• Hà Nội: Giao đất dịch vụ cho dân tiến độ "rùa bò"

    Lý giải nguyên nhân dẫn đến kết quả giao đất dịch vụ (DV) trên địa bàn thành phố đạt con số quá thấp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN-MT) Nguyễn Minh Mười cho biết, trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, chủ yếu về đối tượng xét duyệt và cơ chế giao đất DV.
    Nhiều dự án đất dịch vụ của Hà Nội thi công chậm chạp hoặc bỏ hoang

    Thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề bằng hình thức giao đất dịch vụ (DV) cho các hộ dân, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi, UBND thành phố Hà Nội đã nhiều lần chỉ đạo các địa phương phải khẩn trương hoàn thành việc giao đất để ổn định đời sống cho người dân (kể cả giao đất trên bản đồ). Nhưng đến thời điểm này, tiến độ thực hiện ở hầu hết các quận, huyện, vẫn còn rất chậm bởi những bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng (GPMB), đặc biệt là nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật còn khó khăn, khiến các địa phương “lúng túng” trong triển khai thực hiện.

    Nhiều nơi chưa giao đất

    Theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, tính đến tháng 5-2013, tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi trên địa bàn thành phố thuộc diện được giao đất DV là 7.735,1 ha; tổng nhu cầu đất DV phải giao là 788,6ha (đất thương phẩm), với tổng số hộ có nhu cầu đất DV là 77.543 hộ. Trong đó, đã có 731,4 ha đất DV có quyết định thu hồi, gồm cả đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật (HTKT), đạt khoảng 65% so với tổng nhu cầu. Hiện quỹ đất DV còn thiếu khoảng 207 ha (nếu tính cả diện tích xây dựng HTKT là 295 ha). Tuy nhiên, trong tổng diện tích trên mới có 57,9ha đang triển khai GPMB (đạt khoảng 43%) và 258,8ha xây dựng xong HTKT (đạt 35%).

    Đáng chú ý là kết quả giao đất DV cho các hộ dân đạt quá thấp so với nhu cầu. Toàn thành phố mới giao được 48,44ha, tương ứng với 9.080 hộ, đạt khoảng 11% số hộ có nhu cầu. Hiện chỉ có huyện Đan Phượng là cơ bản giao xong đất DV cho các hộ dân (đạt khoảng 90%) và quận Hà Đông đạt khoảng 20%, dự kiến đến hết năm 2013 giao thêm gần 6.500 hộ thì Hà Đông mới đạt 41%. Còn lại các quận, huyện khác tiến độ triển khai thực hiện rất chậm, thậm chí có một số nơi chưa giao được cho hộ nào như: Mê Linh, Thạch Thất, Từ Liêm, Quốc Oai, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm...

    Vướng mắc cả đôi đường

    Lý giải nguyên nhân dẫn đến kết quả giao đất DV trên địa bàn thành phố đạt con số quá thấp, ông Nguyễn Minh Mười cho biết, trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, chủ yếu về đối tượng xét duyệt và cơ chế giao đất DV.

    Điển hình tại huyện Mê Linh, một số khu đã xây xong HTKT nhưng không tiến hành giao đất DV cho các hộ dân được; trong khi đó, nhu cầu đất DV của huyện này lên tới 37,7ha, tương ứng 9.935 hộ. Cụ thể, về đối tượng (trước khi sáp nhập về Hà Nội), huyện Mê Linh áp dụng theo quy định tại Quyết định số 2502/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp để phát triển khu, cụm công nghiệp, du lịch, dịch vụ và đô thị thì được giao đất DV. Nay các hộ dân kiến nghị khi Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào các mục đích khác như xây dựng HTKT, hạ tầng xã hội đều được giao đất DV. Hay về thời gian được giao đất, theo quy định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc thì các hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp từ ngày 22-7-2004 đến 1-8-2008 thì được giao đất DV, nhưng các hộ dân kiến nghị bị thu hồi đất trước ngày 22-7-2004 lùi đến ngày 15-10-1993 (ngày giao đất theo Nghị định 64/NĐ-CP) cũng được giao đất DV, nhất là các hộ bị thu hồi từ năm 2002 - 2004 tại dự án khu công nghiệp Quang Minh khiếu kiện rất gay gắt.

    Đối với một số quận, huyện khác, các hộ dân kiến nghị hồi tố thời gian bị thu hồi đất nông nghiệp được giao đất DV, cụ thể nếu bị thu hồi đất từ ngày Nghị định 17/2006/NĐ-CP có hiệu lực đến ngày UBND tỉnh Hà Tây ban hành Quyết định 1537/QĐ-UBND và UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 33/2008/QĐ-UBND về chính sách giao đất DV thì cũng được xét giao đất DV. Trường hợp một số hộ dân được giao đất nông nghiệp diện tích lớn, đã chia cho các con canh tác ổn định, nhưng chưa làm thủ tục chia tách theo quy định của Luật, các hộ cũng đề nghị được giao đất DV theo hộ đã chia tách.

    Tương tự như huyện Mê Linh, vướng mắc nhất của Hà Đông trong thời gian qua là công tác xét duyệt đối tượng được giao đất DV. Thực tế, có nhiều phường nhân dân đã bị thu hồi gần hết diện tích đất nông nghiệp để thực hiện các dự án, trong đó có nhiều hộ bị thu hồi với diện tích lớn (lên tới 5000- 6000m2), nhưng nếu theo nguyên tắc tính 10% diện tích bị thu hồi và hạn mức giao đất thì các hộ này cũng chỉ được giao 50m2 đất DV. Trong khi đó, có những hộ chỉ bị thu hồi khoảng 500m2 cũng được giao 1 lô 50m2 đất.

    Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Nguyễn Trường Sơn cho rằng, nếu áp dụng "cứng" theo nguyên tắc đó và tối đa không quá 50m2/hộ theo quy định tại Quyết định 1098/2007/QĐ-UBND của tỉnh Hà Tây trước đây thì không đảm bảo tính công bằng giữa hộ bị thu hồi diện tích lớn với hộ bị thu hồi diện tích nhỏ nên không được nhân dân đồng tình ủng hộ, dẫn đến việc thực hiện GPMB tại các dự án bị chẫm trễ.

    Một bất cập nữa đối với Hà Đông là một số nơi chưa thực hiện giao ruộng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nhân dân theo Nghị định 64/CP nên hồ sơ quản lý thiếu chặt chẽ, khi xét duyệt đối tượng đã phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo.

    Thiếu kinh phí

    Đánh giá của Sở TN-MT Hà Nội cho thấy, việc cân đối, xác định quỹ đất, địa điểm các khu đất DV để đầu tư xây dựng hạ tầng và giao đất DV (đất ở) cho các hộ dân không đáp ứng được tiến độ của thành phố thuộc trách nhiệm của các địa phương và một số Sở, ngành liên quan. Song bên cạnh những bất cập, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách GPMB, tình trạng chung của các quận, huyện hiện nay là thiếu vốn đầu tư xây dựng HTKT các khu đất DV do chưa được bố trí vốn kịp thời. Hay thực tế, một số doanh nghiệp được giao đất trước đây, dự án đã xây dựng xong nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ giao đất DV cho dân, đến nay khó khăn về vốn, doanh nghiệp chậm trễ hoặc thoái thác trách nhiệm ứng vốn để GPMB và xây dựng HTKT. Nếu tính sơ bộ, để GPMB và xây dựng HTKT đối với diện tích đất DV còn thiếu 295 ha thì số vốn cần khoảng 4.700 tỷ đồng.

    Theo ông Đinh Ngọc Thức, Trưởng phòng TN-MT huyện Mê Linh, huyện rất khó thực hiện được các phương án đề ra do thiếu kinh phí đầu tư hạ tầng và chưa hoàn thành GPMB. Bởi nguồn thu chủ yếu của huyện là thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng với thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay thì huyện không thể có kinh phí thực hiện các dự án này. Để giải quyết quỹ đất DV còn thiếu, huyện đề nghị các chủ đầu tư hỗ trợ bồi thường bằng tiền theo Quyết định 108/QĐ-UBND; đồng thời giao cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất của huyện rà soát quy hoạch nông thôn mới, đề xuất các vị trí đất xen kẹt (khoảng 5.000m2) báo cáo thành phố cho phép tạo quỹ đất DV để đấu giá và trả cho người dân.

    Huyện Hoài Đức cũng kiến nghị thành phố cho phép để lại 100% tiền sử dụng đất của các dự án khu đô thị nộp còn thiếu (khoảng 850 tỷ đồng) và được vay vốn từ Quỹ phát triển đất thành phố để thực hiện các dự án đất DV; đồng thời cho phép huyện được quy hoạch một số khu đất để đấu giá, tạo nguồn vốn cho địa phương.

    Từ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định: Chủ trương của thành phố trong việc giải quyết các tồn đọng về chính sách giao đất ở, đất DV là tôn trọng và thực hiện đúng các chính sách, phương án giao đất đã phê duyệt cho các hộ dân trước khi hợp nhất về Thủ đô. Do đó, thành phố yêu cầu các địa phương phải tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tồn tại để trả hết đất DV cho nhân dân nhằm ổn định cuộc sống và đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
    Theo HQ Online
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê