• Hai đề xuất mới từ Bộ Giao thông vận tải

    Bộ Giao thông Vận tải vừa đưa ra ba phương án liên quan đến việc xây mới, bảo tồn cầu Long Biên và đề xuất xe điện được hoạt động đại trà.
    Bộ Giao thông Vận tải vừa báo cáo Thủ tướng cho phép xe điện được hoạt động phục vụ khách du lịch, sau khi 3 địa phương thí điểm có hiệu quả.

    Việc cho phép loại hình xe điện 4 bánh hoạt động tại các điểm du lịch, khu phố cổ thuộc nội thành, thị xã của các tỉnh, thành phố cũng được Bộ này cho là phù hợp.

    Nếu được chấp nhận, Bộ Giao thông sẽ ban hành quy định tạm thời về tổ chức, quản lý đối với loại hình này như quy định với người điều khiển phương tiện, quy định đăng kiểm.

    Xe điện sắp phổ biến ở các khu du lịch?

    Các địa phương sẽ có nhiệm vụ xây dựng phương án tổ chức mạng lưới tuyến tại các khu du lịch, khu phố cổ cũng như chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý hoạt động của xe điện để đảo bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự đô thị.

    Theo bộ Giao thông Vận tải, mỗi địa bàn tối đa không quá 150 xe hoạt động.

    Theo Bộ Giao thông, nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… cũng đang sử dụng loại hình này tại các khu du lịch và việc quản lý cũng được thực hiện trên cơ sở quy định cụ thể về tuyến đường, thời gian, số lượng xe, phạm vi hoạt động.

    Ba phương án bảo tồn cầu Long Biên

    Bộ Giao thông vận tải cũng vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội về các phương án xây cầu vượt sông Hồng thuộc dự án xây dựng đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi (Hà Nội) giai đoạn I.

    Theo đó, với phương án 1, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra là xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu Long Biên hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn.

    Cầu dùng cho cả đường sắt và đường bộ gồm đường sắt đôi chạy giữa, hai bên cánh gà dành cho đường ôtô (xe buýt), xe máy và xe thô sơ. Còn 9 nhịp cầu Long Biên đầu cầu phía Hà Nội còn nguyên bản sẽ di dời về phía thượng lưu (cách cầu hiện tại 85m) để bảo tồn.

    Cầu Long Biên (Ảnh: Internet)

    "Phương án 1 sẽ tốn khoảng 867 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng và xây dựng cần đến 7.982 tỷ đồng," văn bản của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ.

    Với phương án 2, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra là xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự của cầu Long Biên hiện nay như thiết kế ban đầu năm 1902.
    Cầu mới được dùng cho cả đường sắt, đường bộ (đường sắt đôi chạy ở giữa, ô tô, xe máy, xe thô sơ đi hai bên cánh gà). Phương án này cần khoảng 867 tỷ đồng giải phóng mặt bằng và cần 9.094 tỷ đồng để xây dựng.

    Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra phương án 3 là xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.

    Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng nhìn nhận, phương án 3 này phải cần đến số tiền là 989 tỷ đồng giải phóng mặt bằng và cần 9.389 tỷ đồng xây dựng, gần tương đương với phương án 2.

    Trên cơ sở so sánh tổng hợp các phương án kết cầu và bảo tồn cầu Long Biên cũ, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, cả 3 phương án trên diện tích chiếm dụng đất của dự án khoảng hơn 60.000m2 và di dời hơn 600 nhà dân.

    Như vậy phương án tối ưu và cũng để đồng bộ với dự án tôn tạo cầu Long Biên theo Bộ GTVT là làm cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn với chi phí khoảng 7.982 tỷ đồng.

    Dù kiến nghị chọn phương án nói trên, song Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa thêm hai phương án khác để các bộ, ngành xem xét.

    Một là xây cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại, có kết cấu nhịp dàn thép như thiết kế năm 1902 với kinh phí 9.100 tỷ đồng. Hai là xây cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cũ để bảo tồn.

    Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội và các Bộ, ngành xem xét, có ý kiến thống nhất phương án lựa chọn làm cơ sở để Bộ GTVT chỉ đạo Đường sắt Việt Nam tiếp tục triển khai các bước tiếp theo.

    Trước đó, ngày 25/10/2013, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - chủ đầu tư dự án tuyến đường sắt Ngọc Hồi - Yên Viên nghiên cứu phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng trùng với cầu Long Biên hiện có.

    Hướng tuyến hai đầu cầu trùng với hướng tuyến đường sắt hiện có và xây dựng cầu đường sắt cho dự án đường sắt đô thị số 1 đồng bộ với dự án tôn tạo cầu Long Biên.
    Tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi có chiều dài 28,6 km do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư, được khởi công năm 2013, dự kiến hoàn thành năm 2017.

    Cầu Long Biên được người Pháp xây dựng từ năm 1898. Trong những năm 1898 - 1903 chỉ có xe lửa chạy giữa và 2 bên là đường bộ hành. Sau đó 3 năm tiếp theo mới mở dần ra hai bên và đến năm 1930 xe ôtô mới được phép qua cầu.

    Hiện nhiều mấu trụ cầu bị hư hỏng, xuống cấp. Từ nhiều năm nay, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty đường sắt Việt Nam nghiên cứu phương án khôi phục cây cầu là biểu tượng văn hóa của người Hà Nội này.
    Theo VTC News
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê