Sau gần 1 tháng triển khai cho vay, gói tín dụng ưu đãi vay mua nhà ở 30.000 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi 6%/năm vẫn chưa đi vào cuộc sống. Các yêu cầu khắt khe về điều kiện vay vốn, tài sản thế chấp... đang trở thành rào cản khiến người dân và cả doanh nghiệp xây dựng khó tiếp cận nguồn vốn giá rẻ này. Thậm chí đã xuất hiện những lo ngại gói 30.000 tỉ đồng đi chệch hướng...
Rất nhiều người đến Ngân hàng hỏi thủ tục vay gói ưu đãi 30.000 tỉ đồng và đều được hướng dẫn chi tiết... nhưng để được vay quả thực không dễ.
Không dễ giải ngân
Đây là ý kiến ghi nhận chung từ những ngân hàng (NH) nằm trong diện triển khai cho vay gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hỗ trợ mua nhà.
Theo khảo sát thực tế của PV, thái độ tiếp đón của các nhân viên NH này khá niềm nở, đặc biệt khi tư vấn cho vay ưu đãi mua nhà. Đơn cử như tại một chi nhánh NH BIDV ở quận Tân Bình (TPHCM), các nhân viên thông báo khá kỹ về quy trình tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn thủ tục vay, kèm theo là danh sách một loạt dự án nhà ở thương mại (NOTM) có diện tích 70m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, khi đi sâu vào bàn những thủ tục cụ thể, nhiều nhân viên tư vấn thừa nhận, thủ tục để vay được vốn không đơn giản. Tương tự, tại một vài chi nhánh của Agribank hay VietinBank trên địa bàn TPHCM, các nhân viên cũng đều trả lời là việc triển khai mới dừng lại ở thủ tục tiếp nhận hồ sơ để xem xét và thực tế là vẫn chưa có thể có câu trả lời ngay là có cho vay được hay không.
Giám đốc một chi nhánh NH Vietcombank ở TPHCM cho biết, trong toàn hệ thống Vietcombank chỉ mới phê duyệt được khoảng 10 hồ sơ cho cá nhân vay theo chương trình lãi suất ưu đãi 6%/năm nhưng chưa giải ngân.
“Vướng mắc nhất hiện nay chính là câu chuyện mức khởi điểm chịu thuế 9 triệu đồng đến ngày 1.7 mới có hiệu lực, do đó NH chưa thể giải ngân với những hồ sơ có mức thu nhập từ 5 - 9 triệu đồng mà phải chờ sau thời điểm trên mới có thể giải quyết. Bên cạnh đó, một trở ngại khác là hầu hết khách hàng rất khó khăn khi hoàn thiện hồ sơ vì vướng mắc ở khâu xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện ở và mức thu nhập thấp. Một số khách hàng là công chức, nhưng lại thiếu xác nhận về thực trạng nhà ở của cơ quan nơi công tác nên NH cũng không thể giải ngân được” - vị giám đốc này cho hay.
Coi chừng chệch hướng!
Đây là cảnh báo của ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Cty địa ốc Đất Lành. Theo ông Đực, sở dĩ đến thời điểm này khu vực phía nam chưa ai được vay vốn từ gói 30.000 tỉ đồng của NHNN là do thủ tục không rõ ràng.
Ngưới dân khó tiếp cận vốn vay ưu đãi vì thủ tục không rõ ràng.
“Theo thông tin mới nhất, ở phía bắc chỉ mới có vài người tiếp cận được vốn này. Như vậy là quá chậm, lẽ ra ngay từ khi ban hành các thông tư phải kèm luôn các hướng dẫn để thực hiện chứ không phải chờ đến khi chính sách đưa vào cuộc sống phát hiện ra các bất cập rồi mới hướng dẫn. Theo tôi, cần phải có những hướng dẫn rõ ràng, đối tượng nào đủ điều kiện...”, ông Đực nói.
Cũng theo ông Đực, một trong những nguyên nhân khiến ông lo ngại gói tín dụng này có nguy cơ đi chệch hướng là ban đầu, trong gói 30.000 tỉ đồng 70% dành cho người dân vay, 30% dành cho DN vay. Thế nhưng trên thực tế có NH tuyên bố dành 60% cho DN và 40% cho người dân vay. “Các NH có tâm lý thích cho DN vay hơn là cho người dân. Mỗi người dân vay vài trăm triệu đồng, cả ngàn khách hàng riêng lẻ mới bằng số vay của một DN...
Vì vậy, cần phải kiểm soát chặt việc cho vay gói 30.000 tỉ. Một vấn đề khác, theo tôi, trong phần vốn dành cho DN vay trong gói 30.000 tỉ cần quy định chỉ cho các DN có dự án dở dang vay như vậy mới đạt được mục tiêu giải quyết hàng tồn kho chứ lấy vốn 30.000 tỉ cho các dự án mới vay thì chỉ làm tăng thêm nguồn cung” - ông Đực nói thêm.
Theo Lao Động