• Gỡ "nút thắt" tín dụng: BĐS hết thời bất động?

    Ngày hôm qua 12-4, thị trường chứng khoán Việt Nam có một phiên giao dịch bùng nổ với giá trị giao dịch gần 3.000 tỉ đồng, hàng loạt cổ phiếu bất động sản (BĐS) được giới đầu tư tranh mua.
    Thị trường BĐS sẽ sớm ấm lại, thậm chí có thể nóng sốt... Nhiều người tin thế, tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế thì còn quá sớm để nói rằng thị trường đương nhiên sẽ ấm lại với các giải pháp tín dụng vừa qua và không phải doanh nghiệp BĐS nào cũng được cứu…

    Người "găm" tiền nhấp nhổm

    Ngày hôm qua 12-4, thị trường chứng khoán Việt Nam có một phiên giao dịch bùng nổ với giá trị giao dịch gần 3.000 tỉ đồng, hàng loạt cổ phiếu bất động sản (BĐS) được giới đầu tư tranh mua. Một trong những nguyên cớ là tại cuộc họp báo ngày 11-4, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tuyên bố có tới khoảng 50% nhóm đối tượng cho vay thuộc lĩnh vực BĐS được loại trừ khỏi danh mục "cấm". Thông tin này song hành với việc giảm lãi suất tín dụng khiến giới đầu tư cho rằng: "Thế là BĐS được giải cứu…".

    Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, thực tế thời gian qua tín dụng cho lĩnh vực BĐS đã từng bước mở dần. "Đến nay có thể khẳng định, trừ một số nội dung liệt kê, thì đã mở rất nhiều. Ví dụ trước đây chỉ cho vay mua nhà để ở, nay cho vay mua nhà để đầu cơ, đầu tư, để bán, để cho thuê; tương tự là cho vay xây dựng nhà để ở, để bán, cho thuê. Dư nợ liên quan đến BĐS rất lớn, phải từng bước tháo gỡ, đặc biệt là lĩnh vực nhà để ở, vì nhu cầu nhà ở lớn; mặt bằng nhà ở được cải thiện tương đối hợp lý, gần với thu nhập của người dân qua các tầng lớp, họ có khả năng tiếp cận được BĐS liên quan đến nhà ở, ở các phân khúc khác nhau" - Thống đốc nhìn nhận.

    Nới tín dụng cho BĐS, đích nhắm của NHNN là tạo điều kiện để giải phóng được hàng tồn kho BĐS, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường vừa tạo chu chuyển vốn trong nền kinh tế. Theo NHNN, việc giúp BĐS "tháo" hàng còn giúp cho nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế, tương tác với các ngành sản xuất như xi măng, sắt thép, rồi tạo công ăn việc làm…

    Trước những động thái cứu BĐS, nhiều người giữ tiền mặt đang nhấp nhổm ngó nghiêng những khu vực BĐS giá đã hạ nhiều. Với tâm lý "đồng tiền khôn là đồng tiền đi trước", không ít nhà đầu tư muốn vào cuộc sớm, kiếm lợi nhuận cao, do dự tính thị trường này có thể sớm ấm lại và tăng giá. Theo ông Phan Xuân Cần - Chủ tịch Cty BĐS Sohovietnam, những người gửi tiết kiệm chắc chắn sẽ cân nhắc tìm kiếm những cơ hội để mua BĐS rẻ, thúc đẩy tâm lý chung những người đang có ý định mua BĐS. Trong đó, nhóm người có nhu cầu mua nhà để ở, hoặc đổi nhà thì sẽ đưa ra được quyết định mua nhanh hơn.

    Bất động sản đang điêu đứng vì thiếu vốn
    .
    Mới chỉ đỡ "ngột ngạt"

    Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù mở rộng đối tượng cho vay nhưng chắc chắn ngân hàng sẽ rất thận trọng trong việc cho vay đối với các dự án, ngân hàng sẽ chọn lựa những dự án có tiến độ tốt và thanh khoản tốt mới cho vay. Ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội băn khoăn: Liệu các ngân hàng có đủ tiền để cho các dự án vay hay không, khi mà khó khăn trong tính thanh khoản của một số ngân hàng vẫn còn. Việc có vay được vốn với lãi suất thấp hay không, có trở thành hiện thực hay không còn phải xem thực tế.

    Ông Nguyễn Hữu Cường lưu ý rằng, cuối năm 2011 NHNN cũng đã có văn bản 8844 trong lúc thị trường đang "ngột ngạt", tưởng rằng chủ đầu tư như được giải nhiệt. Nhưng bản chất của công văn 8844 đó như là "thách đố", ít thực tế đối với hoạt động giao dịch ngân hàng.
    Quyết định mới cũng là sự khởi sắc hơn, mở rộng hơn cho cánh cửa của chủ đầu tư đang khan vốn, đặc biệt là bổ sung thêm cho văn bản 8844 mà trước đây quy định chỉ những dự án sắp hoàn thành trong năm 2012 và bây giờ là cả những dự án hoàn thành sau năm 2012. Bên cạnh đó, thực tế lãi suất cho vay hiện nay vẫn ở mức cao xung quanh 20% thì rất khó có lĩnh vực kinh doanh nào có thể trả được lãi cao như vậy.

    Chỉ có những doanh nghiệp đang chết lâm sàng thì họ bắt buộc phải vay. Còn ông Phan Xuân Cần nhận định: Thị trường đang rất khó khăn, khi lãi suất hạ sẽ kích thích nhu cầu mua của khách hàng nhưng chắc chắn sẽ không đột biến được mà chỉ cải thiện dần dần. Bản thân chủ đầu tư cũng cẩn trọng trong quyết định vay vốn, và họ có vay cũng chỉ vay túc tắc để triển khai dự án. Một số dự án diện tích nhỏ, giá tiền vừa phải đáp ứng đa số người dân, những dự án nhìn thấy đầu ra thì các chủ đầu tư mới dám vay.

    Mừng vì những động thái mới của NHNN, nhưng nhiều DN BĐS cũng không quá "sung sướng" mà băn khoăn, trước khi thị trường có thể chuyển biến thì DN địa ốc đã "chết" trên đống BĐS của mình rồi. Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu, hiện nay tất cả các doanh nghiệp địa ốc đều khó khăn ở mức độ khác nhau. Có Cty phải trả hàng tỷ đồng tiền lãi mỗi ngày. Thậm chí có DN phải trả hơn cả con số ấy. "Lãi suất cao, thuế ngất ngưỡng, một số chính sách đất đai chưa phù hợp. DN rất tâm huyết với nghề nhưng đang phải "chết" trên đống tài sản", ông Châu than. Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Trần Đình Thiên, BĐS là thị trường tài sản lớn nhất nhưng "đang rơi vào thời điểm sinh tử". Nhà nước muốn cứu thị trường, nhưng cứu bằng cách nào vẫn cần phải khảo sát, nghiên cứu thêm. Hiện nay đầu vào của thị trường bị bế tắc, đầu ra cũng không khá hơn, cần cân nhắc xem nên hỗ trợ ai, người mua hay DN và hỗ trợ với mức độ nào.

    Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, Vũ Viết Ngoạn đồng tình với DN, nhưng cũng cho biết quan điểm của Chính phủ trong giải cứu BĐS là sẽ làm, nhưng thận trọng. "Kiểm soát quả bóng BĐS là bài toán khó. Bởi lẽ giải cứu thị trường nhưng phải đảm bảo không gây tổn hại đến phần còn lại của nền kinh tế, không gây bất ổn tâm lý xã hội và tránh cả những nguy cơ quả bóng BĐS quay trở lại".

    Theo Pháp luật xã hội
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê