• Góp tiền tự xây "nhà chung: Cẩn thận để tránh tranh chấp!

    Theo pháp luật hiện hành, những người cùng sở hữu bất động sản và tài sản trên đất nếu đăng ký cấp giấy chủ quyền sẽ được chứng nhận là đồng sở hữu chủ.

    Gần đây, rộ lên xu hướng nhiều hộ gia đình cùng nhau góp tiền mua đất xây nhà dạng “chung cư mini”. Trong điều kiện giá nhà đất cao ngất ngưởng như hiện nay, những cặp vợ chồng có thu nhập khá (ví dụ khoảng 10 triệu đồng/người/tháng) nếu không có hỗ trợ của gia đình, người thân cũng khó mua nổi nhà Hà Nội sau cả chục năm đi làm, tích cóp, chứ đừng nói đến cơ hội cho những người thu nhập thấp! Thế nên, xu thế góp tiền mua nhà đang được xem là xu thế hợp lý và được rất nhiều người “ở trọ” quan tâm.

    Với dăm bảy trăm triệu đồng tích cóp được sau cả chục năm đi làm, những người chưa có nhà ở chỉ có thể tìm mua đất ở các vùng ngoại thành xa xôi, cách trung tâm tầm 20km. Khó khăn ở chỗ, nơi họ công tác và con cái học tập lại trong nội thành, nên việc mua nhà ngoại ô không hợp lý, mà mua gần khu trung tâm thì không đủ tiền. Với một mảnh đất khoảng 100m2 xây lên sáu tầng, sân thượng làm nơi phơi quần áo, tầng hầm làm nơi để xe, còn lại sáu tầng chia làm hai căn hộ riêng biệt. Sau khi tính toán, dự kiến mỗi căn hộ rộng hơn 40m2 có giá 600 triệu đồng.

    Như vậy, so với chung cư mini giá cũng tầm 800 triệu đến 1 tỷ đồng thì việc mua “nhà chung” dạng này rẻ hơn khoảng 200, 300 triệu đồng, mà lại được sống với hàng xóm là những người thân quen. Còn nếu so với mua nhà thu nhập thấp, thì tránh hoàn toàn được những thủ tục nhiêu khê, ràng buộc từ việc quản lý người ở đến chuyển nhượng kéo dài cả chục năm sau này, chưa kể, không phải ai cũng thuộc diện được xét mua nhà thu nhập thấp.

    Việc góp vốn cùng mua đất xây nhà như đã nói là khá tiện lợi cho những người đang có nhu cầu mua nhà ở hiện nay. Tuy nhiên, nhà chung thì đồng thời với chung quyền lợi, còn có trách nhiệm, nghĩa vụ chung mà nếu không lường trước được, rất dễ nảy sinh tranh chấp. Nếu là anh em, hoặc bạn bè thân thiết thì còn dễ “thương lượng” khi khúc mắc xảy ra, nhưng hiện rất nhiều người xa lạ, chung cảnh ngộ đang thuê nhà có cùng ý tưởng mua chung cũng kết hợp với nhau để hiện thực hóa mong muốn có nhà ở, nếu không có những thỏa thuận chặt chẽ và cụ thể, tranh chấp, mâu thuẫn sẽ khó tránh khỏi.

    Theo luật sư Trương Văn Hải, Đoàn Luật sư Hà Nội, trước khi thực hiện dự định góp tiền mua đất xây nhà ở chung, mọi người phải lường hết những phức tạp, bất cập có thể phát sinh, nhất là về pháp lý để tránh bị rủi ro. Trước khi quyết định mua đất, phải tìm hiểu kỹ mảnh đất mình mua có được cấp phép xây dựng nhiều tầng như dự định hay không, tránh trường hợp mua đất xong nhưng vì quy hoạch, vì an toàn đường điện… mà không được xây nhà cao tầng như dự kiến.

    Theo pháp luật hiện hành, những người cùng sở hữu bất động sản và tài sản trên đất nếu đăng ký cấp giấy chủ quyền sẽ được chứng nhận là đồng sở hữu chủ. Như vậy, để đảm bảo quyền lợi của những người cùng sở hữu căn hộ, giấy chủ quyền sẽ phải ghi tên tất cả những người này, và sẽ liên quan đến các thủ tục pháp lý sau này khi một trong số những người đồng sở hữu muốn chuyển nhượng, tặng, cho căn hộ của mình. Do đó, họ phải thống nhất cụ thể như quyền sử dụng thửa đất, sở hữu cầu thang, khu vực để xe… thì ghi là sở hữu chung, nhưng căn hộ do gia đình nào sử dụng thì xác định là tài sản riêng để sau này không gây khó dễ cho người muốn bán, tặng, cho.

    Ngoài ra, hàng loạt các vấn đề khác cũng cần được thống nhất như sử dụng khu để xe, khu tầng thượng, cầu thang, việc lắp đặt hệ thống điện nước, rồi vấn đề vệ sinh các khu vực chung, cứu hỏa… hay vấn đề đảm bảo an ninh, trật tự trong căn hộ. Khi có sự cố hư hỏng cần cải tạo, sửa chữa thì đóng góp thế nào, hoặc ở bên trong các “căn hộ nhỏ” thì chủ căn hộ đó có được tự ý cải tạo, sửa chữa không. Đặc biệt, luật sư Hải cho rằng, ngay từ khi góp vốn xây nhà, những người góp vốn nên lập thành tài khoản ngân hàng, có chữ ký của tất cả các hộ gia đình tham gia, để tránh trường hợp bị người “cầm chịch” lừa đảo. Bên cạnh đó, tất cả các thỏa thuận đều phải có chứng nhận của công chứng viên để đảm bảo tính pháp lý, làm cơ sở giải quyết khi phát sinh tranh chấp sau này.

    Theo Pháp luật và xã hội
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê