laguna Huế được miễn tiền thuê đất 15 năm đối với diện tích 994.000 m2 để phục vụ hoạt động giải trí là chưa đúng quy định; Dự án Khu du lịch sinh thái Vedanna chưa thực hiện việc xin miễn tiền thuê đất theo quy định; Dự án Khu nghỉ dưỡng ven biển Lăng Cô chậm tiến độ (khởi công từ năm 2007, cam kết hoàn thành vào năm 2010, nhưng đến nay, vẫn trong quá trình xây dựng).

    Dự án Khu Du lịch bến thuyển Thể thao du lịch dưới nước Lăng Cô chậm tiến độ 12 tháng so với giấy chứng nhận đầu tư, khối lượng thực hiện mới đạt hơn 18% tổng vốn đầu tư; Dự án Khu du lịch sinh thái Về Nguồn chậm tiến độ 36 tháng, nhưng chưa có văn bản cho phép gia hạn tiến độ; Dự án Khu du lịch Làng Việt chưa có quyết định của UBND tỉnh cho thuê đất, chưa ký hợp đồng cho thuê đất, nhưng vẫn thực hiện bàn giao giải phóng mặt bằng vào ngày 30/7/2009 và đang trong quá trình xây dựng.

    Đoàn thanh tra xác định, 2 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng và 4 dự án mới hoàn thành một phần đều chậm tiến độ. Các dự án đang triển khai xây dựng cũng chậm tiến độ, vốn thực hiện các dự án này chỉ đạt 706 tỷ đồng/hơn 19.500 tỷ đồng vốn đầu tư đăng ký (bằng 4%). Đặc biệt là các dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển Lăng Cô (vốn đăng ký 13.879 tỷ đồng, thực hiện 517 tỷ đồng, bằng 4%), Dự án Khu du lịch bến thuyền Thể thao dưới nước Lăng Cô (vốn đăng ký 80,4 tỷ đồng, thực hiện 13,6 tỷ đồng, bằng 17%), Dự án Khu du lịch xanh Lăng Cô (vốn đăng ký 169 tỷ đồng, thực hiện 11,5 tỷ đồng, bằng 7%)… Cá biệt, có 5 dự án gần như không triển khai xây dựng, đang bị kiến nghị thu hồi.

    Tổng hợp 29 dự án đã kiểm tra, tính đến ngày 31/12/2010, vốn thực hiện chỉ đạt hơn 1.200 tỷ đồng/29.207 tỷ đồng vốn đầu tư (đạt 4%), trong khi đó diện tích đất đã giao cho các dự án này thực hiện là 390/753,8 ha đất đăng ký (bằng 52%).

    Theo Báo Đầu tư
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê