• Giới BĐS định giá trụ sở các Bộ di dời

    Hàng loạt trụ sở các bộ ngành sẽ được bán chỉ định hoặc dưới hình thức đấu thầu. Hầu hết các trụ sở được nằm tại những khu đất "vàng", diện tích lớn nên giá càng cao do giá trị sử dụng cao.
    Trong kế hoạch, hàng loạt trụ sở các bộ ngành nằm ở những khu đất vàng trên địa bàn thủ đô sẽ có kế hoạch di dời, điển hình như: trụ sở Bộ Nội Vụ (37A Nguyễn Bỉnh Khiêm); Bộ Xây dựng (37 Lê Đại Hành); Bộ NN&PTNT (số 2 Ngọc Hà); Bộ TN&MT (83 Nguyễn Chí Thanh); Bộ GTVT (80 Trần Hưng Đạo)…

    Vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là trụ sở các bộ ngành sẽ được bán dưới hình thức nào, khu đất vàng này sẽ được định giá ra sao, công trình gì sẽ được xây dựng trên phần đất này?

    Anh Trọng Hoàng, Giám đốc một sàn giao dịch BĐS lâu năm ở Hà Nội cho rằng, chính vì trụ sở nằm ở những khu đất “vàng” nên việc định giá sẽ vô cùng khó khăn. Mặt khác trụ sở các bộ ngành lại nằm trên phần diện tích rất lớn, nên giá trị khu đất qua đó sẽ càng tăng lên.

    Anh Hoàng ví dụ, đối với hai mảnh đất nằm sát nhau ở mặt tiền đường Hàng Bài, Trần Hưng Đạo, Bà Triệu… nếu mảnh đất thứ nhất có diện tích 500m2, còn mảnh đất thứ hai 1.000 m2 thì giá trị của mảnh đất thứ hai sẽ cao hơn gấp đôi mảnh thứ nhất.



    Trụ sở Bộ GTVT nằm trên khu đất "vàng" Trần Hưng Đạo. Ảnh internet

    “Đối với những khu đất vàng diện tích càng lớn giá trị sẽ càng cao. Vì nếu diện tích lớn, chủ sở hữu có thể xây dựng làm chung cư, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, còn những mảnh đất có diện tích nhỏ thì ngược lại” - anh Hoàng cho biết.

    Chính vì diện tích càng lớn, giá trị càng cao nên việc định giá cho những khu đất "vàng" đã khó càng khó hơn. Một số nhà đầu tư BĐS cho biết, tại những khu đất “vàng” ở đường Lê Đại Hành, hay Trần Hưng Đạo trên thị trường hiện có mức giá cao nhất dao động trong khoảng 700 triệu đồng mỗi m2 (tùy theo vị trí và diện tích của từng khu đất).

    Trụ sở Bộ GTVT trên đường Trần Hưng Đạo có diện tích khoảng 8.000m2, ngay cạnh đó trụ sở Bộ Xây Dựng trên đường Lê Đại Hành (gần Trung tâm thương mại Vincom) có diện tích lên đến 13.000 m2. Như vậy xét về mặt thị trường, hai khu đất này sẽ được định giá với mức giá tối đa.

    Như vậy, nếu trụ sở hai bộ ngành trên được bán với mức giá tối đa 700 triệu đồng/m2, thì trụ sở Bộ GTVT sẽ được bán với giá 5.600 tỷ, Bộ XD có giá trên 9.000 tỷ đồng.

    Tuy nhiên trên thực tế con số 700 triệu mỗi m2 không phải không vượt qua được. Ông Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc một doanh nghiệp địa ốc nhớ lại thời điểm cách đây không lâu, chủ đầu tư dự án Trung tâm thương mại - văn phòng - nhà ở tại số 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng đã phải bỏ ra hàng tỷ đồng mỗi m2 để đền bù cho công tác GPMB, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề.

    “Trụ sở các bộ ngành đang nằm trên phần diện tích rất lớn, giá trị đích thực khó mà đo đếm được. Vì thế 700, 800, hay 1 tỷ đồng mỗi m2 cũng đều trở thành những con số mơ hồ” - Ông Nam chia sẻ.

    Tuy nhiên ông Nam cũng đưa ra nhận định, chính vì giá trị quá lớn nên nhà đầu tư sẽ phải rất cân nhắc khi đầu tư. Ngoài ra khi bỏ ra “núi” tiền mua trụ sở, nhà đầu tư cũng sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, bởi không biết phải đầu tư vào lĩnh vực nào. Xây dựng làm văn phòng cho thuê, hay trung tâm thương mại sẽ không hiệu quả và chậm thu hồi vốn.

    Trụ sở Bộ XD trên phố Lê Đại Hành. Ảnh TP

    Để đảm bảo có lãi, nhà đầu tư phải xây dựng chung cư thương mại với chiều cao từ 20 tầng trở lên. Thế nhưng kế hoạch này dường như là không thể, vì Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo Hà Nội đã từng tuyên bố sẽ không bao giờ đặt bút ký cho bất cứ một khu chung cư cao tầng nào xây trên vị trí cũ của các Bộ. Đó là chưa kể, trong bối cảnh thị trường BĐS ảm đạm như hiện nay, việc xây dựng chung cư để bán cũng sẽ gặp muôn vàn khó khăn.

    Đối với trụ sở Bộ GTVT, Chính phủ đã đồng ý cho Bộ này bán dưới hình thức chỉ định để lấy kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở mới. Tuy nhiên kinh phí xây trụ sở mới không được vượt quá số tiền thu được từ tiền bán quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại trụ sở cũ. Còn đối với trụ sở Bộ XD sẽ được bán dưới hình thức đấu giá.

    Trước đó Bộ GTVT đã đặt mục tiêu đầu tư xây dựng trụ sở mới với nguồn kinh phí 12.000 tỷ đồng. Con số này cao hơn hai lần số tiền thu được khi bán trụ sở cũ theo cách tính trên. Vậy Bộ GTVT nếu chỉ bán trụ sở được 5600 tỷ thì nửa còn lại sẽ lấy từ đâu?

    Trao đổi với PV báo điện tử Infonet, một lãnh đạo Cục Quản lý Công Sản (Bộ Tài chính) nhận định, con số 12.000 tỷ đầu tư trụ sở của Bộ GTVT nhiều khả năng không chỉ dừng lại ở việc xây trụ sở của Bộ, mà còn có cả kinh phí đầu tư cho các đơn vị trực thuộc bộ. Theo quy định, trụ sở các bộ ngành khi di dời sẽ được giải quyết theo các hướng: xây dựng các công trình công cộng; các cơ quan khác sẽ tiếp quản; chuyển đổi mục đích sử dụng bằng cách bán dưới hình thức chỉ định, hoặc đấu giá để đảm bảo sự công bằng.

    KTS. Đào Ngọc Nghiêm thì cho rằng, để đảm bảo quy hoạch, hạn chế sự gia tăng mật độ dân số trong khu vực nội thành, trụ sở cũ của các bộ ngành không được xây chung cư, mà nên dành để phát triển các công trình công cộng.

    Riêng đối với trụ sở Bộ GTVT, ông Nghiêm kiến nghị nên giao lại phần đất này cho Hà Nội quản lý, ngược lại Hà Nội sẽ bố trí trụ sở mới cho Bộ GTVT tại một vị trí thích hợp.

    Theo Infonet
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê